Bắc Giang: Nhân rộng những cánh đồng xanh
Dự án 'Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam' (gọi tắt là dự án SRI) được Hội Nông dân (HND) Việt Nam triển khai tại tỉnh Bắc Giang từ năm 2020. Sau 3 năm thực hiện, nông dân nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp canh tác lúa khoa học giúp giảm chi phí, nâng năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Nhiều lợi ích
Trước đây, nông dân nhiều địa phương thường giữ nước liên tục trong ruộng lúa khiến bộ rễ phát triển kém, cây dễ bị đổ, giảm năng suất; bón phân chưa đúng liều lượng, thời kỳ. Rơm rạ sau thu hoạch thường được đốt tại ruộng làm phát sinh khói bụi, gây ô nhiễm môi trường và nhiều tác hại khác. Khi tham gia dự án SRI, nông dân được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện các kỹ thuật canh tác mới.
Bà Nguyễn Thị Hậu, thôn Giữa, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) là một trong những chủ hộ tham gia dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường từ những ngày đầu. Bà Hậu nói: “Được tuyên truyền, tham gia các buổi tập huấn, chúng tôi hiểu khi canh tác lúa thân thiện với môi trường sẽ đem lại nhiều lợi ích. Vì thế, chúng tôi tin tưởng vào dự án, tự giác thực hiện nghiêm theo quy trình. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện khá tốt ba kỹ thuật mới đó là tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng phân bón hợp lý thông qua bảng so màu lá lúa và sử dụng rơm rạ đúng cách”.
Mấy vụ lúa vừa qua, bà Hậu đều sử dụng ống đo mực nước để làm căn cứ điều chỉnh lượng nước trong ruộng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây. Nhờ vậy, cây lúa phát triển tốt, bộ rễ khỏe, bám chặt, hạn chế sâu bệnh hại, đồng nghĩa với việc hạn chế thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường.
Bà Hậu sử dụng bảng so màu lá lúa nhằm đánh giá chính xác nhu cầu phân bón (đạm) của cây, từ đó bón phân đúng liều lượng, thời kỳ. Sau khi thu hoạch, bà Hậu sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ ngay tại ruộng, tạo thành nguồn phân bón hữu cơ chất lượng. Nhờ thay đổi thói quen canh tác, vụ xuân năm 2023, bà Hậu thu được 280-300 kg thóc/sào.
Năm 2023, xã Tự Lạn (Việt Yên) được HND tỉnh, huyện lựa chọn thực hiện dự án SRI. 240 hộ ở thôn Nguộn và thôn Râm tham gia với tổng diện tích hơn 54 ha lúa vụ xuân; cấy giống lúa J02, giống đối chứng là Khang dân 18. Áp dụng kỹ thuật mới, lúa cho năng suất bình quân 280 kg thóc/sào, cao hơn giống lúa đối chứng 40 kg. Sau khi thu hoạch, nông dân cam kết với xã không đốt rơm rạ, thay vào đó sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý thành phân bón hoặc che đậy cho các loại cây trồng khác như hành, tỏi, khoai tây.
Bà Nguyễn Thị Bền, thôn Nguộn, xã Tự Lạn nói: "Áp dụng phương pháp cấy mạ non, cấy thưa, ít rảnh nên chúng tôi giảm được lượng thóc giống; tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu vì cây lúa được chăm sóc khoa học, có bộ rễ chắc khỏe, ít sâu bệnh. Áp dụng biện pháp chăm sóc này góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính mình".
Nhân rộng mô hình
Dự án SRI được HND Việt Nam triển khai tại tỉnh Bắc Giang từ năm 2020. Giai đoạn 1, dự án triển khai ở 4 xã: Tư Mại, Tiến Dũng (Yên Dũng); Nghĩa Hưng, Đào Mỹ (Lạng Giang). Giai đoạn 2 mở rộng thêm các xã: Lương Phong, Xuân Cẩm (Hiệp Hòa); Tân Hiệp (Yên Thế). Hiện HND tỉnh đang tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 3 (2023-2025) và là địa phương duy nhất trong cả nước tham gia giai đoạn này.
Theo kế hoạch, 18 xã ở 8 huyện tham gia giai đoạn 3, gồm: Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); Hương Mai, Tự Lạn (Việt Yên); An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng) và hai xã Bảo Sơn, Bảo Đài (Lục Nam). Các hộ dân được hỗ trợ 100% kinh phí mua phân bón, chế phẩm sinh học và hướng dẫn kỹ thuật.
Mỗi xã thực hiện hai mô hình, mỗi mô hình có quy mô ít nhất 2 sào, duy trì trong 3 vụ. Để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác của nông dân, nhiều địa phương đã có cách làm hay, hiệu quả. Nổi bật như ở xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang), vụ mùa năm nay, HND xã chọn hộ ông Nguyễn Văn Thùy ở thôn Sâu và hộ bà Đồng Thị Sáu, thôn Vàng thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường làm điểm. Tổng diện tích 4 sào, cấy giống lúa Khang dân 18.
Bắc Giang là địa phương duy nhất được HND Việt Nam lựa chọn tham gia dự án SRI giai đoạn 3 (2023-2025) ở 18 xã của 8 huyện. HND tỉnh phấn đấu kết thúc giai đoạn 3, toàn tỉnh có khoảng 200 nghìn/250 nghìn hội viên nông dân áp dụng được các kỹ thuật của dự án.
Nhận thấy cấy lúa theo phương pháp thân thiện với môi trường đem lại nhiều lợi ích, vụ mùa năm 2023, hàng trăm hộ ở 5/5 thôn thuộc xã Tự Lạn đã tự nguyện đăng ký thực hiện mô hình với tổng diện tích hơn 150 ha (vụ xuân năm 2023 có hai thôn tham gia là Nguộn và Râm). HND các cấp quan tâm tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên.
Khi bắt tay thực hiện, đến giai đoạn nào, cán bộ HND xã đều chủ động tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, thường xuyên kiểm tra, bám đồng, hướng dẫn bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”. UBND xã Tự Lạn cũng hỗ trợ một phần kinh phí giúp nông dân mua chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa ngay tại ruộng, tạo thành nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho biết, tham gia dự án SRI là cơ hội tốt giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học vào canh tác lúa. HND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm canh tác lúa thân thiện môi trường cho cán bộ, nông dân các xã tham gia dự án giai đoạn 3.
Vừa qua, HND tỉnh đã hướng dẫn các xã thành lập tổ, nhóm nông dân làm nòng cốt trong tuyên truyền, thực hiện canh tác lúa thân thiện với môi trường. Bắc Giang phấn đấu kết thúc giai đoạn 3, toàn tỉnh có khoảng 200 nghìn/250 nghìn hội viên nông dân áp dụng được các kỹ thuật của dự án.
Bài, ảnh: Mạc Yến