Bài 1: Nơi sử thi vọng về

Từ thuở hồng hoang, đại ngàn Tây Nguyên đã là cái nôi nuôi dưỡng những bản sử thi huyền thoại, khắc ghi dấu ấn lịch sử độc đáo, hun đúc nên một nền văn hóa đa dạng, rực rỡ, nhuốm màu huyền thoại.

Trong ký ức lịch sử, Tây Nguyên hiện lên với tên gọi Thủy Xá, Hỏa Xá, được sách Đại Nam thực lục ghi chép một cách tường minh, "ở phía trên nước Nam Bàn (khi Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, dòng dõi nước ấy làm vua nước Nam Bàn, cắt cho đất từ núi Thạch Bi về phía tây), thôn lạc có hơn năm chục, giữa có núi Bà Nam rất cao, vua Thủy ở phía đông núi, vua Hỏa ở phía tây núi". Những dòng chữ cổ kính ấy không chỉ phác họa một địa danh, mà còn hé lộ về một cộng đồng cư dân bản địa với những tổ chức xã hội sơ khai, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển vùng đất Tây Nguyên sau này.

Sách còn thuật lại chi tiết, "Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp với Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa vật phẩm địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến". Mối giao hảo ban đầu giữa Tây Nguyên và người Kinh diễn ra một cách tự nhiên, không chỉ là biểu hiện của sự giao thương, mà còn là minh chứng cho mối quan hệ bang giao hòa hiếu, tôn trọng lẫn nhau giữa những cộng đồng cư dân. Đặc biệt, sau chiến thắng Chiêm Thành đã tác động sâu sắc đến vùng đất này.

Đến thời nhà Nguyễn, Tây Nguyên với trung tâm là Đắk Lắk ngày nay, được gọi là trấn Man. Nhận thức rõ vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự của vùng đất này. Nơi án ngữ giữa Đại Việt và các quốc gia láng giềng như Lào, Cao Miên, Xiêm La, các vua Nguyễn, thường xuyên cử sứ bộ đi lại, lập đồn, tuần tra, canh phòng biên giới, ngăn chặn sự xâm lược từ bên ngoài.

Ngày 22/11/1904, tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, đặt dưới quyền quản lý của Khâm sứ Trung Kỳ. Phạm vi lãnh thổ của tỉnh bao gồm các vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Tây Phú Yên và Khánh Hòa. Đắk Lắk chính thức trở thành một trong 20 tỉnh Trung kỳ và một trong 73 tỉnh, thành phố Việt Nam thời Pháp thuộc.

Theo dòng lịch sử, Tây Nguyên không chỉ là chứng nhân cho mối liên hệ sâu sắc với đất nước mà còn là nơi cất giữ một kho tàng văn hóa dân gian vô giá, độc đáo và đa dạng. Từ thuở sơ khai, văn học dân gian đã nảy mầm và trở thành nguồn sống tinh thần không thể thiếu của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Những câu chuyện thần thoại, những bản sử thi hào hùng, những truyện cổ tích thấm đẫm tình người… tất cả đã vẽ nên một bức tranh nhân sinh quan và thế giới quan phong phú, thể hiện trọn vẹn những cảm xúc, tâm tư và khát vọng của người dân Tây Nguyên.

Vẻ đẹp tráng lệ và tràn đầy sức sống của Tây Nguyên còn được tái hiện một cách đầy nghệ thuật qua những vở nhạc kịch. Tiêu biểu như "Bên bờ Krông Pa" (1968) của nhạc sĩ Nhật Lai và "Người tạc tượng" (1971) của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, những tác phẩm không chỉ là niềm tự hào, kết tinh trí tuệ của người dân nơi đây mà còn là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đặc biệt, vở nhạc kịch "Khát vọng Đam San" (2021) của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã khơi dậy vẻ đẹp văn hóa đặc sắc của người Ê Đê, của Đắk Lắk nói riêng và của cả vùng Tây Nguyên nói chung. Sử thi Đam San, một tuyệt tác văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng bay bổng và lãng mạn của người Ê Đê xưa, đã khắc họa thành công hình tượng người tù trưởng anh hùng, người đã dẫn dắt buôn làng chiến đấu kiên cường, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên, mang lại sự ổn định và phồn vinh cho cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2005 "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" được UNESCO vinh danh là kiệt tác văn hóa truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại.

