Ai đứng sau Cty Hưng Phát bị phạt không giấy phép môi trường?
Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt 300 triệu đồng, do ông Nguyễn Minh Hải làm Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai có ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng đối với Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát, do không có giấy xác nhận hoàn công công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án.
Doanh nghiệp này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là không có giấy phép môi trường theo quy định đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.
Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát được thành lập vào năm 2010, có địa chỉ tại tầng 1, lô số 9, khu dân cư Phước Tân, khu phố Đồng, phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Minh Hải. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao.
Trước đó, theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Phát triển Hạ tầng An Hưng Phát bị xử phạt do không có giấy xác nhận hoàn công công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án từ tháng 4/2020, đối với dự án xây dựng khu dân cư khu phố Bình Dương (tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa). Dự án do công ty này làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, quyết định xử phạt không áp dụng đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường. Lý do, Công ty CP Phát triển Hạ tầng An Hưng Phát đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai kiểm tra, đánh giá. Công ty đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép môi trường theo yêu cầu của sở.
Ngoài ra, trong thời gian khu dân cư khu phố Bình Dương đi vào hoạt động đến nay, địa phương chưa nhận được đơn thư kiến nghị của người dân về hoạt động của khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu đại diện pháp luật công ty chấp hành nộp phạt trong thời gian 10 ngày. Trường hợp không chấp hành, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế thực hiện.