Áp đảo đối thủ Nhật, xe điện Trung Quốc gây tiếng vang lớn tại thị trường Thái Lan
Nhờ có kiểu dáng bắt mắt, giá rẻ và tầm hoạt động lớn, xe điện Trung Quốc đã thắng thế so với các đối thủ từng thống trị lâu đời tại thị trường Thái Lan.
Sự “trỗi dậy” của xe điện Trung Quốc
Vốn là “lính mới” trong một thị trường do các thương hiệu Nhật Bản thống trị lâu đời như Thái Lan, Great Wall Motor (Trung Quốc) vào tháng trước đã cho ra mắt mẫu Hamao, hay còn gọi là Ora Good Cat. Chỉ chưa đầy 24 giờ kể từ khi ra mắt, hãng xe điện Trung Quốc đã nhận được hơn 4.200 đơn đặt hàng – một con số kỷ lục tại thị trường xe điện Thái Lan.
Dòng xe điện Ora Good Cat của Great Wall Motor. Ảnh: Shuttersock.
“Không xét về công nghệ, Ora Good Cat có vẻ ngoài rất bắt mắt và thu hút nhiều khách hàng trẻ tuổi”, Nithi Thuamprathorm, nhà báo kỳ cựu với hơn 20 năm đưa tin trong ngành công nghiệp ô tô Thái Lan, nhận xét.
“Thị trường xe điện tại Thái Lan đang dần thay đổi. Nam giới từng là đối tượng khách hàng tiêu thụ xe điện lớn nhất vì họ sẵn sàng dùng thử. Nhưng giờ đây, đã có nhiều khách hàng nữ tìm mua xe điện hơn. Ora Good Cat có lợi thế cả về tính năng lẫn thời trang, chưa kể giá cũng rất cạnh tranh”, Nithi nhận định.
Mẫu xe Ora Good Cat có giá từ 989.000 baht đến 1,1 triệu baht (tương đương 30.000 USD-35.000 USD) và phạm vi hoạt động từ 400 km đến 500 km cho mỗi lần sạc. Lô xe đầu tiền được nhập khẩu nguyên bản từ Trung Quốc, nhưng Great Wall Motor (GWM) đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ngay tại Thái Lan vào năm 2023.
Theo đó, nhà máy của GWM tại Thái Lan sẽ là cơ sở sản xuất hoàn chỉnh thứ hai của công ty bên ngoài Trung Quốc và là nền tảng để mở rộng tại thị trường Đông Nam Á. Cùng với đó, xe xuất xưởng tại Thái Lan sẽ được bán sang các nước Đông Nam Á khác, Australia và các quốc gia khác.
Chính phủ của Thái Lan đang thay đổi để thích ứng với việc chuyển đổi sang xe điện. Chính phủ đặt mục tiêu tất cả phương tiện đăng ký mới là xe điện vào năm 2035. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26) tại Glasgow vừa qua rằng Thái Lan đặt mục tiêu đạt không phát thải khí carbon vào năm 2025.
Vào tháng 5, Thái Lan đã công bố lộ trình [email protected] EV. Theo đó, xe điện sẽ chiếm khoảng 30% tổng số phương tiện được sản xuất vào năm 2030.
“Đây là một mục tiêu đầy tham vọng”, Krisda Utamote, Chủ tịch Hiệp hội Xe điện Thái Lan, nhận xét.
Ông Utamote cho rằng cần đưa ra các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng và các nhà đầu tư địa phương phát triển các trạm sạc để đạt được mục tiêu đó. Hiện có khoảng 2.000 trạm sạc trên khắp Thái Lan, nhưng chính phủ hy vọng đến năm 2030, con số đó có thể tăng lên 12.000.
Các thương hiệu Nhật Bản chịu nhiều áp lực
Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN áp dụng mức thuế 0% đối với xe nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, xe nhập khẩu từ châu Âu phải chịu mức thuế 80% và xe Nhật chịu mức thuế 20% đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản-Thái Lan.
“Sự phổ biến của Ora Good Cat tại Thái Lan sẽ là một khởi đầu để giúp các thương hiệu xe hơi Nhật Bản đánh giá lại một cách nghiêm túc việc mở rộng sản xuất hoặc tiếp thị ô tô điện ở Thái Lan”, nhà báo Nithi nhận định.
Theo ông, có khả năng các công ty Nhật Bản sẽ vận động chính phủ Thái Lan trì hoãn sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện. Nhật Bản là một người bạn lâu năm của Thái Lan và sự chuyển đổi đột ngột sang xe điện cũng đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn nhà cung cấp địa phương sẽ mất việc làm.
Các thương hiệu xe Nhật Bản cũng tiến khá chậm trong lĩnh vực xe điện so với Trung Quốc. Nissan Leaf đắt gấp đôi Ora Good Cat, nhưng phạm vi mỗi lần sạc của nó chỉ bằng hơn một nửa. Fomm, một dòng xe điện Nhật Bản sản xuất tại thái Lan, đã không bán được hàng do giá cả và tầm hoạt động. Chiếc xe bán tải điện Takano sản xuất tại Thái Lan cũng chỉ đi được 100 km mỗi lần sạc.
