Ba ngày với những người làm 'đầu tư tạo tác động'
'Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm' - tựa tập sách nổi tiếng của nhà sáng lập tập đoàn Daewoo tự dưng hiện lên trong đầu khi đứng giữa hàng trăm nhà đầu tư tên tuổi thế giới và bàn chuyện 'làm sao tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn'? ADB, Temasek, CapitaLand, Google… tiền có vẻ đông. Và chuyện có vẻ đang nóng...
Hội nghị do AVPN - mạng lưới các nhà đầu tư tác động xã hội lớn nhất châu Á, tổ chức tháng qua với chủ đề “Tiếng nói từ Đông Nam Á: chuyển đổi vùng và hòa nhập” tại Singapore quy tụ hơn 300 lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp và quỹ đầu tư trên thế giới. Họ đã trò chuyện, thảo luận và công bố nhiều dự án mới từ trí tuệ nhân tạo, xây dựng cộng đồng vững mạnh đến chuyển đổi công nghệ mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cả văn hóa truyền thống.
Khi trẻ không được đi học là… “mỏ vàng”
Rất ngạc nhiên khi trình bày đề dẫn là một câu chuyện tưởng đã cũ mà hóa ra mới tinh: Đông Nam Á đang có 11,6 triệu trẻ em không được đi học. TS. Kraiyos Patrawart, thành viên Hội đồng Giáo dục Thái Lan và Giám đốc Quỹ đầu tư giáo dục Equitable Fund tin rằng trong một thế giới đang thay đổi không ngừng và có xu hướng già đi, đặc biệt là Đông Nam Á, thì việc để 11,6 triệu trẻ em “ở ngoài trường học” (Out-of-School Children) là một sự lãng phí tài nguyên xã hội nghiêm trọng.
Qua các nghiên cứu, ông dễ dàng chứng minh rằng nguồn “mỏ vàng” này là tiềm năng kinh tế lớn lao!
“Chúng ta không làm từ thiện. Chúng ta đang đầu tư khai thác tài nguyên có tiềm năng sinh lợi to lớn” - ông nhấn mạnh khi giới thiệu các mô hình học tập cộng đồng, học nghề ngắn hạn, học online… và nhiều hình thức linh hoạt để “đào vàng” hiệu quả như cách Thái Lan sử dụng mô hình đầu tư hỗn hợp: nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà hoạt động xã hội, nhà giáo dục cùng xây dựng, triển khai dự án.
“Vậy mà vẫn còn 11,6 triệu trẻ em ở ngoài trường học. Các bạn có cùng tôi khai thác nguồn vốn xã hội chưa được coi trọng này không?” - ông kết thúc phần trình bày.
Mọi người vỗ tay không ngớt. Tôi chợt nhớ tới chị Bùi Thị Ngân, Giám đốc Cơ sở bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Thảo Đàn suốt 30 năm nay đi gom con nít đường phố về cho ăn, cho mặc, cho học. Tôi nhắn chị: “Đổi mô hình chị ơi, mốt giờ là Out-of-School Children và đầu tư tạo tác động, không phải làm thiện nguyện đơn thuần nữa”.

Hơn 300 lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp và quỹ đầu tư trên toàn thế giới cùng trao đổi chủ đề “Tiếng nói từ Đông Nam Á: chuyển đổi vùng và hòa nhập” trong hội nghị tại Singapore, tháng 2.2025. Ảnh: BCT
Đến phép tính “trở thành” của nhà siêu giàu
Siew Kim Beh làm việc ở CapitaLand, tập đoàn đầu tư bất động sản thuộc loại lớn nhất Singapore và đã vươn ra khu vực, đến nay đã 18 năm. Bà lo hai nhiệm vụ của tập đoàn: tổng giám đốc tài chính và giám đốc phát triển bền vững. Hai vai trò này có vẻ đối nghịch nhau, nhưng theo bà nó thực sự bổ sung cho nhau.
“Dưới góc nhìn chiến lược về tài chính thì đầu tư tác động xã hội là một trong những kênh đầu tư mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững nhất. Một ví dụ nhỏ thôi là tôi bảo vệ trước hội đồng quản trị về việc tất cả nhân sự của CapitaLand đều có một ngày trong tháng được nhận lương đầy đủ để đi làm tình nguyện viên ở bất kỳ tổ chức thiện nguyện, xã hội, môi trường hoặc nhà mở nào.
Lý do: thế giới này cần sự gắn kết ngày càng nhiều hơn giữa con người với nhau, và tiến trình trở thành một phiên bản tốt hơn thông qua các hoạt động tình nguyện được chứng minh là làm tăng năng suất, tăng mức độ gắn kết của người lao động và gia tăng mức độ yêu quý của cộng đồng dành cho thương hiệu tập đoàn. Ai cũng vui, việc tốt hơn, và đó là khoản đầu tư hiệu quả của chúng tôi”, bà Beh đồng thời cũng giữ vai trò thủ lĩnh của CapitaLand Ascott Trust (CLAS), quỹ tín thác lưu trú lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore với giá trị tài sản là 8,8 tỷ đô la Singapore, khẳng định.
