Ẩn họa từ những cây cầu treo xuống cấp ở Nghệ An
Sau vụ cầu Phong Châu (Phú Thọ) được xây dựng từ năm 1995 với công nghệ cũ bị sập vào sáng 9-9, trên thực tế tại các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều cây cầu treo xuống cấp, mất an toàn cần thay thế hoặc duy tu, bảo dưỡng kịp thời để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Nơm nớp qua cầu treo 40 năm tuổi
Sau gần 40 năm sử dụng, cầu treo sông Giăng nối hai xã Phong Thịnh và Thanh Liên (huyện Thanh Chương, Nghệ An) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu được thiết kế chịu xe tải trọng 10 tấn, nhưng nay chỉ cho phép xe tải trọng dưới 5 tấn lưu thông. Đây là cây cầu dân sinh quan trọng phục vụ đi lại cho bà con nhân dân 10 xã vùng Cát Ngạn với trung tâm huyện Thanh Chương.
Qua quan sát, các mố neo của cầu treo sông Giăng bị bong tróc, cáp treo cũ kỹ, hệ thống lan can sức chịu lực kém, nhiều vị trí bị gỉ sét, bê tông nứt nẻ. Cũng vì cầu quá yếu nên cơ quan chức năng cho cắm nhiều biển cảnh báo ở hai đầu cầu, dựng hàng rào cọc tiêu để hạn chế xe tải lớn qua cầu.
Được biết, cầu treo sông Giăng đưa vào sử dụng năm 1987, có chiều dài 120m. Cây cầu này nằm trên Tỉnh lộ 533 do Sở GTVT Nghệ An quản lý. Đến năm 2017, tỉnh lộ này được nâng lên thành Quốc lộ 46C nên tuyến đường và cầu được chuyển giao cho Bộ GTVT quản lý.
Ông Nguyễn Hồng Nâm, Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh (Thanh Chương), địa phương nằm bên cầu treo sông Giăng lo lắng: Là cây cầu dân sinh huyết mạch kết nối 10 xã vùng cát ngạn với trung tâm huyện nên nhu cầu giao thông và vận chuyển hàng hóa của người dân qua cầu treo này ngày càng lớn. Tuy nhiên, thực tế hiện cầu rất yếu, các xe trọng tải lớn không thể đi qua cầu đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Là tuyến đường gần như độc đạo nối với các xã vùng thượng huyện Thanh Chương nên không chỉ những ngày lễ, tết mà ngày thường vào giờ cao điểm cũng đã xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Ngay dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, chính quyền huyện Thanh Chương và hai xã Thanh Liên và Phong Thịnh đã phải bố trí lực lượng để phân luồng giao thông, nhưng vẫn ùn tắc. Ngoài ra, tuy đã treo biển hạn chế tải trọng 5 tấn nhưng vẫn có trường hợp xe chở nặng qua cầu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố khôn lường…
Theo nhiều người dân địa phương, cầu sông Giăng xuống cấp đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn giữa ô tô tông xe máy trên cầu này xảy ra vào ngày 4-10-2020 khiến 5 người tử vong.
Trước những kiến nghị của cử tri và chính quyền địa phương, ngày 6-10-2023, Bộ GTVT đã có quyết định về việc giao nhiệm vụ cho Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu sông Giăng, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Cục Đường bộ Việt Nam sau đó đã trình Bộ GTVT quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu mới thay thế cầu treo sông Giăng với mức đầu tư dự kiến khoảng 68 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, dự án vẫn "nằm trên giấy".
"Chúng tôi rất mong cầu treo sông Giăng sớm được xây dựng lại để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông. Đây cũng là nguyện vọng của bà con nhân dân trong mỗi lần tiếp xúc cử tri", Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Hữu Hiền mong mỏi.
Không chỉ khó về kinh phí?
Nằm bên quốc lộ 7 cách TP Vinh tầm 200km, cầu treo Xốp Nhị thuộc xã Hữu Lập, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đưa vào sử dụng từ năm 1984, nay cũng bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Tại hiện trường cho thấy, thành lan can bị hư hỏng ở một số vị trí; thép cáp chủ, trụ cầu, dầm cầu bị gỉ sét; hệ thống cáp chủ, gối cầu bị khô mỡ… Trong khi đó, mỗi ngày, cây cầu đang phải oằn mình "cõng" một lượng lớn hàng hóa và người qua lại trong bất an.
Cách đó không xa, cầu treo Xiêng Thù bắc qua sông Nậm Mộ (thuộc xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) cũng chung số phận. Đây là tuyến đường huyết mạch nối các bản bên kia sông Nậm Mộ của xã Chiêu Lưu và toàn bộ xã Bảo Thắng với trung tâm huyện. Tuy nhiên, tại đây, dự án xây cầu cứng mới đã bắt đầu được triển khai xây dựng. Không lâu nữa, bà con nhân dân nơi đây không còn chịu cảnh phải nơm nớp qua cầu treo xuống cấp.
Theo thống kê của Sở GTVT Nghệ An, toàn tỉnh hiện có tới 70 cầu treo. Trong đó, Sở GTVT và Chi cục Quản lý đường bộ 2 (Cục Đường bộ Việt Nam) quản lý hai cầu treo; 68 cầu còn lại do các huyện quản lý. Rất nhiều cây cầu treo trong số này do quá trình sử dụng lâu năm, lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên không ít cầu treo bị xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người và phương tiện tham gia giao thông.
Về hướng xử lý hiện trạng cầu treo trên địa bàn tỉnh xuống cấp, ông Nguyễn Trọng Quang - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở GTVT Nghệ An thông tin: Cái khó nhất, ngoài vấn đề kinh phí thì các huyện cũng gặp khó khăn về khâu kỹ thuật trong việc thực hiện bảo trì, sửa chữa. Sở đang làm văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình cầu treo, kịp thời phát hiện hỏng hóc để sửa chữa.
Với những hư hỏng, sẽ đề nghị chủ đầu tư phải thuê các đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn kiểm định, kiểm tra, đưa ra các giải pháp sửa chữa, xử lý phù hợp nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tuổi thọ công trình.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/an-hoa-tu-nhung-cay-cau-treo-xuong-cap-o-nghe-an-post759671.html