“Xe điện Trung Quốc đáng đồng tiền bát gạo. Tôi không nói rằng thị trường Thái Lan đã sẵn sàng chào đón các mẫu ôtô Trung Quốc có giá 3 triệu baht, cùng phân khúc giá với BMW”, ông Nithi chia sẻ và cho rằng rất có thể đó là lý do những mẫu xe điện đắt tiền của Trung Quốc như MG Marvel R hay BYD Han vẫn chưa thâm nhập thị trường này.
Phó chủ tịch kiêm phát ngôn viên của Liên đoàn các Ngành công nghiệp tại Thái Lan Surapong Paisitpatanapong cho biết sự phổ biến của xe điện Trung Quốc bắt đầu bằng việc giới thiệu MG ZS ở Thái Lan vào năm 2019, tiếp đến là hai mẫu xe khác một năm sau đó.
“MG đã làm rất tốt việc tạo niềm tin cho người tiêu dùng Thái Lan trong khoảng thời gian ngắn như vậy”, ông Paisitpatanopong nhận xét. Theo ông, giá cả là yếu tố then chốt khi các thương hiệu Trung Quốc không có danh tiếng hàng chục năm như các thương hiệu Nhật bản hay châu Âu.
MG là một thương hiệu xe hơi của Anh, đã được tập đoàn quốc doanh Trung Quốc-SAIC Motor, mua lại vào năm 2017. Công ty cho biết họ chiếm 90% thị phần xe điện ở Thái Lan và tính tung thêm 3 mẫu xe điện vào năm tới.
Sự gia tăng của xe điện còn đến từ việc đại dịch Covid-19 đã thu hẹp ngành sản xuất xe hơi truyền thống của Thái Lan, nhà sản xuất lớn nhất Đông Nam Á.
Vào tháng 7, Toyota Motor Corp. đã đình chỉ hoạt động tại cả ba nhà máy ở Thái Lan, các cơ sở quan trọng nhất tại Đông Nam Á, do tình trạng thiếu hụt sau khi một một nhà máy phụ tùng bị đóng cửa vì dịch Covid-19.
Doanh số bán ô tô nội địa trong tháng 8 giảm mạnh nhất trong vòng 15 tháng, do các đợt phong tỏa tiếp tục đe dọa nguồn cung phụ tùng và tình hình kinh tế ảm đạm khiến người tiêu dùng ngần ngại hoặc không đủ khả năng để mua sắm, theo Liên đoàn các Ngành công nghiệp Thái Lan.
Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu xe điện đã tăng gấp đôi. Vào tháng 9/2020, hơn 1.800 xe điện đã được đăng ký tại Thái Lan. Nhưng một năm sau, con số đã tăng lên 3.600.
Ông Nithi nhận định các thương hiệu xe Nhật Bản sẽ chịu nhiều áp lực tại thị trường Thái Lan trong thời gian tới. Trong khi đó, James Guild, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, cho rằng các nhà đầu tư quốc tế đang muốn tranh phần tại thị trường Thái Lan.
Ngoài ra, ông James chi biết các thỏa thuận gần đây của PTT với Foxconn và Hozon - một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc - phát triển xe điện là “dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Thái Lan nghiêm túc về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch”.
“PTT là tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Thái Lan. Họ nắm giữ khoảng 40% trạm xăng tại quốc gia này. Vì vậy, nếu họ - một công ty nhiên liệu hóa thạch lâu đời - sẵn sàng hy sinh lợi ích để trở thành đối tác tin cậy của các nhà sản xuất xe điện nước ngoài, Thái Lan sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông James nhấn mạnh.
Thái Lan bị đe dọa?
Thái Lan đã thu hẹp ngành sản xuất ô tô truyền thống dù trong thời gian ngắn, nhưng theo các chuyên gia, sự dịch chuyển sang xe điện đồng nghĩa với việc Indonesia có thể vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á, theo ông Guild.
Thái Lan đã sản xuất trung bình 2 triệu ô tô hàng năm trong ít nhất một thập kỷ qua, với khoảng 50-60% số xe được xuất khẩu. Tuy nhiên, con số đó đảm giảm xuống còn 1,4 triệu vào năm 2020 do đại dịch. Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan dự đoán sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu chiếc trong năm nay.
“Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, lĩnh vực sản xuất ô tô của Indonesia tăng trưởng vượt bậc nhờ nhu cầu nội địa tăng cao. Từ đó đến nay, Indonesia luôn là mối đe dọa đến danh hiệu ‘nhà sản xuất ô tô lớn nhất khu vực’ của Thái Lan”, ông Guild cho biết.
Sản lượng ô tô của Indonesia đạt mức cao 1,3 triệu chiếc vào năm 2018, thua Thái Lan vài trăm nghìn chiếc. Khi đó, các nhà sản xuất xe điện bắt đầu thâm nhập vào cả Indonesia và Thái Lan, quốc gia này đã có “thứ mà Thái Lan không có” - mỏ niken thô lớn nhất thế giới.
Niken là nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho xe điện. Cho đến nay, Indonesia đã nhận được cam kết đầu tư vào xe điện và pin từ các công ty lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
“Liệu việc Indonesia nắm giữ nguyên liệu thô quý như niken có đủ để giành được phần đầu tư lớn hơn vào sản xuất xe điện so với Thái Lan không? Đây là điều quan trọng cần được theo dõi trong vài năm tới”, ông Guild cho biết.
Hương Vũ (Theo SCMP)