Nghệ nhân Y Duê Niê, một người con của núi rừng nói: "Hỏi tôi tiếng chiêng có tự bao giờ hả? Cái bụng tôi cũng không nhớ hết được đâu. Nó ăn sâu vào máu thịt của người Tây Nguyên mình từ đời nào rồi. Tiếng chuông ngân lên, khi trầm hùng như tiếng vọng của núi rừng, khi ngân nga như lời thì thầm của dòng suối, là cái không thể thiếu trong đời sống của đồng bào mình rồi”.

Ông còn nói thêm: “Từ lúc còn nhỏ, tôi lớn lên cùng tiếng chiêng. Nó ru tôi ngủ, nó thức tôi dậy. Nó ở đó, trong cái buồn, cái vui, trong mọi lễ hội của buôn mình. Mỗi lần cầm cái chiêng lên, tay chạm vô mặt đồng, tôi nghe được hơi thở của cuộc sống, của núi rừng. Cái tiếng chiêng đánh lên đâu chỉ là nhạc đâu, nó là lời của cả cộng đồng mình đó, là sợi dây nối thế hệ bao đời nay. Bổn phận của chúng tôi là phải giữ lấy cái lửa thiêng này, trao lại cho đám con cháu. Chỉ mong sao tụi nhỏ sau này cũng thương tiếng chiêng như thương giọt máu trong người nó vậy, để tiếng chiêng ngân lên mãi, giữ cái hồn của đất Tây Nguyên này”.

Đắk Lắk không chỉ giàu có về lịch sử, văn hóa mà còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, tươi đẹp, kỳ bí, ẩn mình trong núi rừng. Cùng với đó, là những thác nước hùng vĩ như Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Thủy Tiên, Bìm Bịp... đã tạo nên môi trường sống nuôi dưỡng những tâm hồn phóng khoáng, yêu thiên nhiên và trở thành nguồn cảm hứng bất tận.

Trong một lần ngồi trò chuyện, Nghệ sĩ ưu tú Y Phôn Ksor, người được khán giả biết đến với ca khúc như "Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời", "Đôi chân trần"…kể: “Nhớ hồi đó, khi màu xanh còn ôm trọn Tây Nguyên, tôi theo cha lên rừng, lên rẫy để tìm cái ăn. Người Tây Nguyên mình hồi đó sống như là một phần của rừng vậy, sống chan hòa cùng cỏ cây, muông thú. Có lẽ bởi cái sống gần gũi, hồn mình quyện vào đất trời như thế, nên lời ca tiếng hát của người Ê Đê mình nó mới có cái chất riêng, giọng hát cất lên như vọng cả núi rừng. Sống giữa cái tình của rừng, của người như thế, lòng mình nó bình yên, nhẹ nhàng lắm...".

Ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: “Giữ hồn văn hóa” không phải là đóng băng quá khứ, nó là mạch nguồn sâu thẳm của vùng đất – nơi linh hồn, tín ngưỡng, ngôn ngữ và kho tàng tri thức dân gian vẫn đang âm thầm chảy. Không chỉ là lưu trữ, mà phải là nuôi dưỡng, thực hành, trao truyền để di sản ấy thực sự 'thở' cùng nhịp sống đương đại, để thế hệ trẻ cảm nhận và tiếp nối.

“Giữ được hồn cốt ấy chính là giữ được lợi thế cạnh tranh của Đắk Lắk. Và thật kỳ diệu, hồn cốt văn hóa ấy lại được ôm ấp, chở che bởi khí hậu ôn hòa, đất bazan mời gọi, những cánh rừng bạt ngàn vọng tiếng chim ca… Chính sự hòa quyện tuyệt vời giữa văn hóa và thiên nhiên ấy đã tạo nên sức hút đặc biệt, mời gọi du khách. Du khách đến với Đắk Lắk không chỉ để thưởng ngoạn cảnh sắc, mà còn để đắm mình vào không gian cồng chiêng huyền diệu, tìm hiểu sự độc đáo nét đẹp văn hóa, sống cùng nhịp điệu buôn làng và thưởng thức tinh hoa ẩm thực – hành trình khám phá chạm đến mọi giác quan.”, ông Tiến nhấn mạnh.

Những giá trị lịch sử và văn hóa rực rỡ ấy không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Đắk Lắk, mà còn là một phần không thể thiếu trong bức tranh đa sắc màu của văn hóa Việt Nam. Chúng là nền tảng tinh thần, hun đúc khí phách, lòng yêu nước, tạo động lực cho sự phát triển. Hành trình khám phá Tây Nguyên, từ sử liệu cổ kính đến di sản sống động, chính là hành trình tìm về cội nguồn, trân trọng bản sắc và khơi dậy niềm tự hào về một vùng đất huyền thoại, kiêu hùng.

Lê Hiếu

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bai-1-noi-su-thi-vong-ve-477558.html