'Áo mới' trên những nẻo quê

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều vùng quê Phú Yên như khoác lên mình tấm áo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, các tuyến đường, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp… Đây là thành quả nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân trong tỉnh.

Nông thôn ở Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: NGỌC HÂN

Nông thôn ở Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: NGỌC HÂN

Không còn cảnh mưa bùn, nắng bụi

Về xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), dưới ánh nắng chói chang của tháng 6, lướt đi trên những con đường bê tông sạch đẹp, rợp sắc hoa dẫn vào tận thôn xóm, nhiều người sẽ cảm nhận được sức sống mới ở xã NTM nâng cao này. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Tây Trần Quốc Suyền, địa phương đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao hoàn toàn dựa vào nội lực và ý thức của người dân, không chạy theo thành tích. Là 1 trong 9 xã điểm của tỉnh giai đoạn 2018-2020 trong xây dựng NTM nâng cao, Hòa Tân Tây đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước khắc phục khó khăn để đưa nền kinh tế phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó, hoàn thiện dần hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn, thực hiện tốt các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu ở địa phương.

“Quê mình bây giờ không còn cảnh những ngày mưa xắn quần lội qua những con đường nhớp nháp bùn lầy. Bây giờ, đường bê tông chạy ra ruộng đồng, ban đêm đèn điện không khác gì phố thị. Trẻ con được học hành dưới mái trường vững chãi, người già có nhà văn hóa sinh hoạt, giao lưu, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều”, bà Phan Thị Lý ở thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây phấn khởi nói.

Còn tại xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), xã đầu tiên của tỉnh đạt NTM nâng cao, chứng kiến sự đổi thay của xã nhà từ khi xây dựng NTM, ông Võ Đình Chiến ở thôn Hạnh Lâm rất vui mừng. Những con đường bê tông mở rộng khắp thôn xóm, trụ sở xã, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, y tế, giáo dục được chăm lo... Đặc biệt, với những cơ chế khuyến khích người dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, trang trại với nhiều mô hình làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân nơi đây trở nên giàu có, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của địa phương.

“So với trước đây, đời sống người dân thay đổi rất nhiều. Nhờ trồng cây ăn trái, nhiều gia đình trở nên khấm khá. Tất cả công trình về hạ tầng đều được người dân đồng lòng, chung sức xây dựng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham gia xây dựng những tuyến đường hoa, sáng, xanh, sạch, đẹp cùng địa phương giữ vững danh hiệu xã văn hóa, NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu”, ông Chiến chia sẻ.

Theo ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, nhất là ở những xã đã cán đích NTM và các xã tiếp tục xây dựng NTM nâng cao. “Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày một hoàn thiện, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Hệ thống điện nông thôn tiếp tục được nâng cấp và mở rộng. Trường lớp, trang thiết bị dạy học được đầu tư đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trạm Y tế xã được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được cải thiện”, ông Nhân cho biết.

Nâng cao thu nhập từ vườn mẫu NTM

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình vườn mẫu NTM ngay khi chủ trương này được triển khai, ông Võ Ngọc Sơn ở thôn 2, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, xây dựng thành công vườn cây ăn trái. Theo ông Sơn, vườn trái cây được gia đình trồng từ năm 2013 với diện tích gần 1,2ha, trồng các loại cây như: mãng cầu, bưởi, xoài, cam, quýt. Trước đây do thiếu kinh phí nên gia đình chưa mạnh dạn đầu tư cũng như tổ chức, sắp xếp vườn hợp lý. Sau khi xã triển khai mô hình vườn mẫu NTM, được địa phương hỗ trợ vốn, ông quy hoạch lại vườn cây, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Sơn cho biết: “Tham gia mô hình vườn mẫu mang lại nhiều lợi ích cho gia đình, ngoài việc cảnh quan, vườn tược được gọn gàng, sạch đẹp hơn thì thu nhập từ vườn cũng được nâng cao hơn. Mỗi năm, vườn này thu lợi gần 300 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với trồng lúa, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.

Tương tự, vườn của gia đình ông Đặng Ngọc Phú ở thôn Lạc Mỹ, xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) có diện tích trên 2ha chuyên trồng dừa xiêm, chuối sáp, vú sữa, nuôi cá, heo, gà… Nhờ tham gia vườn mẫu NTM, gia đình ông Phú được hỗ trợ làm hệ thống bơm tưới tự động; tổ chức sắp xếp lại khu vực trồng cây, khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; xây dựng hàng rào cây xanh, trại nghỉ, bảo vệ vườn... Hiện mô hình vườn mẫu của gia đình ông cho nguồn thu nhập ổn định, với hơn 300 triệu đồng/năm. “Khoảng 2-3 năm nữa, dự kiến khu vườn mẫu này sẽ mang lại lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm. Gia đình tôi sẽ quy hoạch lại vườn cây ăn trái và ao cá để kết hợp phát triển du lịch miệt vườn”, ông Phú cho hay.

Hướng tới NTM kiểu mẫu

Một kết quả nổi bật, tạo dấu ấn riêng của Phú Yên trong xây dựng NTM chính là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của chương trình đều được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục. Tỉnh bố trí vốn xây dựng NTM lồng ghép qua quá trình xây dựng cơ sở vật chất của các ngành để triển khai nhanh hơn, có sự giám sát của người dân chặt chẽ hơn và không có nợ đọng trong xây dựng NTM. Qua hơn 10 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã có 2/9 huyện đạt chuẩn huyện NTM; 60/83 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 khu dân cư và 9 vườn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu NTM; có 27 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Phú Yên đang tiếp tục đặt mục tiêu duy trì, giữ vững kết quả của các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước, đẩy mạnh phát triển NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, buôn, bảo đảm nông thôn phát triển ổn định và bền vững.

Theo đó, xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp an toàn theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững; tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển khâu bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế so sánh, tăng khả năng cạnh tranh và xuất khẩu thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, có từ 3-4 huyện đạt chuẩn NTM, 1-2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có 80% (67/83) xã đạt chuẩn NTM, 30% (20/67) xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5% (4/67) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 15 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 30 vườn mẫu NTM đạt chuẩn theo quy định.

Để đạt được mục tiêu đề ra, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025 do trung ương và địa phương phát động.

Phú Yên xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục với mục đích chính là nâng cao đời sống người dân nông thôn. Vì vậy trên cơ sở kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM theo tiêu chí nâng cao, tập trung phát huy kinh nghiệm, nội lực và sức mạnh từ sự đồng thuận của người dân.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/280290/-ao-moi--tren-nhung-neo-que.html