Và ngay lập tức, Siew Kim Beh giới thiệu một dự án hoàn toàn mới của CapitaLand để hỗ trợ xây dựng cộng đồng bền vững thông qua việc hỗ trợ giáo dục, y tế và văn hóa. Bà cười vui khi biết tôi đến từ Việt Nam: “Làm ơn đăng ký tham gia, chúng tôi rất cần những người hoạt động xã hội am tường văn hóa bản địa để cùng chúng tôi chăm sóc cộng đồng tốt hơn”.
Dùng AI cho cuộc sống tốt đẹp
Trí tuệ nhân tạo (AI) là thuật ngữ được nhắc đến nhiều nhất trong hầu hết các phiên thảo luận. Từ “Làm thế nào để ứng dụng AI trong các thực hành tác động xã hội” cho đến “xây dựng cơ hội việc làm cho những người lao động bị bỏ quên bởi các tiến bộ công nghệ”. Rachel Teo, giám đốc cấp cao của Google.org chia sẻ về chương trình hỗ trợ ứng dụng AI cho hơn 72.000 người lao động tại Việt Nam: “Chúng ta muốn phát triển, doanh nghiệp muốn vững mạnh, thì một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất là đầu tư cho cộng đồng những người yếu thế. AI Opportunity Fund - dự án cơ hội AI cho người lao động là một khoản đầu tư tạo tác động như vậy”.

Tác giả và bà Siew Kim Beh, lãnh đạo CapitaLand Ascott Trust - quỹ tín thác lưu trú lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: TLNV
Cũng theo Rachel Teo, mỗi lần có một cuộc cách mạng công nghiệp, một số lượng công việc bị lấy mất bởi công nghệ, máy móc. Và làn sóng AI còn lấy đi công việc của những lao động cấp cao chứ không chỉ lao động nhà máy. Điều này có thể tạo ra sự mất cân đối trong thị trường lao động, cũng chính là thị trường tiêu thụ chung. Làm thế nào cho mọi người đều có cơ hội bằng nhau khi tiếp cận với AI để cùng nhau làm việc hiệu quả hơn, đó là một câu hỏi quan trọng với những nhà đầu tư. Và với độ mở của công nghệ, mặt bằng chung người lao động hiểu biết đầy đủ chính là nền móng vững chắc cho mỗi doanh nghiệp phát triển. Họ không làm thiện nguyện, họ chỉ đầu tư cho tương lai.
Và việc tốt nho nhỏ mỗi ngày
Một trong những diễn giả “lạ” nhất của hội nghị là ông Boon Heong Ng, Tổng giám đốc Temasek Foundation. Temasek chính là doanh nghiệp lớn nhất Singapore và lan tỏa tác động của mình ra nhiều nước trên thế giới. Ông Boon nói về chủ đề hòa bình, liên kết khu vực với phần mở đầu rất vui: “Trước khi tham gia trở thành một nhà đầu tư tạo tác động và làm những việc phát triển cộng đồng, tôi là một kỹ sư phát triển vũ khí và chiến lược trong quân đội”. Nhiều người gật gù, đúng là làm công việc liên quan đến đầu tư quân sự suốt vài thập niên chính là cơ sở để ông hiểu rằng có một chiều kích khác của đầu tư là khai mở những điều tốt đẹp và nhân rộng nó lên.
Tôi đến chào, ông hào hứng bảo thư ký ghi lại thông tin. Thiệt ra tôi chỉ muốn hỏi riêng ông một câu: có phải chỉ nhà giàu như Temasek hay Google hay CapitaLand mới làm đầu tư tác động xã hội? Ông cười: “Chịu khó đọc trên LinkedIn của tôi bài chia sẻ của Hazel See - một cô gái trẻ mà tôi luôn ủng hộ, để có câu trả lời nhé”.
Hóa ra ngôi sao mới trong lĩnh vực đầu tư tác động của Singapore, Hazel See, nổi tiếng với châm ngôn: “Việc tạo ra tác động xã hội hoàn toàn nằm ở việc quan tâm hơn một chút đến những gì bạn đang có”. Cô kể về hành trình đi làm tình nguyện viên của mình, đến những thành tựu liên tục và những cơn trầm cảm không dứt dẫn đến sức khỏe suy kiệt và lo lắng về việc mình không đủ tốt để làm được nhiều việc tốt hơn. Cho đến khi cô hiểu ra rằng hợp tác cùng nhau, san sẻ một điều gì đó đơn giản nhất như kỹ năng, thời gian hoặc thậm chí dùng cái mũi của mình để diễn hài về việc phòng chống Covid-19 cũng có thể tạo ra những tác động xã hội to lớn.
“Cứ bắt đầu làm một điều tốt gì đó gần bên mình nhất thôi, và bạn sẽ bất ngờ về hiệu quả của khoản đầu tư này” - Hazel nhấn mạnh.