Ayun - Dòng sông chở huyền thoại

Mỗi dòng sông trên trái đất đều góp phần làm nên nền văn hóa trên lưu vực của nó và sông Ayun cũng vậy.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Ayun - Dòng sông chở huyền thoại của tác giả Phạm Đức Long.

Sông Ayun bắt nguồn từ rừng núi nguyên sinh thuộc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai), chảy qua lòng thung Ayun Thượng, về hạ nguồn gọi là Ayun Hạ, nhập vào dòng Sông Ba đưa nước về tưới cho cánh đồng Tuy Hòa (Phú Yên) làm nên vựa lúa lớn nhất vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Theo Danh mục lưu vực sông liên tỉnh Việt Nam, sông Ayun có chiều dài 192 km và diện tích lưu vực là 2.855 km². Ảnh: Quốc Lê/ Báo Tri thức và Cuộc sống

Theo Danh mục lưu vực sông liên tỉnh Việt Nam, sông Ayun có chiều dài 192 km và diện tích lưu vực là 2.855 km². Ảnh: Quốc Lê/ Báo Tri thức và Cuộc sống

Mỗi dòng sông trên trái đất đều góp phần làm nên một nền văn hóa trên lưu vực của nó. Dòng sông Ayun nối liền hai khu vực sắc tộc Bắc Tây Nguyên là người Bahnar phía thượng nguồn và người Jrai phía hạ nguồn. Hạ nguồn sông Ayun là thung lũng Ayun Hạ, tạo nên một miền văn hóa Jrai khá rực rỡ, với rất nhiều sử thi, huyền thoại cổ tích của núi rừng. Ở đó có 14 đời “Hỏa Xá”, tạm dịch là “Vua Lửa” rất lạ lùng.

Vua Lửa tục gọi là Pơtao Puih, có quyền năng như pháp sư, cúng cầu mưa cho dân làng và cả vùng, làm nghi lễ lễ bái của dân làng, của vòng đời con người, như một thứ tín ngưỡng “thần quyền”... Vua Lửa không có thành quách, không ngai vàng, không hoàng bào, không vương miện, không có đặc quyền đặc lợi. Vua vẫn sống ở làng (Plei) Ơi, thường ngày lên rừng làm nương rẫy như mọi người dân. Vua cũng đóng khố cởi trần như thường dân, khi hành lễ thì mặc áo ló.

Lâu lâu có việc như các làng bị hạn hán, bệnh tật tai ương thì Vua Lửa “vi hành” bằng bộ hành chậm rãi (thời thịnh Vua Lửa về làng bằng voi). Người ta bảo, Vua Lửa chạy sẽ sinh ra gió bão.

Về làng, Vua Lửa đi đến nhà các già làng để hành lễ mà không ghé bất cứ nhà dân nào. Có vị vua Lửa còn thích cưỡi trâu, thích đằm ao tắm trâu. Đó là ông vua có nhiều trâu nhất. Hiện vẫn còn cái ao gọi là Ao Ơi Y, nơi vua Lửa tắm trâu hàng ngày!

Có vị còn từ chối không chịu làm vua khi được dân làng tin cẩn giao phó, vì thấy mình nghèo khó vất vả quá, mà làm “Vua Lửa” rồi phải sống ra bên ngoài làng thì buồn khổ quá - theo phong tục Vua Lửa không được sống trong làng, vì sợ cháy lây! Vị Vua Lửa cuối cùng là Siu Luynh đã qua đời năm 1999.

Mặc dù rất mộc mạc, nhưng họ có ảnh hưởng rất rộng trong các tộc người Jrai, Bahnar, Ê đê, Mơ Nông... Vua Lửa được biết đến trong hàng trăm năm và thường xuyên giao hảo với nhiều triều đại của người Khơ Me, người Lào, người Chăm, người Việt...

Làng người Jrai trên đồng Ayun Hạ. Ảnh: Phạm Đức Long

Làng người Jrai trên đồng Ayun Hạ. Ảnh: Phạm Đức Long

Trên Plei Ơi có một hòn núi rất đẹp đầy vẻ kỳ bí, đó là hòn Chư Tao Yang. Hòn núi mọc lên giữa vùng đồng bằng, kích cỡ không quá lớn, nhưng dáng vẻ thì rất huyền bí. Trên ngọn núi này, Vua Lửa cất thanh kiếm thần u u mê mê như cổ tích.

Đến nay thanh kiếm này vẫn còn, nhưng ngoài Vua Lửa và phụ tá, chẳng ai được phép nhìn thấy. Nghe nói thời Pháp thuộc, một sĩ quan tên là Odend’hal tìm cách để trực tiếp nhìn được kiếm thần cho thỏa trí tò mò, lập tức bị giết chết. Nó cứ như một huyền thoại tô thêm nét kỳ bí cho thanh kiếm thần vùng Ayun Hạ!

Trên Ayun Thượng, lại cũng có lắm chuyện khá ly kỳ.

