Bắc NinhHướng tới đô thị xanh, hiện đại và đáng sống

Với vị trí chiến lược và tiềm năng dồi dào, Bắc Ninh không ngừng nỗ lực trong hành trình đô thị hóa; sự chuyển mình mạnh mẽ trong hạ tầng và diện mạo đô thị là minh chứng rõ ràng cho những thành tựu đáng kể.

Tăng tính kết nối, tạo diện mạo mới

Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới đối mặt với những thách thức không nhỏ; để hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Bắc Ninh cần khẩn trương gỡ bỏ những “điểm nghẽn” còn tồn tại, đồng thời kiến tạo những đột phá chiến lược, hướng tới một đô thị xanh, thông minh, hiện đại và đáng sống.

Trong những năm qua, cả Bắc Ninh (cũ) và Bắc Giang (trước sáp nhập) đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển đô thị; điều này thể hiện rõ qua sự phát triển của hệ thống hạ tầng và diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc.

Bắc Ninh khẩn trương gỡ bỏ những “điểm nghẽn” đồng thời kiến tạo những đột phá chiến lược, hướng tới một đô thị xanh, thông minh, hiện đại và đáng sống. Ảnh: PV

Bắc Ninh khẩn trương gỡ bỏ những “điểm nghẽn” đồng thời kiến tạo những đột phá chiến lược, hướng tới một đô thị xanh, thông minh, hiện đại và đáng sống. Ảnh: PV

Tại Bắc Giang, sau hơn 5 năm thực hiện Kết luận số 103 ngày 9/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ. Hàng loạt đô thị loại II, IV, V đã hình thành, tập trung tại các phường, xã trọng điểm như Bắc Giang, Việt Yên, Chũ, Hiệp Hòa; sự thành công này có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền, cùng với việc chủ động kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Hạ tầng giao thông cũng được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao tính kết nối liên vùng; các tuyến đường huyết mạch kết nối đôi bờ sông Cầu, sông Thương đã mở rộng liên kết với các tỉnh lân cận như Hải Dương (cũ), Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Bên cạnh đó, nhiều công trình kiến trúc đô thị nổi bật đã đi vào hoạt động, tạo nên diện mạo năng động và hiện đại cho đô thị, điển hình như tòa nhà liên cơ quan cao 22 tầng, Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh, Quần thể văn hóa thể thao, Công viên Nguyễn Thế Nho, Quảng trường trung tâm phường Nếnh; đến hết năm 2024, tỷ lệ dân số đô thị của Bắc Giang (trước khi sáp nhập) đã đạt hơn 57,1%, vượt xa mục tiêu đề ra, phản ánh xu hướng dịch chuyển dân cư và mở rộng không gian đô thị.

Tương tự, Bắc Ninh (cũ) cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển đô thị. Tỉnh đã tích cực rà soát, điều chỉnh các chương trình phát triển đô thị, ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm. Nhờ đó, tỷ lệ đô thị hóa của Bắc Ninh (cũ) đã đạt 60,3%, cao hơn mức trung bình cả nước. Sự tham gia của các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup vào các dự án khu đô thị quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng là minh chứng cho sức hút và tiềm năng phát triển của khu vực này. Mặc dù có những bước tiến vượt bậc, quá trình phát triển đô thị tại cả Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) vẫn còn tồn tại những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ để bảo đảm sự phát triển bền vững và đồng bộ sau sáp nhập.

"Điểm nghẽn” trên hành trình phát triển bền vững

Một trong những vấn đề đáng lưu ý là dù tỷ lệ dân số đô thị của Bắc Giang (trước khi sáp nhập) vượt mục tiêu, nhưng mức tăng chủ yếu do sáp nhập đơn vị hành chính, chưa thực sự tạo được sức hút mạnh mẽ về chuyển dịch dân cư tự nhiên từ nông thôn ra thành thị; điều này cho thấy đô thị chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân và thu hút người dân.

Thêm vào đó, tiến độ lập và điều chỉnh quy hoạch sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt còn chậm. Nguồn vốn cho công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu dựa vào xã hội hóa, dẫn đến chất lượng quy hoạch có thể chưa đạt được như mong muốn. Không gian cây xanh quy mô lớn còn thiếu, diện tích khuôn viên tại các khu dân cư, khu đô thị còn nhỏ, thiếu không gian vui chơi, giải trí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Dịch vụ đô thị phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của cư dân.

Hạ tầng xã hội còn nhiều hạn chế, thiếu các dự án thương mại, dịch vụ quy mô lớn phục vụ chuyên gia và người dân. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là một nút thắt lớn, kéo dài tiến độ nhiều dự án, do nhiều địa phương thiếu chủ động và chưa có sự phối hợp hiệu quả. Trong quản lý đô thị, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn còn phổ biến, gây mất mỹ quan và trật tự đô thị. Việc thi tuyển, chọn phương án kiến trúc các công trình công cộng còn hạn chế, dẫn đến cảnh quan thiếu đồng bộ. Chất lượng giám sát thực hiện hợp đồng đầu tư cũng chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Để đạt được mục tiêu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh Bắc Ninh cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng chiến lược. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, tỉnh Bắc Ninh sẽ phấn đấu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Việc hợp nhất hai địa phương đã mở rộng không gian phát triển, tạo tiền đề cho những bước đột phá mới.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi tỉnh phải khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời xây dựng và ban hành các cơ chế mới mang tính đột phá nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Nhiều ý kiến đề xuất, ngành chức năng cần tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh giai đoạn đến năm 2030 nhằm tạo động lực mới cho công cuộc đô thị hóa nhanh, bền vững.

Cùng với đó, việc tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho công tác quy hoạch là vô cùng cấp thiết. Cần đẩy mạnh phủ kín quy hoạch đô thị với tư duy mới, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn. Quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư cần phát huy bản sắc vùng miền, lồng ghép hợp lý các công trình phúc lợi xã hội, hạ tầng dịch vụ, thương mại, nhà ở xã hội tại những vị trí thuận lợi. Điều này sẽ tạo sức hấp dẫn đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm. Đặc biệt, việc gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm tính nhất quán và khả thi trong tổ chức thực hiện.

Các đô thị hiện hữu và khu vực xã, phường mới hình thành phải được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trước khi cho phép triển khai dự án. Điều này giúp tránh tình trạng phát triển tự phát, thiếu kiểm soát; hơn nữa, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng ngập úng đô thị, rút ra bài học kinh nghiệm cho việc lập dự án, đầu tư đô thị cho giai đoạn tới; đây là một vấn đề cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân và uy tín của đô thị.

V.A

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bac-ninh-huong-toi-do-thi-xanh-hien-dai-va-dang-song-10380768.html