Bài 2: Bi kịch sau giấc mộng đổi đời

Nhẹ dạ tin rằng sẽ có một cuộc sống sung sướng sau khi vượt biên, nhiều người dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã vỡ mộng trở về trong hối hận. Đáng thương hơn, nhiều người phải bỏ mạng nơi đất khách, chẳng thể nhìn mặt cha mẹ, vợ con lần cuối…

Nghe lời đường mật, nhận lại đắng cay

Những tưởng sẽ có một cuộc sống giàu sang, sung sướng nơi đất khách, thế nhưng chỉ vài ngày sau khi trốn cha mẹ, vợ con vượt biên tìm về “miền đất hứa” họ đã vỡ mộng. Thực tế công việc nơi xứ người hoàn toàn khác xa với viễn cảnh “việc nhẹ, lương cao” mà kẻ xấu đã vẽ ra cho họ trước đó.

Trở về đoàn tụ với gia đình đến nay đã 5 năm, thế nhưng ông Ksor Hay (63 tuổi, trú ở làng Plei Plok, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, Gia Lai) vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại chuỗi ngày lưu lạc, trốn chui lủi ở nước ngoài.

Theo lời kể của ông Ksor Hay, vì mộng tưởng đi nước ngoài sẽ kiếm được rất nhiều tiền nên vào năm 2018 ông đã giấu gia đình lấy hơn 20 triệu đồng vượt biên trái phép sang Thái Lan. Đặt chân đến đất khách được vài ngày, ông Hay tiếp tục điện về nói con trai qua Thái Lan với mình.

 Ông Ksor Hay kể về những tháng ngày cực khổ lưu lạc nơi đất khách

Ông Ksor Hay kể về những tháng ngày cực khổ lưu lạc nơi đất khách

“Vì không biết cuộc sống ở Thái Lan khó khăn, khắc nghiệt nên tôi đã điện con trai qua cùng kiếm tiền, đổi đời. Thế nhưng, những tháng ngày sống chui rúc trong căn nhà trọ chật hẹp, cơm không đủ ăn đã khiến tôi tỉnh mộng. Việc nhẹ, lương cao, cuộc sống sung sướng sau khi vượt biên hoàn toàn là sự lừa bịp, dối trá. Không có việc làm, nhiều lúc 2 cha con phải đi nhặt rác kiếm sống. May mắn kiếm được công việc thợ hồ thì liên tục bị ăn quỵt tiền. Nói chung cuộc sống rất vất vả, vì bất đồng ngôn ngữ cộng với việc không có giấy tờ nên đi đâu cũng lo sợ bị bắt”, ông Hay kể lại.

Cũng vì cuộc sống vất vả, lao động nặng nhọc nên căn bệnh thoái hóa cột sống của ông Hay ngày càng trở nặng. Thương cha anh Kpă Quang đã làm lụng quần quật cả ngày với mong muốn góp đủ tiền cho cha về nhà chữa bệnh. Sau 4 năm trời chắt chiu dành dụm, cuối cùng vào năm 2022 anh cũng lo đủ tiền cho cha trở về còn mình tiếp tục ở lại lao động, hy vọng sớm có thể trở về.

Cũng vì tò mò cuộc sống sung sướng ở đất nước thứ 3 nên thanh niên trẻ Siu Liêm (SN 1991, quê ở Chư Sê, Gia Lai) quyết rút 30 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình cùng bạn sang Thái Lan, để được đi sang nước thứ 3. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh đã không thể chịu nổi cuộc sống ở đất khách và trở về quê nhà ở tháng thứ 4.

 Vì nhẹ dạ, cả tin, anh Siu Liêm (bên phải) đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm vượt biên trái phép ôm mộng đổi đời

Vì nhẹ dạ, cả tin, anh Siu Liêm (bên phải) đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm vượt biên trái phép ôm mộng đổi đời

Ông Nguyễn Văn Thông – Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê cho biết: “Những người dân tộc thiểu số trên địa bàn, ngay khi vượt biên sang Thái Lan đã vỡ lẽ tất cả, họ biết mình đã bị lừa nên đã gọi điện về cho gia đình, người thân. Những cuộc điện thoại ấy là nỗi niềm, dòng tâm sự về cuộc sống đầy rẫy khó khăn, vất vả nơi đất khách. Thậm chí nhiều người điện về cho cả chủ tịch xã nhờ khuyên đồng bào không nên trốn, trốn sang đó sẽ khổ… Hiện tại, họ rất muốn được trở về quê nhà, thân nhân gia đình cũng đã làm đơn gửi chính quyền, Công an giúp đỡ để họ được trở về. Tuy nhiên trên thực tế rất là khó vì không có một chủ trương, chính sách nào quy định phải sang đó đưa họ về mà họ đi được thì phải tự về”.

