85% tổ hòa giải của huyện Đông Anh đạt 'Tổ hòa giải 5 tốt'

Năm 2023 là năm tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Tại Hà Nội, theo đánh giá, công tác hòa giải 10 năm đã đi vào nền nếp, bài bản. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư… Trong 10 năm hòa giải thành đạt tỷ lệ 84,45%. Ấn phẩm PL&XH có loạt bài ghi nhận sau 10 năm thực hiện Luật ở địa phương.

Ghi nhận sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại Hà Nội:

UBND huyện Đông Anh trao giấy khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở năm 2023. Ảnh: Việt Quang

Tại huyện Đông Anh, UBND huyện Đông Anh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên. Do đó, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả tích cực, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt cao…

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, 100% cán bộ, công chức, người được giao làm nhiệm vụ về hòa giải đều được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các văn bản mới ban hành, có nội dung liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích của Nhân dân.

Cùng với đó, huyện đã ban hành 60 kế hoạch, 30 văn bản chỉ đạo về công tác hòa giải ở cơ sở, 20 chương trình, 10 kết luận trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở một cách thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm.

Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã có 195 tổ hòa giải được thành lập với 1.500 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải thành 2.562/2.965 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt 86%. Chất lượng hòa giải ở cơ sở năm sau tăng cao hơn năm trước. Mô hình “tổ hòa giải 5 tốt” và các mô hình hoạt động hòa giải có hiệu quả ở địa phương, trên toàn địa bàn huyện đã có 164/195 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” đạt 85%.

Thông qua việc phát hiện và giải quyết kịp thời, tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong Nhân dân, việc hòa giải ở cơ sở đã giúp giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng; phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở, góp phần ổn định trật tự xã hội, giảm bớt tình trạng gửi đơn thư, khiếu kiện lên các cơ quan hành chính Nhà nước; tiết kiệm thời gian; góp phần hình thành ý thức thượng tôn pháp luật cho người dân.

Hoạt động quản lý Nhà nước về công tác hòa giải được quan tâm đẩy mạnh, toàn huyện có 1 đồng chí Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện, 24 công chức Tư pháp – Hộ tịch được giao nhiệm vụ về phụ trách công tác hòa giải ở cơ sở, 195 Tổ trưởng tổ hòa giải, 1.500 hòa giải viên trên địa bàn huyện đều được tham gia các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải do TP, huyện, xã, thị trấn tổ chức;

UBND huyện chủ động phối hợp với các cấp, ngành, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật các quy định của pháp luật nói chung, công tác hòa giải nói riêng, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải, góp phần vận động Nhân dân áp dụng giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp bằng nhiều hình thức phù hợp thông qua các buổi hòa giải ở cơ sở.

Việc tuyên truyền, phổ biến thông qua nhiều hình thức khác nhau, 10 năm qua, huyện đã phát sóng hơn 90.000 tin bài, phóng sự trên truyền thanh huyện và xã về công tác hòa giải, các hoạt động hòa giải, các tấm gương điển hình về công tác hòa giải, 85 % dân số trên địa bàn huyện hàng năm đều được tham dự hội nghị tuyên truyền pháp luật, và tiếp cận thông tin pháp luật.

Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND huyện đã tổ chức thành công cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn. Thông qua việc tổ chức cuộc thi đã tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải, đồng thời để mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, những kết quả của huyện Đông Anh đã đạt được trong thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở những năm qua đáng được ghi nhận. Thời gian tới, huyện cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên. Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn về nghiệp vụ và pháp lý cho các tổ hòa giải và hòa giải viên gặp vướng mắc khi tiến hành hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích tại cộng đồng dân cư…

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/85-to-hoa-giai-cua-huyen-dong-anh-dat-to-hoa-giai-5-tot-363774.html