Bạc Liêu: triều cường, mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi

Những ngày qua mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây úng ngập nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ảnh hưởng nhiều vùng lúa tôm của tỉnh. Dự báo, tình hình trên sẽ còn kéo dài thêm nhiều ngày tới.

Quốc lộ 1A đoạn qua trung tâm thị xã Giá Rai bị ngập sáng 14/12/2024 (Hoàng Nam)

Quốc lộ 1A đoạn qua trung tâm thị xã Giá Rai bị ngập sáng 14/12/2024 (Hoàng Nam)

Nhiều trà lúa ST bị ảnh hưởng

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, bốn ngày qua, liên tục trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện những cơn mưa trái mùa kéo dài trên diện rộng, khiến cho nhiều diện tích lúa trên đất nuôi tôm của người dân ở các huyện Hồng Dân, Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi đang trong giai đoạn chuẩn bị bước vào thu hoạch cũng bị ảnh hưởng. Mưa lớn với triều cường còn làm ngập úng nhiều nơi trong tỉnh Bạc Liêu như TP Bạc Liêu, thị xã Giá Rai…

Nhiều trà lúa ST của nông dân vùng tôm - lúa vụ Đông Xuân bị đổ ngã (Hoàng Nam).

Nhiều trà lúa ST của nông dân vùng tôm - lúa vụ Đông Xuân bị đổ ngã (Hoàng Nam).

Vụ lúa Đông Xuân trên đất tôm 2024 - 2025, Bạc Liêu xuống giống hơn 18.000 ha lúa ST chiếm gần 40% diện tích lúa tôm của toàn tỉnh. Hiện nay, diện tích lúa ST đã bước vào giai đoạn làm đòng, trổ chín, chờ thu hoạch. Nhưng những ngày qua, tại tỉnh Bạc Liêu xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa kéo dài trên diện rộng. Mặc dù chưa gây thiệt hại về nhà cửa, nhưng đã ảnh hưởng nhiều trà lúa tại các địa phương đang trong giai đoạn trổ đòng đòng, chuẩn bị bước vào thu hoạch. Các trà lúa bị đổ ngã khiến cho năng suất giảm và tăng thêm chi phí cho nông dân khi thu hoạch.

Hiện giá lúa ST (chủ yếu là ST24, ST25) đang ở mức giá cao nhất từ trước đến nay, dao động từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, cao hơn cả giá lúa ST vụ lúa trên đất tôm năm 2023, nông dân trồng lúa ST đang rất háo hức chờ đợi ngày thu hoạch bội thu. Tuy nhiên, những cơn mưa trái mùa kéo dài những ngày qua khiến nông dân rất lo lắng. Hiện tại, chính quyền các địa phương cũng tích cực vận hành các cống để điều tiết nước, chống ngập để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Theo người dân thị trấn Phước Long (huyện Phước Long), những ngày qua lớn kèm theo gió mạnh đã khiến lúa của nhiều gia đình đang gần đến ngày thu hoạch bị đổ sập gần như toàn bộ. Bà con phải rút hết nước trên ruộng để hạn chế thiệt hại; tuy nhiên, dự kiến mức thiệt hại sẽ khiến năng suất sẽ giảm gần 40% so với lúa đứng. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra trên vùng lúa tôm của xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, mưa kèm gió lớn, khiến lúa ST bị đổ ngã. “ Mưa trái mùa khiến cho 3.000 m2 lúa của gia đình bị ảnh hưởng, chắc chắn sẽ giảm năng suất và tăng chi phí khi thu hoạch” - bà Nguyễn Thị Tươi ở thị trấn Phước Long nói.

Trước đó, trong vụ lúa Hè Thu 2024, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài khiến cho hơn 10.000 ha lúa của nông dân ở các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân… thu hoạch không được kịp thời, lúa bị đổ ngã làm giảm năng suất, lẫn giá bán. Từ vụ sản xuất được kỳ vọng thắng lợi cả năng suất lẫn giá bán thì nông dân Bạc Liêu lại gặp thực tế của một vụ sản xuất mất mùa, mất cả giá.

Dự báo mưa lớn kèm triều cường còn phức tạp

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bạc Liêu, từ ngày 15 - 20/12/2024 trên biển Đông sẽ xuất hiện kỳ triều cường mới (kỳ triều cường giữa tháng 11 âm lịch). Dự báo, đỉnh triều khả năng vượt báo động 3, dự báo sẽ ngập nhiều nơi.

Cảnh sát Giao thông dầm mưa điều tiết phương tiện lưu thông do nước ngập kéo dài hàng km trên Quốc lộ 1 A, đoạn qua thị xã Giá Rai (Hoàng Nam).

Theo đó, đỉnh triều cao nhất tại trạm Thủy văn Gành Hào có khả năng vượt báo động III (2,20m) từ 25 - 30cm, xuất hiện vào ngày 16 - 17/12/2024, biên độ triều dao động trong khoảng 3,5 - 4,3m. Đây là kỳ triều có cường độ rất mạnh, biên độ triều lớn. Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, gió mùa Đông Bắc hoạt động với cường độ khá mạnh, mưa lớn vẫn có khả năng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Các hiện tượng thời tiết này khi kết hợp sẽ làm gia tăng nguy cơ ngập diện rộng tại các khu vực, tuyến đường trũng thấp, ven sông, nhất là nội ô thành phố Bạc Liêu và khu vực phía nam quốc lộ 1.

Theo ông Huỳnh Minh Nhân, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bạc Liêu, đây là kỳ triều có cường độ rất mạnh; biên độ triều lớn nên khả năng gây ngập lụt ở những vùng trũng, thấp; sạt lở vùng ngoài đê bao, ven sông, ven biển,… Đồng thời, trong khoảng thời gian này, trên vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biển Bạc Liêu) gió mùa Đông Bắc hoạt động với cường độ khá mạnh có thể làm gia tăng những tác động xấu nói trên.

Để chủ động phòng, chống triều cường dâng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị các sở, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, triều cường trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, có thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh; cảnh báo và di dời dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hệ thống cống, gia cố bờ bao hạ lưu các cống dọc theo quốc lộ 1, triển khai vận hành các cống, như: Nhà Mát, Chùa Phật, Cái Cùng, Huyện Kệ, Mương 2, Sáu Sơn, Kênh Số 9 để ngăn triều cường, chống ngập cho vùng nam quốc lộ 1. Đồng thời, đảm bảo ngăn mặn an toàn cho tiểu vùng ngọt ổn định, phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố vận hành hệ thống cống (do cấp huyện quản lý) để chống triều cường tràn, phối hợp vận động nhân dân gia cố bờ bao ao, đầm... để bảo vệ sản xuất.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bac-lieu-trieu-cuong-mua-lon-gay-ngap-ung-nhieu-noi.html