Ấm no nhờ 'vàng xanh'
Đối với bà con vùng đồng bào DTTS và MN, trồng rừng không chỉ mang lại cuộc sống khấm khá hơn mà còn góp phần phát triển ngành lâm nghiệp, tăng độ che phủ rừng.
Cuộc sống ấm no từ trồng rừng
Những ngày cuối năm 2022, trên cánh rừng ở thôn Nhuyễn Phú Lâm, xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, tiếng máy cưa, máy cắt xóa đi sự tĩnh mịch. Cặm cụi dọn dẹp lại vườn keo vừa được khai thác, Chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: Trồng keo không quá vất vả, cũng không mất công chăm sóc nên không mất thêm chi phí hay công lao động; với diện tích 6 ha sau 4 - 5 năm cho thu hoạch, lợi nhuận thu được khoảng 290 triệu đồng. Đây như là tiền tiết kiệm bởi ngoài công việc trồng keo thì những người trồng rừng còn làm thêm cả nông nghiệp, chăn nuôi và nhiều người còn đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp.
Tại vùng bán sơn địa của huyện Nông Cống, phần lớn các hộ gia đình trồng keo bán cho thương lái, họ thu mua để bán cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ nội thất, ván bóc, ván ép, ván MDF, dăm gỗ và viên nén; trong đó, tỷ trọng đưa vào chế biến dăm gỗ chiếm khá nhiều. Chúng tôi tiếp tục hành trình tới Nghệ An tìm hiểu về mô hình liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản trồng keo có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Cả thôn 1, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An có 320 hộ, trong đó có 2 nhóm FSC, nhóm 1 có 45 hộ, nhóm 2 có 47 hộ. Sau khoảng thời gian tham gia liên kết với Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam trồng rừng để đạt được chứng chỉ FCS,ông Nguyễn Hoàng Lân - Trưởng nhóm FSC Cây Thị (thôn 1) – chia sẻ: Nhóm của tôi có 45 hộ tham gia làm chứng chỉ FSC với diện tích rừng 145 ha, trong đó riêng gia đình tôi có 6 ha keo lai. Việc liên kết rất thiết thực với những người trồng rừng. Chúng tôi được cán bộ của doanh nghiệp tập huấn kỹ thuật lâm sinh; bảo hộ lao động; được học tập, tham quan các mô hình trồng keo ở Quảng Bình, Quảng Trị. Đáng chú ý, tham gia các nhóm FSC, chúng tôi được hỗ trợ giống keo tốt, đảm bảo đầu ra ổn định với cam kết thu mua cao hơn giá thị trường 10 - 15%. Diện tích rừng keo 6 năm tuổi của tôi có thể đạt năng suất 140 - 150 tấn/ha. Mặt khác, công ty thu mua luôn cả vỏ, giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí này. Một trong những nguyên tắc đầu tiên khi tham gia FSC là chủ rừng phải có tư cách pháp nhân, có hồ sơ đăng ký pháp lý rõ ràng, còn hiệu lực và được phê duyệt bằng văn bản bởi một cơ quan có thẩm quyền đối với các hoạt động quản lý rừng. Hiện nhiều hộ muốn tham gia nhóm FSC nhưng do diện tích rừng chưa có sổ đỏ hoặc chưa chứng minh được nguồn gốc của rừng.
Cùng với việc tham gia mô hình liên kết, đầu ra ổn định, năm nay, keo được giá, người trồng rừng phấn khởi. Ông Nguyễn Hoàng Lân chia sẻ, cách đây 1 năm, giá keo đã bóc vỏ chỉ khoảng 800.000 – 900.000 đồng/tấn nhưng năm nay, giá keo lên tới 1.200.000 đồng/tấn. Với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, những ai có rừng, về mặt kinh tế, giàu thì chưa dám nói nhưng chỉ vài ba năm là có thu nhập. Trồng rừng theo mô hình liên kết gỗ FSC cho“ thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).
Xây dựng mô hình liên kết đôi bên cùng có lợi
Năm 2022, kinh ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt hơn 16 tỷ USD. Trong con số này, gỗ rừng trồng trong nước đang và sẽ chiếm tỷ trọng quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng của ngành. Nguồn gỗ rừng trồng không chỉ góp phần vào sự phát triển của các hợp phần này mà còn góp phần giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm.
Mặt khác, một số thị trường bên cạnh đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc còn yêu cầu gỗ có chứng chỉ FSC. Tại Việt Nam, keo l là nguồn gỗ có ưu thế nhất trong việc làm chứng chỉ FSC. Các doanh nghiệp đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ FSC. Miền Trung là khu vực có lợi thế trồng keo và có trữ lượng lớn nhất của Việt Nam.
Là một doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất ván plywood và sản phẩm tủ bếp, bà Cao Thị Thúy An - Trưởng phòng mua hàng - Công ty Cổ phần Tekcom (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) - chia sẻ, nhu cầu thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp khá cao, có thể lên tới 18.000 m3/tháng. Do thị trường xuất khẩu là EU nên có sự ràng buộc về nguồn gốc gỗ rừng trồng cũng như chứng chỉ FSC. Đây là một trong những yêu cầu mà khách hàng đặt ra và doanh nghiệp cố gắng đạt được. Do đó, chiến lược lâu dài của doanh nghiệp là đầu tư nhà máy ở miền Trung để tiến dần về vùng nguyên liệu. ‘Để đảm bảo nguồn gỗ FSC được khép kín hơn,chúng tôi sẽ phối hợp với nông dân trồng rừng và tập trung vào gỗ keo. Hiện nhà máy đang trong giai đoạn đấu thầu và chúng tôi hi vọng sẽ được khởi công vào năm 2023’, bà Cao Thị Thúy An chia sẻ.
‘Sau 1 năm triển khai trên địa bàn huyện Anh Sơn, tháng 12/2022 chúng tôi có khoảng gần 3.000ha diện tích rừng sẽ được cấp chứng chỉ FSC’, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc Lâm nghiệp - Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam chia sẻ. Hiện tại, công ty đã được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý về mặt chủ trương để mở rộng vùng nguyên liệu thêm từ 15 - 18 nghìn ha nhằm phát triển vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng FSC.
Tại các địa phương miền núi, nơi có diện tích đất rừng lớn, phát huy hiệu quả từ đất rừng đã và đang là hướng đi đúng, được các địa phương chú trọng đầu tư. Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của các hộ trồng rừng, một màu xanh bạt ngàn trải dài hết quả núi này sang quả núi khác không chỉ góp phần làm giàu thêm tài nguyên rừng, xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp bà con vùng dân tộc thiểu số có cuộc sống ấm no hơn.
Hiện trên địa bàn huyện Anh Sơn có 29 nhóm tham gia liên kết làm gỗ FSC với Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam, trong đó, mô hình nhóm nhỏ nhất có 30 ha, nhóm lớn nhất 200 ha, tổng diện tích rừng đang thực hiện FSC lên đến 2.900 ha.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/am-no-nho-vang-xanh-239510.html