Bỏ mạng nơi xứ người

Trót ôm giấc mộng đổi đời, nhiều trường hợp sau khi vượt biên đã để lại những món nợ lớn, tử vong ở xứ người vì bệnh tật, dịch bệnh. Cuộc sống vốn đang bình lặng ở vùng quê nghèo bỗng bị xáo trộn, dậy sóng.

Theo ông Phan Thanh Hải - Phó trưởng Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Gai Lai, cuộc sống của những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Thái Lan rất khó khăn. Họ phải làm những công việc nặng nhọc như: Phụ hồ, bốc vác, làm nông… tuy nhiên cũng không ổn định, hơn thế vì không biết tiếng địa phương nên dễ bị lừa tiền công lao động. Vì là cư trú bất hợp pháp, không có giấy tờ pháp nhân nên họ thường xuyên bị lực lượng chức năng Thái Lan truy quét, bắt giữ. Ngoài ra, cũng không được hưởng các chế độ về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, sống vô gia cư gây nên tâm lý tuyệt vọng.

 Bà Kpă H’mif trào nước mắt mỗi khi nhắc đến người chồng đã mất nơi đất khách

Bà Kpă H’mif trào nước mắt mỗi khi nhắc đến người chồng đã mất nơi đất khách

“Nhiều người vì nhẹ dạ, cả tin, ngộ nhận rằng khi sang Thái Lan sẽ dễ dàng được đi Mỹ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua có rất ít trường hợp được đi đất nước thứ 3 định cư. Để được đi định cư phải có người ở Mỹ bảo lãnh, tốn chi phí rất lớn, phải đảm bảo về tiêu chuẩn lý lịch, khám tổng quát sức khỏe rất kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, nếu sang được nước thứ 3 thì công việc cũng rất vất vả, chi phí sinh hoạt cao nên cũng không còn tiền để gửi về cho thân nhân, cuộc sống cô đơn nơi đất khách…”, ông Hải cho hay.

Tỉnh mộng đổi đời ở “miền đất hứa” nhiều người may mắn khi được trở về đoàn tụ với gia đình, vợ con ngược lại nhiều người vẫn chưa thể về vì không có tiền. Xót xa hơn nhiều trường hợp thiếu thốn về điều kiện ăn ở, đau ốm không được chăm sóc y tế nên đã tử vong nơi xứ người.

Ngày bà Kpă H’mif (SN 1971, trú tại xã Hbông, huyện Chư Sê) nhận được tin tức từ chồng sau 4 năm mất liên lạc cũng là lúc âm dương cách biệt. “Chồng mình trốn sang Thái vào năm 2018 cùng với một người hàng xóm. Từ ngày ông ấy đi cũng chẳng thấy gọi về cho vợ con. Đến năm 2021 người hàng xóm trở về, mình có hỏi thông tin của chồng thì được biết vì đã lớn tuổi không có việc làm nên ông ấy không có tiền để về.

 Chồng bỏ mạng nơi đất khách vì trót tin vào việc nhẹ, lương cao, tuổi già sức yếu bà Kpuih H'thuel (trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh) chỉ biết nương tựa vào con gái

Chồng bỏ mạng nơi đất khách vì trót tin vào việc nhẹ, lương cao, tuổi già sức yếu bà Kpuih H'thuel (trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh) chỉ biết nương tựa vào con gái

Một năm sau, mình bàng hoàng nhận được tin chồng đã mất. Lúc đó mình và các con hoàn toàn suy sụp, sau nhiều năm bặt vô âm tín thì chúng tôi đã xa nhau mãi mãi, đến tro cốt của ông ấy gia đình cũng không nhận được”, bà Kpă H’mif bật khóc nức nở.

Cũng vì ôm giấc mộng đổi đời, tin vào cuộc sống giàu sang nơi đất khách, ông Rmah Hlông (SN 1952, trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh) để lại người vợ mù, bán hết tài sản vượt biên trái phép sang Thái Lan. Thế nhưng vì đã lớn tuổi lại không ai chăm sóc, sau thời gian đau ốm ông Hlông đã tử vong và được hỏa táng tại Thái Lan. Từ ngày, chồng đi Thái Lan và tử vong bên đó, người vợ mù là bà Kpuih H'thuel chỉ biết nương tựa vào cô con gái út, tuy nhiên cuộc sống của họ cũng không mấy khá giả.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Bài 3: Vạch trần những thủ đoạn tinh vi

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-2-bi-kich-sau-giac-mong-doi-doi-post250653.html