Ấn Độ 'tẩy nguồn' dầu Nga để đưa tới Mỹ?

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt gồm cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm từ dầu, than đá và khí đốt của Nga vào Mỹ.Tuy nhiên, Washington gần đây bày tỏ quan ngại về việc một công ty Ấn Độ đã che đậy nguồn gốc dầu thô từ Nga, xử lý rồi vận chuyển sản phẩm đến New York nhằm né lệnh trừng phạt.

Bộ Tài chính Mỹ bày tỏ quan ngại rằng Ấn Độ đang sử dụng nhiên liệu được lọc từ dầu Nga để xuất khẩu sang New York. Ảnh: Reuters

Bộ Tài chính Mỹ bày tỏ quan ngại rằng Ấn Độ đang sử dụng nhiên liệu được lọc từ dầu Nga để xuất khẩu sang New York. Ảnh: Reuters

Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ Michael Patra hôm 13-8 cho biết, Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng Ấn Độ đang sử dụng nhiên liệu được lọc từ dầu Nga để xuất khẩu sang New York. “Có các biện pháp trừng phạt đối với những đối tác mua dầu của Nga. Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo vấn đề này cho chúng tôi”, ông Patra cho biết

Theo ông Patra, “Một tàu Ấn Độ tới điểm hẹn với tàu chở dầu Nga ở giữa biển và lấy dầu ở đó, vận chuyển tới cảng Gujarat của Ấn Độ. Tại đây, dầu thô Nga được đem tinh chế để tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm sản phẩm chưng cất phục vụ sản xuất nhựa”. “Sản phẩm tinh chế này được đem lên chính con tàu từng vận chuyển dầu Nga, khởi hành tới một điểm đến không xác định. Đến giữa biển, tàu đột ngột chuyển hướng tới New York, Mỹ”, ông Patra nói thêm, trích dẫn thông tin do Bộ Tài chính Mỹ cung cấp. Theo ông Patra, phía Mỹ cho rằng, lý do tàu Ấn Độ lén nhập dầu Nga dường như là để che giấu nguồn gốc của các sản phẩm tinh chế từ dầu thô trước khi xuất sang New York, Mỹ.

“Điều này rất bất thường”, ông Patra nói, từ chối tiết lộ tên của tàu và cũng không cho biết giới chức Ấn Độ đã mở cuộc điều tra hay chưa. Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi chưa bình luận về thông tin này. Tuy nhiên, bình luận của ông Patra là thông tin công khai chính thức đầu tiên của Ấn Độ về những lo ngại của Mỹ.

Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới và trước đó nước này hiếm khi mua dầu của Nga. Nhưng kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã tăng tốc mua những lô hàng dầu thô giá rẻ của Nga khi nhiều nước và công ty phương Tây tẩy chay. Cho đến nay, Ấn Độ vẫn chưa tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga hay lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của nước láng giềng này.

Trước đó, tờ Nikkei cũng đưa tin các quan chức của Mỹ tin rằng dầu thô của Nga đang được tinh chế ở Ấn Độ và sau đó được xuất khẩu sang Mỹ và EU nhằm lách các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Theo đó, các nhà máy lọc dầu gần thành phố cảng Sikka, miền tây Ấn Độ đang được cho là "tẩy nguồn" cho dầu Nga. Khoảng 26 triệu thùng dầu Nga, chiếm 20%, được cho là đã đến Sikka trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, tăng 5,3 lần so với mức một năm trước đó. Các sản phẩm dầu xuất khẩu từ cảng Sikka đạt tổng cộng khoảng 75 triệu thùng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, trong đó 20% xuất sang châu Âu hoặc Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã kịch liệt bác bỏ điều này.

Ấn Độ tuyên bố không chịu áp lực từ phương Tây

Ấn Độ ngày 12-8 khẳng định họ không chịu bất cứ áp lực nào từ các nước phương Tây hoặc bất kỳ nơi nào khác đối với việc mua năng lượng từ Nga.

Tuyên bố này được đưa ra khi các công ty Ấn Độ tăng cường nhập khẩu dầu mỏ và than từ Nga trong bối cảnh Moscow đang chịu rất nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.. Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nêu rõ: “Các quyết định của chúng tôi về việc mua dầu hoặc những vấn đề khác liên quan sẽ theo các yêu cầu về an ninh năng lượng của chúng tôi và quan điểm của chúng tôi sẽ tùy thuộc vào an ninh năng lượng”. Ông Bagchi khẳng định ông không biết bất kỳ đề xuất cụ thể nào liên quan tới giá trần, ông nhấn mạnh: “Tôi chắc chắn sẽ không thể đồng ý với ý kiến cho rằng có áp lực liên quan tới những vấn đề như vậy”.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/an-do-tay-nguon-dau-nga-de-dua-toi-my-post265264.html