9 món cháo bồi bổ sức khỏe từ ý dĩ
Ý dĩ là một vị thuốc thường thấy trong các thang thuốc của bà mẹ sau sinh, hay các bài thuốc tần gà, tim, thận. Không chỉ là một loại thực phẩm mà ý dĩ còn có nhiều công dụng trong phòng chữa bệnh.
1. Đặc điểm của cây ý dĩ
Ý dĩ còn có tên gọi khác là hạt bo bo, cườm gạo, ý dĩ nhân, ý mễ, lục cốc tử, mễ nhân…
Tên khoa học: Coix lachrymajobi L. var. mayuen (Roman) Stapf. Họ lúa (Poaceae).
Bộ phận dùng: Dùng hạt để ăn và làm thuốc. Nhiều món ăn ngon có ý dĩ như cơm độn ý dĩ, ý dĩ hầm gà, chè ý dĩ long nhãn, sen.
Ý dĩ, ý dĩ nhân (Semen Coicis) là hạt cây ý dĩ bỏ vỏ, phơi khô, khi dùng có hai dạng chính là dùng sống hoặc sao vàng.
Công dụng: Kiện tỳ, thẩm thấp lợi thủy.
Liều dùng: Ngày uống 8-30g dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
2. Một số món cháo có ý dĩ
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh giới thiệu một số món cháo có ý dĩ như sau:
2.1. Cháo ý dĩ: Hạt ý dĩ 50g. Nấu như nấu cháo ăn.
Tác dụng: Chữa bệnh tỳ hư, ăn uống kém, phù thũng, phong thấp tê đau, co duỗi khó khăn, bệnh đái tháo đường.
Lưu ý không nên ăn nhiều vì sẽ gây giảm cân do không đủ dinh dưỡng như cháo gạo.
2.2. Cháo bí đao, ý dĩ: Bí đao 30g, hạt ý dĩ 20g, gạo lứt 100g. Bí đao rửa sạch, đổ nước nấu lấy nước bỏ bã, ý dĩ gạo lứt vo kỹ, nước vừa phải nấu với nước bí đao, nấu cháo loãng.
Công dụng: Thanh nhiệt hết đờm, kiện tỳ thẩm thấp.
Chủ trị: Dùng cho viêm phế quản mạn tính, ho nhiều đờm.
Cách dùng: Ngày 1 hoặc 2 bát chia ăn sáng chiều.
2.3. Cháo củ mài ý dĩ: Củ mài 60g, hạt ý dĩ 60g. Củ mài, nhân ý dĩ giã thô, nấu chín nhừ.
Công dụng: Kiện tỳ nhuận táo, giảm ho, trừ đờm.
Chủ trị: Dùng cho người bị viêm khí quản mạn tính, suy nhược cơ thể.
Cách dùng: Đây là loại cháo rất dễ sử dụng, có thể ăn tùy ý.
2.4. Cháo hạt ý dĩ rau sam: Hạt ý dĩ 30g, rau sam 30g, củ cải thái mỏng 30g. Nước vừa phải. Tất cả cho chung vào nồi nấu chín nhừ.
Công dụng: Dùng cho người bị viêm da. Liệu trình dùng 1 tháng.
2.5. Hạt ý dĩ hầm chân giò: Hạt ý dĩ 50g, chân giò lợn 1 cái. Hầm mềm. Ăn ngày một lần. Tuần ăn 2 lần.
Công dụng: Dùng cho người bị tê thấp, cước khí, đau dạ dày.
2.6. Cháo hạt ý dĩ sơn tra: Hạt ý dĩ 30g, sơn tra 15g, biển đậu sao 15g. Đường đỏ vừa đủ. Nấu chung thành cháo. Chia ăn trong ngày. Tuần ăn 2 lần.
Công dụng: Dùng cho người đàm thấp, đi ngoài phân nát.
2.7. Cháo bách hợp hạt ý dĩ:Hạt ý dĩ 50g, bách hợp 6g. Nấu cháo ăn. Thêm đường hoặc mật ong.
Công dụng: Dùng cho người da mọc mụn hạt cơm, tàn hương, trứng cá.
2.8. Cháo hạt ý dĩ tiểu đậu: Hạt ý dĩ 50g, tiểu đậu 50g, hoàng kỳ sao 25-50g, gạo tẻ vừa phải. Nấu cháo ăn tùy thích.
Công dụng: Dùng cho người viêm thận mạn tính, tiểu ít do thấp nhiệt lưu trú bàng quang.
2.9. Cháo phổi lợn, nhân ý dĩ: Phổi lợn 250g, gạo lứt 100g, hạt ý dĩ 50g. Phổi lợn rửa sạch, nước vừa đủ, nấu chín vớt ra, cắt quân cờ rồi cho vào nồi cùng gạo lứt đãi sạch. Ý dĩ, hành, gừng tươi, gia vị vừa đủ, rượu vang vừa đủ, đầu tiên đun to lửa, đun sôi sau nhỏ lửa, gạo chín nhừ là được.
Công dụng: Bổ tỳ phế, giảm ho.
Chủ trị: Dùng cho chứng viêm phế quản mạn tính, lao phổi....
Cách dùng: Ngày 1 bát, chia vài lần, ăn thường xuyên có chuyển biến rõ, không dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp, mỡ máu.
Lưu ý: Ý dĩ là một loại lương thực được độn với cơm. Do giá trị dinh dưỡng cao nên được sử dụng để bồi dưỡng sức khỏe cho người già, trẻ em suy nhược và phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, ý dĩ có dược tính lợi tiểu, tiêu phù thũng tương đối mạnh nên không có lợi đối với thai nghén. Vì vậy không dùng ý dĩ cho phụ nữ mang thai. Mặt khác không dùng lâu dài tránh tổn thương thứ phát.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/9-mon-chao-boi-bo-suc-khoe-tu-y-di-169230421182236929.htm