Bá Dương Nội giữ gìn di sản Lễ hội thả diều truyền thống

Năm nào cũng vậy, cứ vào độ tháng Ba âm lịch, thời tiết ấm áp, bầu trời cao xanh kèm theo những cơn gió Nam thổi nhẹ là thời điểm lý tưởng để người dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội mang diều ra cánh đồng thả chơi.

Năm nay, không khí làng quê Bá Dương Nội vui hơn bởi chính quyền địa phương đang tích cực chuẩn bị cho Lễ hội thả diều truyền thống và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: “Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng... vào ngày 12-4 (tức ngày 15-3 âm lịch).

Ngày hội của quê hương

Trẻ em làng Bá Dương Nội duy trì thú chơi thả diều. Ảnh: Văn Nguyễn

Trẻ em làng Bá Dương Nội duy trì thú chơi thả diều. Ảnh: Văn Nguyễn

Những ngày này, không khí chuẩn bị Hội thi thả diều truyền thống ở làng Bá Dương Nội chộn rộn khắp các ngả đường. Cờ, hoa, pano, áp phích… đang được trang hoàng trên trục đường làng dẫn tới miếu Diều, làm sáng bừng cả làng quê. Nhà anh Phạm Văn Hải, thành viên Câu lạc bộ diều truyền thống xã Hồng Hà đã tập trung rất đông các nghệ nhân, thợ giỏi trong làng đến trẻ tre, vót nan, dựng khung, dán giấy cho những con diều phục vụ ngày Hội.

Anh Nguyễn Văn Quyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều truyền thống xã Hồng Hà cho biết, câu lạc bộ có 39 thành viên. Để chuẩn bị cho hội làng, các thành viên làm hàng trăm con diều để trang trí “Con đường diều sáo - Hành trình kết nối" trên trục đường chính nối từ đê sông Hồng về miếu Diều; làm diều để diễu hành, quảng bá cho lễ hội và thả thi trong ngày hội... “Công việc bận rộn, nhưng mọi người đều rất vui và yêu thích, tham gia nhiệt tình”, anh Quyết vui vẻ nói.

Thành viên Câu lạc bộ diều truyền thống xã Hồng Hà làm diều chuẩn bị cho ngày hội. Ảnh: Văn Nguyễn

Thành viên Câu lạc bộ diều truyền thống xã Hồng Hà làm diều chuẩn bị cho ngày hội. Ảnh: Văn Nguyễn

Là vùng đất người dân có thú chơi diều truyền thống hàng ngàn năm tuổi, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm chia sẻ, người làng Bá Dương Nội thường làm 3 dáng diều chính, là: Diều cánh muỗm, diều cánh chanh và diều cánh mộc. Trong đó, diều cánh muỗm là loại cánh diều dài to, nhọn, hơi cong; diều cánh chanh có cánh bầu hình như lá chanh; diều cánh mộc là cánh rộng, đầu cánh tròn. Đặc biệt, nét độc đáo của người dân làng Bá Dương Nội, đó là chơi diều sáo. Mỗi con diều thường được gắn 3, 5, 7 sáo. Khi bay cao trên trời, tiếng sáo phát ra âm thanh du dương như một bản nhạc của đồng quê yên bình...

Những chiếc diều nhỏ xinh được ông Nguyễn Văn Tý vẽ tranh, là sản phẩm du lịch được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Văn Nguyễn

Những chiếc diều nhỏ xinh được ông Nguyễn Văn Tý vẽ tranh, là sản phẩm du lịch được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Văn Nguyễn

Ở làng Bá Dương Nội, chơi diều không đơn thuần là thú vui, mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đây là đia phương duy nhất trên cả nước có di tích miếu Diều và Lễ hội thả diều truyền thống diễn ra vào rằm tháng Ba âm lịch hằng năm, thu hút hàng trăm người dân trong làng và cả các câu lạc bộ diều ở các tỉnh, thành phố trong cả nước về dự. Dịp này, sau những nghi thức tế lễ theo phong tục địa phương, hàng chục cánh diều đủ điều kiện: Chiều dài tối thiểu 2,2m, rộng tối thiểu 0,6m, có đủ 3 sáo (đường kính sáo phải từ 2,5cm trở lên), cánh diều không được dán bằng giấy bóng trắng… sẽ được thả trên cánh đồng làng. Những con diều có sáo hay nhất, lên cao nhất và đứng im nhất... sẽ là con diều chiến thắng.

Lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội mang nhiều ý nghĩa. Người dân trong làng, dù đi xa hay ở quê hương đều mong chờ ngày hội này để trở về đoàn tụ, cùng nhau ôn lại những câu chuyện xưa cũ và tiếp tục gìn giữ truyền thống của cha ông.

Hành trình gìn giữ di sản

Người dân làng Bá Dương Nội thả diều thi trong ngày hội làng. Ảnh: Văn Nguyễn

Người dân làng Bá Dương Nội thả diều thi trong ngày hội làng. Ảnh: Văn Nguyễn

Mặc dù nhiều thú chơi dân gian trên cả nước đang bị mai một dần, nhưng ở Bá Dương Nội, diều sáo vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong đời sống người dân. Ở làng Bá Dương Nội, gần như ai cũng biết làm diều. Trẻ em thì làm những chiếc diều nhỏ xinh, còn người lớn làm những chiếc diều sải cánh hơn 2m.

Người dân làng Bá Dương Nội chơi diều quanh năm. Chỉ cần thời tiết đẹp, có gió nhẹ, rảnh việc là người dân mang diều ra đồng thả, song vui nhất vẫn là được thả diều vào những chiều hè. Những “tay chơi” lão luyện thường chọn bầu trời đêm, bởi khi đó, tiếng sáo diều mê hoặc hơn.

Theo thống kê của UBND xã Hồng Hà, ở làng Bá Dương Nội có 130 hộ có người làm diều. Nhiều gia đình có truyền thống làm diều lâu đời, như Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Mai và Nguyễn Gia Độ… Các nghệ nhân dù tuổi cao, song vẫn miệt mài truyền nghề cho con cháu, từ công đoạn chẻ nan, dán giấy đến tạo dáng diều đều được thực hiện với sự cẩn trọng và đam mê. Năm 2024, UBND thành phố Hà Nội đã Quyết định công nhận nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội là nghề truyền thống.

Miếu Diều làng Bá Dương Nội vừa được được trùng tu, tôn tạo khang trang, là nơi diễn ra lễ hội thả diều hằng năm. Ảnh: Văn Nguyễn

Miếu Diều làng Bá Dương Nội vừa được được trùng tu, tôn tạo khang trang, là nơi diễn ra lễ hội thả diều hằng năm. Ảnh: Văn Nguyễn

Không chỉ làm diều để thỏa mãn thú chơi, những nghệ nhân, thợ giỏi ở làng diều Bá Dương Nội còn mang diều đi khắp nơi, tham gia các lễ hội diều trong và ngoài nước, các hội chợ để giới thiệu nét đẹp truyền thống của quê hương đến bạn bè trong nước và quốc tế. Câu lạc bộ diều truyền thống xã Hồng Hà cũng thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình làm diều và thả diều ngay tại cánh đồng làng. Hoạt động này không chỉ giúp lưu giữ nghề truyền thống, mà còn mở ra hướng phát triển mới, đưa Bá Dương Nội trở thành điểm đến hấp dẫn khách tham quan. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Tý, một người "khéo tay" trong làng đã dành nhiều tâm huyết vẽ hàng trăm bức họa trên cánh diều để sản phẩm trở thành một tác phẩm mỹ thuật độc đáo, niềm tự hào của người dân nơi đây.

Tình yêu diều sáo cùng những nỗ lực, cố gắng của người dân làng Bá Dương Nội và sự quan tâm của chính quyền địa phương sẽ giúp di sản được gìn giữ, phát huy, trở thành động lực để địa phương phát triển.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà: Cùng với Hội thi thả diều truyền thống và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, dịp này địa phương còn tổ chức một số hoạt động, như: Trang trí con đường diều sáo “Hành trình kết nối”; triển lãm diều sáo, ảnh, thơ ca, tác phẩm nghệ thuật có nội dung về diều sáo; trưng bày, giới thiệu các cây cảnh nghệ thuật và tổng kết tu bổ, tôn tạo miếu Diều cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…, tạo không khí vui tươi cho nhân dân và bày tỏ sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với di sản cha ông để lại.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ba-duong-noi-giu-gin-di-san-le-hoi-tha-dieu-truyen-thong-697539.html