Bài 2: 'Chọn mặt gửi vàng'

Được ví như những 'người vác tù và hàng tổng', đội ngũ cô đỡ thôn bản đã không quản ngại nắng mưa, đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em. Với nhiều đặc thù trong hoạt động nên việc lựa chọn, tuyển dụng và đào tạo cô đỡ thôn bản luôn được ngành y tế quan tâm, chú trọng.

Nắm tâm tư để tuyên truyền hiệu quả

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh; Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Yên Bái luôn trăn trở lời giải cho bài toán khó "Làm thế nào để thay đổi thói quen sinh con tại nhà của đồng bào vùng cao".

Theo bác sĩ Kim Anh, dù biết đó là tập tục cần phải loại bỏ nhưng việc sinh con tại nhà đã trở thành thói quen bám rễ sâu trong nhận thức và tư duy của bà con miền núi. Để làm được điều này, không chỉ đòi hỏi sự kiên trì mà còn phải biết cách nắm bắt được tâm tư, tình cảm của bà con; rồi từ đó mới thay đổi dần nhận thức của người dân.

Theo chuyên gia y tế, sự khác biệt về các yếu tố văn hóa như ngôn ngữ, phong tục tập quán có liên quan đến mang thai, sinh con sẽ làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân ở các vùng núi cao. Trên thực tế, cán bộ y tế là dân tộc Kinh khó có khả năng hòa nhập, tiếp cận tới đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có nhiều nét văn hóa đặc thù. Khi đó, vai trò của cô đỡ thôn bản trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em càng được thể hiện rõ.

Trước đây, tại Yên Bái đào tạo được 95 cô đỡ thôn bản, tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, một số cô đỡ thôn bản đi lấy chồng xa, một số cô đỡ không làm nữa; chỉ còn 53 cô đỡ đang hoạt động. Trong 53 cô đỡ đó, có 20 cô đỡ vừa làm 2 chức năng, vừa làm cô đỡ thôn bản và vừa kiêm nhiệm vụ nhân viên y tế thôn bản.

Do số lượng cô đỡ thôn bản còn thiếu, trong khi số thôn bản khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản còn nhiều nên một số cô đỡ phải phụ trách thêm các thôn bản lân cận (có những cô được phân công phụ trách 3 - 4 bản). Việc kiêm nhiệm thêm các thôn bản ngoài nơi cư trú sẽ đem đến những khó khăn như địa bàn rộng, gánh nặng công việc tăng lên… nhưng nhiều cô đỡ vẫn chấp hành sự phân công của trạm y tế xã.

 Giàng Thị Cở, sinh năm 1995, dân tộc tộc Mông nhận bộ dụng cụ cô đỡ thôn bản. Ảnh: Hải Yến

Giàng Thị Cở, sinh năm 1995, dân tộc tộc Mông nhận bộ dụng cụ cô đỡ thôn bản. Ảnh: Hải Yến

Giàng Thị Cở, sinh năm 1995, dân tộc tộc Mông sống ở địa bàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải là một ví dụ. Bắt đầu công việc từ năm 2016, phụ trách 3 bản: Dào Xa, Lao Chải, Tà Ghênh; hàng ngày, Cở đều đến từng thôn, bản để thực hiện các nhiệm vụ như tái khám, chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh. Không ít lần, chị phải cuốc bộ cả chục cây số trong những ngày mưa bão mới đến được nhà thai phụ thăm khám, tư vấn sức khỏe.

Thế nhưng, với cô đỡ Giàng Thị Cở, khó khăn nhất vẫn là thuyết phục để người dân đến trạm y tế sinh con. "Nhiều nhà, người già trong nhà không cho đi, với lý do là chưa đến thời gian đẻ; một số người bảo không có tiền, một số lại bảo sợ bác sĩ không dám đi... Những khi ấy, tùy từng gia đình, tính cách của mỗi người mà mình lựa chọn cách tuyên truyền phù hợp, có thể là giải thích cho họ hoặc gọi trực tiếp để trạm y tế hỗ trợ tuyên truyền", Giàng Thị Cở chia sẻ.

