Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Trong kế hoạch thực hiện dự án 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch' (Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 18/10/2022 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Trong kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định địa bàn trọng điểm tại các địa phương: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ… Đây là nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống: Chơ ro, Hoa, Nùng, Khmer, Mường, Tày, Thái, Chăm, H'Mong… Đặc biệt là đồng bào dân tộc Chơ Ro hiện có hơn 8.000 người, với những phong tục, lễ hội riêng, mang đậm bản sắc dân tộc. Với tiềm năng thế mạnh của vùng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ các mô hình du lịch: Du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm.
Đất Đỏ là một huyện ven biển được tái lập vào cuối năm 2003 trên cơ sở chia tách từ huyện Long Đất.Huyện Đất Đỏ đã và đang xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương nhằm tăng cường thu hút khách du lịch đến huyện tham quan, kéo dài thời gian lưu trú tại huyện.
Huyện có các trục giao thông chính là quốc lộ 55, tỉnh lộ 52 và đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận, có vị trí thuận lợi trong giao thông kinh tế, kết nối du lịch với huyện và các tỉnh trong vùng. Dân số 74.197 người, chủ yếu là người dân địa phương sinh sống từ lâu đời có truyền thống hiếu khách, thân thiện. Bờ biển dài khoảng 17,5 km, từ mũi Kỳ Vân đến cửa biển Lộc An được quy hoạch là khu du lịch quốc gia Long Hải – Phước Hải nên vùng biển Đất Đỏ hết sức thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Thị trấn Phước Hải là địa điểm du lịch phong phú, có bãi tắm được đánh giá là một trong những bãi tắm đẹp của tỉnh, kết hợp với nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, các resort, khách sạn được công nhận từ 3 đến 5 sao là thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng biển, hàng năm thu hút khách du lịch đến tham quan, vui chơi, tắm biển, nghỉ dưỡng.
Các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đặc thù của Đất Đỏ là kết nối giới thiệu du khách tham quan về nghề ẩm thực truyền thống (hộ gia đình) bún nóng, kết hợp cùng lĩnh vực du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh như Công viên tượng đài - Di tích Nhà lưu niệm AHLLVTND Võ Thị Sáu, Di tích Hầm bí mật Nguyễn Thị Đẹp, Di tích Đình - Chùa Thạnh Mỹ… Tham quan, mua sắm nông sản sạch, hải sản, đặc sản địa phương tại chợ Đất Đỏ. Thị trấn Phước Hải có mô hình phối hợp liên kết tour với các địa phương lân cận để phát triển mô hình du lịch cộng đồng; tập trung bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống như văn hóa làng chài, văn hóa tâm linh (khu di tích lịch sử Minh Đạm, Chùa Hòn Một, Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên), tín ngưỡng (thờ Cá Ông) để thu hút khách du lịch. Xã Long Tân kết nối các đơn vị lữ hành tổ chức tour du lịch, trải nghiệm, tham quan mô hình các vườn cây ăn trái như nhãn, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng tại khu vực Bưng; tăng cường sự tương tác trải nghiệm giữa khách và người dân địa phương thông qua những hoạt động gắn liền với sinh hoạt, sản xuất của người dân; tham quan Nhà văn hóa đồng bào dân tộc Chơ Ro. Xã Phước Long Thọ phát triển du lịch cộng đồng gắn với mô hình làng hoa, vận động các hộ sản xuất phát triển thành làng hoa để phục vụ khách du lịch đến tham quan quanh năm, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán...
Huyện Châu Đức là nơi sinh sống của hơn 2.220 hộ với gần 9.500 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc 13 dân tộc, như: Châu ro, Hoa, Nùng, Khmer, Mường, Tày, Thái, Chăm, H'Mong... tập trung nhiều đồng bào dân tộc Chơ Ro sinh sống nhất với hơn 900 hộ gia đình gồm 4.454 nhân khẩu, chiếm 2,99% tổng số dân toàn huyện. Huyện đang hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái khai thác thế mạnh nông nghiệp, nông thôn., trong đó tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc thưởng thức, trải nghiệm các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời thưởng thức giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Châu Ro.
Đây là vùng chuyên canh nông nghiệp với những đặc sản đã trở thành thương hiệu như: cà phê, ca cao, hồ tiêu và các loại rau quả. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Châu Đức còn mang lại lợi thế về du lịch cho địa phương. Điển hình như khu du lịch Buôn Gơ Rin ở xã Láng Lớn, huyện Châu Đức. Dù mới được hình thành và chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 10/2022, khu du lịch Buôn Gơ Rin là điểm đến được nhiều du khách yêu thích, nhất là với những du khách muốn nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian tĩnh lặng. Đến với khu du lịch sinh thái Buôn Gơ Rin, du khách sẽ bất ngờ không chỉ bởi khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình mà còn được khám phá, trải nghiệm những nét độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên.
Xuyên Mộc là một huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khoảng 642,18km², phía Đông giáp huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; phía Tây giáp huyện Châu Đức và Đất Đỏ; phía Nam giáp biển Đông, phía Bắc giáp huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Xuyên Mộc là một trong những địa phương có thiên nhiên và khí hậu ưu đãi, cùng với hàng chục kilomet bờ biển là hệ thống hồ, sông, suối cùng với những cánh đồng… Đây là điều kiện lý tưởng để địa phương đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Trong chiến lược phát triển, huyện Xuyên Mộc tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với các khu vực phát triển các loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái dưới tán rừng, du lịch gắn với vườn cây ăn trái, chăn nuôi…
Huyện Xuyên Mộc nổi tiếng với khu du lịch The Ruộng tại xã Phước Thuận. The Ruộng kề cận với khu du lịch biển sầm uất Hồ Tràm nhưng lại yên tĩnh, khép mình ở cuối con đường làng, nối với khu đồng ruộng gặt hái lâu đời của người dân địa phương. Trong không gian đậm chất miền quê, The Ruộng là địa điểm hấp dẫn thu hút du khách đến trải nghiệm.
Trong định hướng của huyện Xuyên Mộc, ngoài phát triển loại hình du lịch cao cấp dọc theo tuyến ven biển, huyện sẽ rà soát quy hoạch những vùng có tiềm năng về du lịch cộng đồng. Từ đó, địa phương sẽ bố trí không gian, địa điểm phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng tại các xã Bình Châu, Hòa Bình, Phước Thuận.
Có thể nói, mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của con người, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương, tăng cường thu hút khách, kéo dài thời gian khách lưu trú. Trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển, bên cạnh các loại hình chính là du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, tỉnh xác định có các loại hình hỗ trợ thêm, đó là du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, hoạt động giải trí và du lịch cộng đồng. Trên cơ sở xác định các sản phẩm cốt lõi, sản phẩm du lịch hỗ trợ, dựa trên thế mạnh của từng địa phương để xây dựng chiến lược phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách bền vững.