Ba biểu đồ cho thấy kinh tế Nga vẫn chống chọi tốt giữa 'bão' trừng phạt

Khi Nga mở 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine vào cuối tháng 2, nhiều nhà phân tích Phố Wall dự báo nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, 6 tháng sau, họ đã phải điều chỉnh dự báo đó của mình...

GDP quý 2 của Nga chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: Getty Images

GDP quý 2 của Nga chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: Getty Images

Theo Business Insider, những cảnh báo về sự sụp đổ đó có vẻ sẽ trở thành hiện thực trong những tuần ngay sau khi chiến tranh nổ ra. Các nước phương Tây đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, như cấm nhập khẩu dầu, loại đồng Rúp Nga ra khỏi thị trường tiền tệ quốc tế… Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn chứng tỏ sức chống chịu dẻo dai - điều được thể hiện trong ba biểu đồ dưới đây.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ KHÔNG SỤT MẠNH NHƯ DỰ BÁO

Hồi tháng 3, ngân hàng JPMorgan dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nga sẽ giảm 35% trong quý 2 so với quý đầu năm. Còn Goldman Sachs dự báo kinh tế Nga sẽ trải qua quý sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990.

Tuy nhiên, GDP quý 2 của Nga chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế của nước này đã suy giảm mạnh hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát với GDP quý 2/2020 giảm tới 7,4%.

Theo đó, JP Morgan đã thay đổi nhận định, nói rằng kinh tế Nga vẫn đứng vững bất chấp tác động của các biện pháp trừng phạt khắc nhiệt.

“Các dữ liệu hiện có không cho thấy sự sụt giảm đột ngột trong hoạt động kinh tế - ít nhất là ở thời điểm hiện tại", các chiến lược gia của JP Morgan cho biết trong một báo cáo gần đây. “Do đó, dữ liệu GDP ngày càng có vẻ phù hợp với một cuộc suy thoái kéo dài nhưng không quá mạnh”.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tốt hơn dự báo của Nga, bao gồm dầu mỏ, cũng đã hỗ trợ tốt cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, nước này cũng được hưởng lợi từ nhu cầu trong nước và một chương trình của điện Kremlin đã giúp tỷ lệ thất nghiệp ở Nga ở mức thấp – theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

“Nhu cầu trong nước của Nga đang cho thấy sự chống chịu tốt nhờ vào việc ngăn chặn ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với khu vực tài chính trong nước và thị trường lao động suy yếu nhẹ hơn dự báo”, IMF đánh giá trong một báo cáo tháng 7.

XUẤT KHẨU DẦU VẪN ỔN ĐỊNH NHỜ KHÁCH HÀNG CHÂU Á

Các nhà phân tích của Phố Wall cũng tự dự báo các biện pháp hạn chế nhập khẩu dầu Nga của phương Tây có thể tác động nghiêm trong tới kinh tế Nga - nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nền kinh tế Nga phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu năng lượng với doanh thu từ dầu khí chiếm tới 45% ngân sách liên bang năm ngoái.

Vào tháng 3, Mỹ ban hành cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Hai tháng sau đó, EU thống nhất một lệnh cấm nhập khẩu theo giai đoạn, hướng tới cấm nhập dầu Nga qua đường biển từ tháng 12 tới.

Goldman Sachs hồi tháng 3 nhận định Nga ít có khả năng tìm được khách hàng mua dầu thô khác, trong bối cảnh nước này bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT, khiến Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) không thể sử dụng dự trữ ngoại khối.

“Không có báo cáo nào cho thấy Trung Quốc tăng nhập khẩu đàu thô tới thời điểm này”, các nhà phân tích của Goldman Sachs khi đó cho biết.

Tuy nhiên, theo dữ liệu tháng 7 của Bloomberg, Nga vẫn xuất khẩu khoảng 7,4 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Ngoài khách hàng lớn là Trung Quốc, dầu giá rẻ của Nga cũng chảy mạnh hơn sang Ấn Độ. Nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ đã tăng 5 tháng liên tiếp trước khi giảm nhẹ trong tháng 6. Hiện quốc gia châu Á này vẫn nhập khoảng 1 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày – tăng 900% so với hồi tháng 2.

Trong khi đó, châu Âu cũng chưa thể “cai” dầu Nga. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy Liên minh châu Âu (EU) vẫn nhập khoảng 2,8 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, dù con số này đã giảm khoảng 30% so với mức 4 triệu thùng/ngày hồi tháng 2.

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT VÀ DỊCH VỤ PHỤC HỒI

Phố Wall cũng từng dự báo ngành sản xuất và dịch của Nga đối mặt tương lai đen tối do tác động của các biện pháp trừng phạt.

Do tác động của cuộc chiến tranh ở Ukraine, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp của Nga - theo dõi xu hướng trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã giảm từ mức 50,8 điểm của tháng 2 xuống còn 37,7 điểm vào tháng 3.

“Sự suy giảm diễn ra trên diện rộng với sự sụt giảm mạnh về sản lượng, các đơn đặt hàng mới và đặc biệt là thành phần của các đơn đặt hàng xuất khẩu mới”, các chiến lược gia của Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo hồi tháng 3, đồng thời cảnh báo Moscow nên chuẩn bị cho sự sụt giảm mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, vài tháng sau đó, chỉ số PMI tổng hợp của Nga đã phục hồi và thậm chí tăng lên. Trong tháng 4, chỉ số này tăng lên 44,4 điểm, vượt 50 điểm trong tháng 6 và đạt 52,2 điểm trong tháng 7. Điều này đồng nghĩa sức khỏe kinh tế của Nga đang khởi sắc – ngược lại với những dự báo về sự sụp đổ của giới phân tích Phố Wall.

Hoài Thu -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ba-bieu-do-cho-thay-kinh-te-nga-van-chong-choi-tot-giua-bao-trung-phat.htm