Với Chị Lò Thị Nga, dân tộc Thái, 37 tuổi phụ trách một thôn tại xã Hát Lừu (Trạm Tấu) cũng vậy. Mặc dù, đã có thâm niên 17 năm trong nghề, nhưng khó khăn lớn nhất với chị vẫn là tuyên truyền vận động cho đồng bào nơi đây từ bỏ tập tục sinh con tại nhà; người dân chưa nhận thức được việc đến các cơ sở y tế để sinh con an toàn.

Hỗ trợ chuyên môn theo hướng "cầm tay chỉ việc"

Theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), thời gian qua, Vụ đã phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng nội dung đào tạo toàn diện từ những kiến thức cơ bản đến chuyên sâu. Cụ thể như khám thai, chăm sóc trong khi sinh, chăm sóc sau sinh, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm; các kiến thức tư vấn truyền thông chăm sóc dinh dưỡng như tư vấn kế hoạch hóa gia đình, nuôi con bằng sữa mẹ, nuôi dưỡng trẻ… Suốt quá trình 6 tháng tích cực, sáng lý thuyết, chiều thực hành, tối trực, cô đỡ thôn bản sẽ hoạt động như 1 nhân viên y tế.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Phương, chuyên gia của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - người thường xuyên tập huấn kiến thức cho các cô đỡ thôn bản cho biết, cô đỡ thôn bản được đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc" và lực lượng đào tạo là đội ngũ nhân viên y tế có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn. Quá trình đào tạo khá chặt chẽ, khoa học nên chất lượng đào tạo cô đỡ thôn bản cũng cao. Qua những lần hỗ trợ đào tạo ngắn hạn, các cô đỡ thôn bản tự tin hơn, họ thực hiện khám thai tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật đã được học.

Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, để duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ, hàng năm, CDC tỉnh Yên Bái đều tổ chức các lớp đào tạo lại, nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, nâng cao chất lượng của đội ngũ cô đỡ thôn bản; hỗ trợ cô đỡ về chuyên môn, kỹ thuật, giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nhờ đó, sau khi về địa phương công tác, các cô đỡ thôn bản đều làm tốt và rất tận tình trong công việc.

 Các cô đỡ thôn bản tỉnh Yên Bái thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực. Ảnh: Hải Yến

Các cô đỡ thôn bản tỉnh Yên Bái thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực. Ảnh: Hải Yến

Tại các thôn bản có cô đỡ, hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được kiểm soát tốt. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành, các cô đỡ thôn bản đã thành công đỡ đẻ an toàn cho nhiều sản phụ; phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cơ bản và chuyển tuyến kịp thời cho nhiều trường hợp.

Cô đỡ Hờ Thị Nhứ tại bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải là một điển hình. Chị đã đỡ đẻ thành công 2 lần cho sản phụ có tiền sử băng huyết sau sinh. "Ở lần mang thai thứ 2, mình đã vận động, thuyết phục rất nhiều lần cho sản phụ đi đẻ ở trung tâm y tế nhưng gia đình này có rất nhiều thế hệ, ông bà, bố mẹ ở với nhau và nhất quyết không cho con dâu đi đẻ", Hờ Thị Nhứ nói.

Nhớ lại tối hôm cấp cứu cho sản phụ bị băng huyết sau sinh, chị Nhứ chia sẻ, "khi ấy vào khoảng 23 giờ, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ; dù vận động bằng mọi cách vẫn không chịu đến trung tâm y tế, nên mình buộc phải ở lại tới 3 giờ sáng. Đến 6 giờ sáng khi sản phụ gần sinh, mình đã thông báo với trạm y tế để khuyên gia đình đưa sản phụ đi, nhưng họ vẫn không chịu".

