AI đang từng bước thay đổi cách thức vận hành ngành y tế

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước thay đổi cách thức vận hành ngành y tế, góp phần mở rộng dịch vụ y tế đến tất cả người dân.

Ngày 23-5, tại hội nghị quốc tế “Trí tuệ nhân tạo trong y tế” do Sở Y tế TP.HCM tổ chức, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định AI đang từng bước thay đổi cách thức vận hành của ngành y tế, từ hỗ trợ chẩn đoán, phân tích hình ảnh, cá thể hóa điều trị đến nâng cao hiệu quả quản lý bệnh viện và hệ thống y tế.

Ứng dụng AI xây dựng y tế thông minh

TP.HCM đã tích hợp ứng dụng AI vào chiến lược phát triển y tế thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, với nhiều hoạt động đang được triển khai tại các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa cũng như tại Sở Y tế.

“Chúng tôi xác định rõ AI không thay thế con người, không thay thế bác sĩ, mà đóng vai trò như một trợ lý thông minh giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, tối ưu hóa quy trình và cải thiện trải nghiệm của người bệnh” - ông Thượng nhấn mạnh.

 PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo Giám đốc Sở Y tế, trong lộ trình xây dựng y tế thông minh, điều kiện tiên quyết là phải số hóa hệ thống y tế, đặc biệt là triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và đầy thách thức mà ngành y tế TP đang quyết tâm thực hiện, với thời hạn đến tháng 9 năm nay phải hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi rất mong muốn học hỏi mô hình của các quốc gia tiên tiến như Anh, nơi có hệ thống hồ sơ điện tử được sử dụng thống nhất toàn quốc. Các báo cáo và tham luận tại hội nghị sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng lộ trình phát triển AI trong ngành y tế một cách bài bản và bền vững” - ông Thượng nói.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, chia sẻ AI đang thể hiện vai trò ngày càng rõ nét trong ngành y tế, từ chẩn đoán bệnh qua phân tích hình ảnh và dữ liệu lớn, phát hiện sớm nguy cơ bệnh, hỗ trợ phẫu thuật robot, đến quản lý hồ sơ bệnh án, chăm sóc từ xa qua chatbot, dự báo dịch bệnh và giảm thiểu sai sót trong điều trị. Những ứng dụng này góp phần mở rộng dịch vụ y tế đến mọi tầng lớp, đặc biệt là khu vực thiếu hụt nhân lực và hạ tầng.

6 nguyên tắc khi áp dụng AI phát triển ngành y tế

Tuy nhiên, theo ông Long, vẫn còn nhiều thách thức như chất lượng dữ liệu, bảo mật và chi phí triển khai. Việc ứng dụng AI cần được thực hiện một cách thận trọng, có đạo đức và tuân thủ pháp luật nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho bệnh nhân và cộng đồng.

 Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong sinh thiết xương tại Bệnh viện Quân Y 175. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong sinh thiết xương tại Bệnh viện Quân Y 175. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhận định chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt: AI có tiềm năng cách mạng hóa ngành y tế, từ chẩn đoán, điều trị đến phẫu thuật chính xác bằng robot.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức trong ứng dụng AI vào ngành y tế cần được nhìn nhận nghiêm túc .

Cụ thể, về khoảng cách tiếp cận công nghệ, AI có thể làm tăng thêm sự bất bình đẳng nếu người dân ở vùng sâu, vùng xa không tiếp cận được công nghệ hoặc thiếu kỹ năng sử dụng. WHO khuyến nghị cần nâng cao trình độ số và đưa AI đến với những người cần nó nhất, từ đó biến thách thức thành cơ hội nâng cao sức khỏe toàn dân.

Ví dụ như tại Philippines, AI giúp chẩn đoán bệnh lao ở cộng đồng khó tiếp cận. Tại Thái Lan, AI hỗ trợ đánh giá nguy cơ đột quỵ tại các bệnh viện tuyến huyện.

Thách thức thứ 2 là về bảo mật dữ liệu và niềm tin. Nếu người dân không tin tưởng vào việc bảo vệ thông tin cá nhân, họ sẽ không chấp nhận sử dụng AI. Việt Nam cần khung pháp lý chặt chẽ và thực thi nghiêm để bảo đảm công nghệ được sử dụng một cách an toàn, công bằng và có đạo đức.

Để việc ứng dụng AI trong ngành y tế được thành công, WHO đề xuất 6 nguyên tắc then chốt. Cụ thể, minh bạch trong cách thiết kế và triển khai ứng dụng AI; giám sát theo mức độ rủi ro; bảo mật thông tin; con người là trung tâm mọi quyết định; hệ thống tích hợp, vận hành hiệu quả trên hạ tầng mạnh; hợp tác đa ngành với sự tham gia của các bên liên quan.

“WHO cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, hỗ trợ xây dựng chính sách và tạo không gian đối thoại cho những vấn đề liên quan ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế. Tôi mong chờ những trao đổi tiếp theo để cùng nhau thúc đẩy một tương lai y tế số an toàn, toàn diện và bền vững cho TP.HCM và Việt Nam” - bà Angela Pratt nói.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ai-dang-tung-buoc-thay-doi-cach-thuc-van-hanh-nganh-y-te-post851342.html