70 Bộ, ban, ngành đã góp ý xây dựng Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi)

'Đến nay, cơ bản Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã hoàn tất và đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV', Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin tại phiên họp Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) vừa diễn ra.

Đây là phiên họp lần cuối cùng của Ban soạn thảo dự án sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012, trước khi Chính phủ trình dự thảo tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa 14 (sẽ diễn ra từ ngày 20-5 đến ngày 17-6-2019).

“Sửa Luật Lao động sẽ tác động tới hàng chục triệu lao động”

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Bộ luật Lao động là một bộ luật khổng lồ, có vai trò to lớn và tác động trực tiếp đến hàng chục triệu lao động.

Lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này gần như toàn diện (với 221 Điều, giảm 21 Điều so với Bộ Luật hiện hành) với nhiều nội dung mới, nhạy cảm chưa có trong tiền lệ. Do đó quy trình soạn thảo Dự án sửa đổi Luật đã được thực hiện kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến đa chiều trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người lao động, phù hợp với pháp luật quốc tế trong thời kỳ hội nhập”.

Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH đã lấy ý kiến góp ý của các cơ quan Trung ương. Dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) cũng đã được đăng trên Cổng thông tin Chính phủ để tiếp nhận ý kiến của nhân dân, tiếp thu sự phản hồi từ báo giới.

Tới nay, dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 đã nhận được sự góp ý của 70 cơ quan Trung ương, Bộ, ngành. Chính phủ đã cho ý kiến 2 lần về dự thảo luật sửa đổi và dự thảo Tờ trình. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm định sơ bộ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến tại phiên họp thứ 34 (tháng 5-2019).

Theo đó có nhiều góp ý xác đáng về các vấn đề như tăng tuổi nghỉ hưu, bình đẳng giới, khung giờ làm thêm, thống nhất giờ làm việc, bổ sung ngày nghỉ lễ… đã được ghi nhận.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Sửa Luật Lao động sẽ tác động tới hàng chục triệu lao động”. Ảnh: Mạnh Dũng

Đề xuất lựa chọn lộ trình điều chỉnh tăng chậm tuổi nghỉ hưu

Tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo, đại diện các Bộ, ngành liên quan đã tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và dự thảo tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Theo đó lộ trình điều chỉnh việc tăng tuổi nghỉ hưu tiếp tục nhận được sự quan tâm thảo luận của các đại biểu.

Ông Trần Đình Liệu - Phó TGĐ BHXH Việt Nam cho hay, tuổi nghỉ hưu của nam giới hiện là 58,3 và nữ là 54,2. Trung bình là 56,3. Như vậy, phương án điều chỉnh tăng tuổi hưu từ năm 2021 theo lộ trình tăng chậm, mỗi năm thêm từ 3-4 tháng cho tới khi tuổi hưu của lao động nam đạt 62 và lao động nữ đạt 60 tuổi là khả thi.

Đồng tình, tuy nhiên theo Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cần lưu ý thêm đến đối tượng làm việc trực tiếp trong môi trường nặng nhọc, độc hại, không thể làm việc được tới 60 hoặc 62 tuổi. “Ngay cả việc giảm tuổi hưu 5 năm cho những đối tượng đặc biệt cũng cần xem lại. Đơn cử như nhiều lao động ngành than chỉ hơn 40 tuổi đã sức yếu, mắt kém. Nguy cơ làm việc liên tục có thể gây nên tai nạn lao động…” - ông Ngọ Duy Hiểu góp ý.

Thông tin về nội dung này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Tổ trưởng tổ soạn thảo Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cho biết: “Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam 62, nữ 60 quy định trong Dự thảo Luật là đối với lao động bình thường, làm việc trong điều kiện bình thường. Còn đối với các lĩnh vực lao động đặc thù khác sẽ do Chính phủ quy định”.

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng lên 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. “Với lộ trình tăng tuổi như vậy thì phải đến năm 2036, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ mới là 60 tuổi; đến năm 2029 tuổi nghỉ hưu của lao động nam mới là 62 tuổi”.

Theo kế hoạch, dự thảo sửa đổi Luật Lao động sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019) và các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019). Cùng với việc xây dựng Bộ Luật lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo cũng song song xây dựng dự thảo 14 Nghị định hướng dẫn thi hành để ngay sau khi Bộ Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, Luật có thể đi ngay vào cuộc sống.

Thanh Hải – M.Quang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/70-bo-ban-nganh-da-gop-y-xay-dung-bo-luat-lao-dong-2012-sua-doi-148534.html