 Cô đỡ Hờ Thị Nhứ chia sẻ về kinh nghiệm của mình. Ảnh: Hải Yến

Cô đỡ Hờ Thị Nhứ chia sẻ về kinh nghiệm của mình. Ảnh: Hải Yến

Trước tình huống đó, chị đã chuẩn bị đầy đủ tất cả dụng cụ cần thiết, mở sẵn gói đỡ đẻ sạch và thực hiện đỡ đẻ. Khoảng 7 giờ sáng, sau khi sinh xong, đặt bé lên bụng mẹ da kề da, lau khô rồi kiểm tra lại tình trạng của sản phụ. Khi nằm khoảng 2, 3 phút thì sản phụ được người nhà chuyển đi vị trí khác; khi đó, bắt đầu có dấu hiệu băng huyết sau sinh. Ngay lập tức, Hờ Thị Nhứ đã cấp cứu bằng các phương pháp chuyên môn được đào tạo như ép động mạch chủ bụng... và cứ 15 phút đo huyết áp 1 lần, thay bỉm thường xuyên cho sản phụ; sau tầm 2 tiếng thì sản phụ đã ổn hơn.

"Mình theo dõi bà mẹ thường xuyên, cứ 1 đến 2 ngày lại tới kiểm tra; cho đến hết tháng, khi ổn định hẳn mới yên tâm" - Nhứ kể lại.

 Cô đỡ thôn bản dân tộc Thái - Lò Thị Nga. Ảnh: Hải Yến

Cô đỡ thôn bản dân tộc Thái - Lò Thị Nga. Ảnh: Hải Yến

Cô đỡ thôn bản dân tộc Thái - Lò Thị Nga cũng không nhớ mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu ca; nhưng ấn tượng nhất với chị là những ca đẻ rơi dọc đường; có những ca nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi nhưng nhờ kiến thức và kinh nghiệm mà chị được đào tạo, nhiều trẻ đã được cứu sống. Nhìn những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, chị thấy rất vui vì công sức của mình đã "đơm hoa, trổ quả”.

"Khi được tham gia các lớp tập huấn, mình cảm thấy học được nhiều kiến thức hữu ích về tuyên truyền và chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh. Mình mong muốn, trong tương lai sẽ được tập huấn, nâng cao thêm kiến thức và kỹ năng" - chị Lò Thị Nga cho biết.

Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh, các cô đỡ thôn bản đã giúp công tác chăm sóc sức khỏe tại tỉnh Yên Bái có phần "khởi sắc"; khi 2 năm trở lại đây, tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải không còn ca tử vong mẹ nào, trường hợp uốn ván rốn năm nay cũng chỉ có 1 ca.

Với số lượng cô đỡ thôn bản quá ít, như huyện Trạm Tấu có tới 200 thôn, bản nhưng chỉ có 13 cô đỡ; đại diện CDC Yên Bái kiến nghị, Bộ Y tế hỗ trợ đào tạo và mở thêm các lớp cô đơn thôn bản; thường xuyên cập nhật kiến thức mới và tạo điều kiện cho các cô đỡ ở miền Bắc có thể đến miền Trung, miền Nam học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, với mong muốn vươn rộng cánh tay của các cô đỡ đến từng thôn, bản xa xôi nhất.

Theo Thông tư số 27/2023/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên y tế thôn bản; để trở thành cô đỡ thôn, bản, cần đáp ứng các tiêu chí, như hoàn thành chương trình (được cấp chứng chỉ) theo nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; có trình độ chuyên môn về y (bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên; tự nguyện tham gia làm cô đỡ thôn bản; có đủ sức khỏe để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Đối với cô đỡ thôn bản, thời gian đào tạo tối thiểu 6 tháng. Đối với nhân viên y tế thôn bản làm kiêm nhiệm vụ cô đỡ thôn bản, thời gian đào tạo tối thiểu 3 tháng.

Thảo Mộc - Hải Yến - Thái Bình - Tùng Dương - Cao Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-2-chon-mat-gui-vang-post391753.html