Ảnh hưởng Covid-19, GDP 6 tháng tăng trưởng thấp nhất 10 năm

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 (Quý II/2020 ước tính tăng 0,36%).

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới.

Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô giảm mạnh do nhu cầu sử dụng hạn chế; thất nghiệp tăng cao.
Theo các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ - Iran, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và trên bán đảo Triều Tiên đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Trong nước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Ảnh minh họa

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

Theo phân tích của Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 1,1%; nhập khẩu giảm 3%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm xuất siêu ước tính đạt 4 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 121,21 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%).

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 20,5 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,2 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 4,7 tỷ USD, giảm 50,3% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 951 triệu USD, giảm 79,2%). Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 8,9 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 4 tỷ USD, giảm 25,2%). Nhập siêu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 4,2 tỷ USD, bằng 88,6% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/top-col-2/202006/anh-huong-covid-19-gdp-6-thang-tang-truong-thap-nhat-10-nam-7c20a51/