9 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chuyển đổi số của TP.HCM năm 2024

Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện triển khai hiệu quả Chủ đề năm 2024 'Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội', trong năm 2024 TP sẽ thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số.

Cụ thể, 9 nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số bao gồm: Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo các hệ thống vận hành ổn định; Tiếp tục triển khai thống nhất Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Triển khai Ứng dụng di động cổng giao tiếp thống nhất giữa công dân với chính quyền Thành phố; Triển khai thống nhất nền tg quản lý và khai thác dữ liệu Hệ thống thông tin địa lý (GIS) dùng chung của Thành phố; Tiếp tục vận hành nền tảng quản trị thực thi Thành phố; Triển khai nền tảng số hóa dùng chung; Triển khai số hóa dữ liệu theo ngành, lĩnh vực; Triển khai nền tảng Khu phố ấp; Đào tạo, tập huấn tập huấn, bồi dưỡng cho thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng.

TP.HCM xác định, chuyển đổi số là tất yếu trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số thành công sẽ là một trong giải pháp mang tính nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đến năm 2025.

TP.HCM ra mắt Trung tâm Chuyển đổi số (ảnh minh họa)

Năm 2024, Thành phố đã chọn cho chủ đề năm 2024 là "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội".

Để thực hiện chủ đề này, Thành phố có những định hướng tập trung về hạ tầng số như, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, phát triển các hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây; hạ tầng mạng viễn thông, Internet băng thông rộng, phủ sóng đến từng khu phố, ấp không có vùng lõm sóng. Đưa vào phủ sóng rộng rãi mạng 5G (sau khi Bộ TTTT cấp phép); đẩy mạnh các ứng dụng, dịch vụ 5G; các dịch vụ kết nối IoT, các nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Rà soát, nâng cấp hạ tầng CNTT trong các CQNN đảm bảo đủ năng lực phục vụ, liên thông kết nối thông suốt, an toàn thông tin từ Thành phố đến phường xã, thị trấn. Mở rộng, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu Thành phố. Công bố kế hoạch danh mục dữ liệu mở nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo từ kho dữ liệu dùng chung của Thành phố.

Về chính quyền số: Tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa và tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian xử lý trên môi trường số nhầm nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công toàn trình, thủ tục hành chính không giấy tờ (cho hồ sơ đủ điều kiện pháp lý). Ra mắt ứng dụng Công dân Thành phố trên di động nhằm giúp người dân giao dịch với chính quyền Thành phố hiệu quả, thuận tiện, đơn giản.

Kiên quyết triển khai và vận hành các ứng dụng CNTT trên các nền tảng số liên thông thống nhất. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ ra mắt mới các nền tảng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời ứng dụng hiệu quả dữ liệu trong quản trị thực thi của Thành phố. Trong đó, sẽ tập trung hệ thống thông tin đất đai và cấp phép xây dựng là 2 lĩnh vực có số hồ sơ lớn, phức tạp, ảnh hưởng nhu cầu Người dân nhiều nhất. Triển khai Nền tảng số hóa và lưu trữ tài liệu điện tử Thành phố và Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu Thành phố nhằm làm giàu và khai thác hiệu quả Kho dữ liệu Thành phố. Đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin địa lý GIS trên nền tảng Bản đồ TP.HCM.

Phát triển Trợ lý số hỗ trợ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và Trợ lý số hỗ trợ người dân trong sử dụng dịch vụ công. Đo lường và công khai minh bạch chỉ số chất lượng, tiến độ giải quyết hồ sơ, mức độ số hóa, cung cấp dịch vụ trực tuyến và độ hài lòng của người dân. Phát triển, khai thác hiệu quả Hệ thống quản trị thực thi Thành phố trên các nền tảng số.

Để đảm bảo nguồn nhân lực chuyên môn trong cơ quan nhà nước thực hiện kế hoạch này, Thành phố thành lập và đưa vào Trung tâm Chuyển đổi số trực thuộc UBND TP.HCM để triển khai thực thi, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các đơn vị trên địa bàn chuyển đổi số.

Về Kinh tế và xã hội số: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, y tế, du lịch và an sinh xã hội. Triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và người dân chuyển đổi số thông qua hoạt động triển khai đào tạo, tư vấn chuyển đổi số; hỗ trợ sử dụng các nền tảng số với giá rẻ.

Tập trung hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số phát triển, tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp trong các ngành kinh tế thực hiện chuyển đổi số, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số; cải thiện môi trường đầu tư, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tiêu chí thu hút, hoạt động trong Khu công nghệ cao phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ số, vi mạch bán dẫn; ưu tiên khai thác hiệu quả công viên phần mềm Quang Trung, nghiên cứu hình thành thêm khu công nghệ thông tin tập trung tại thành phố, phát huy hiệu quả chuỗi công viên phần mềm Quang Trung từ đó lan tỏa, tạo sự liên kết vùng trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đủ niềm tin Chương trình chuyển đổi số TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững./.

Vân Khánh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/9-nhiem-vu-trong-tam-thuc-hien-chuyen-doi-so-cua-tphcm-nam-2024-20240222174521561.htm