Quãng giữa lưu vực sông Ayun, có vùng đất rất bằng phẳng, một bên phía tây giáp với con sông sâu nước xiết, bên phía Đông là dãy núi Mang Yang sừng sững, tạo nên thế đất hoàn toàn cô lập, gọi là “Vùng Đông Sông”. Bây giờ “Đông Sông” gồm 5 xã: Kon Chiêng, Kon Thụp, Đê Ar, Lơ Pang, Đăk Trôi.

Trước 1975, nơi đây có một căn cứ kháng chiến. Địch đã nhiều lần tấn công nhưng không vượt được sông sâu núi cao, chỉ đổ bộ quân bằng máy bay trực thăng càn quét mấy lần trong vài ngày rồi rút.

Vùng Đông Sông còn có một con người đàn ông khá lạ lùng, đó là Y Mik cán bộ kháng chiến làng Roh, xã Lơ Pang.

Có lần trong chiến tranh, một chiếc bánh xe GMC từ trên thượng nguồn Kon Ka King trôi về dạt vào bờ sông Ayun, lốp đã mọc rêu, vành đã rỉ sét, nhưng ruột vẫn căng cứng chắc nịch. Vớ được chiếc bánh xe ô tô, Y Mik đã nghĩ ngay đến việc xẻ ra làm dép lốp cho cả làng. Áng chừng cái lốp to lớn có thể làm được hàng chục đôi dép, ông lẳng lặng vần xoay, lăn cái bánh xe ấy lên bờ tựa vào một bụi le. Việc đầu tiên để xẻ thịt cái lốp là ông dùng chiếc dao găm sắc nhọn đục thủng để xì hơi. Bất ngờ, khi mũi dao vừa chọc thủng chiếc lốp, một tiếng nổ vang trời bùng lên, cát bụi bay mù mịt. Cả bụi le bị áp lực hơi đánh bạt. Y Mik bị văng xa một đoạn bất tỉnh. Khi được đưa về nhà, ông như từ cõi chết trở lại, phải nằm liệt 3 tháng sau mới hồi tỉnh.

Sau ngày hòa bình, vùng Đông Sông vì quá cách biệt, tài nguyên rừng nhiều, nhưng dân thì đói. Một thời gian, rộ lên phong trào đi rừng bóc vỏ bời lời đỏ cho dân buôn. Đi rừng một ngày thu nhập bằng lao động cả tháng. Thế nhưng, bời lời chặt mãi cũng hết, rừng ngày càng xa.

Đến lượt Y Mik vào rừng nhặt cây con giống bời lời về trồng trong vườn nhà. Đợt ấy ông lẳng lặng trồng đến 2 héc ta. Mấy năm sau cây bời lời lên như rừng. Thu nhập từ vườn bời lời đỏ của ông Y Mik quá lớn, ai cũng ngạc nhiên. Thế là Lơ Pang trồng bời lời. Rồi cả vùng 5 xã Đông Sông nghèo khó rần rật đua nhau trồng bời lời. Mặc dù lúc trước thấy ông trồng cây lạ ai cũng phản đối, bảo ông liều, có lúc còn bị dọa phạt.

Cũng từ đây, cây bời lời như một phát kiến của “nền kinh tế vườn”. Nó như một cây trồng thần diệu giúp xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Nó là cây của 327, cây của 135... Các Trung tâm nghiên cứu cây lâm nghiệp, rồi các vườn ươm bắt đầu xây dựng quy trình thu hái hạt, ươm bầu cây giống bời lời đỏ. Nhiều nhà vườn ở thành phố mọc lên thu bộn tiền bởi giống cây bời lời giai đoạn đang lên ngôi.

Một điều kỳ diệu nữa của lưu vực sông Ayun là nó đã tạo ra vựa lúa lớn cho vùng Bắc Tây Nguyên. Năm 1994, người ta đã ngăn dòng sông Ayun làm nên lòng hồ Ayun Hạ rộng 3.700 hecta. Hồ nước này đã tưới cho cánh đồng Ayun Hạ rộng 20 ngàn héc ta, trải khắp 3 đơn vị cấp huyện: Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, xấp xỉ cánh đồng Tuy Hòa. Trong đó có 13.000 hecta ruộng lúa nước 2 vụ, năng suất cao.

Cánh đồng Ayun Hạ bên dòng sông Ayun. Ảnh: Phạm Đức Long

Cánh đồng Ayun Hạ bên dòng sông Ayun. Ảnh: Phạm Đức Long

Công trình Ayun Hạ đã thúc đẩy hình thành một nền nông nghiệp lúa nước trong lòng bà con dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar, thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, phát đốt chọc tỉa ngàn đời, đưa đời sống đồng bào trong vùng trở nên ấm no, như một niềm mơ ước trong huyền thoại cổ tích Tây Nguyên.

Phạm Đức Long

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/song-ayun-dong-song-cho-huyen-thoai-2280522.html