7 năm nữa, xe máy sẽ bị dừng hoạt động ở các quận nội thành
UBND TP Hà Nội vừa có Đề án 'Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội'. Theo đó, Hà Nội sẽ phân vùng, hạn chế hoạt động xe máy, tiến tới sẽ dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030.
Thành phố Hà Nội đặt ra các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, về thương mại, Hà Nội sẽ phát triển hệ thống chợ dân sinh, chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại; 100% chợ trong khu đô thị sẽ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm; xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản TP Hà Nội…
Đối với việc phát triển thương mại – dịch vụ, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ giáo dục đào tạo chất lượng cao; dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe cho người trong nước và người nước ngoài…; dịch vụ khoa học công nghệ; dịch vụ kinh doanh bất động sản; dịch vụ đô thị…
Thành phố cũng sẽ phát triển các mô hình kinh tế mới như: kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế du lịch, kinh tế thể thao, kinh tế vỉa hè…
Về cải tạo, chỉnh trang đô thị, Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các quận tham mưu triển khai công tác cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường, đảm bảo không giữ gìn không gian, kiến trúc đặc trưng của đô thị với phương chân đi từ trung tâm ra bên ngoài và liên hoàn, đồng bộ…theo hướng đô thị được chỉnh trang, hoàn thiện để cả khu vực nội đô lịch sử đều đẹp (bao gồm đường phố, nhà, cửa hàng, chợ dân sinh, hệ thống giao thông, sông hồ, khu tập kết chất thải…) và "xanh hóa" những công trình phù hợp như đường, chợ, công viên…
Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội đưa ra nhiệm vụ chú trọng phát triển nhà ở xã hội; đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng chung cư cũ…
Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ thực hiện đầu tư, cải tạo cảnh quan các hồ, công viên đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh, hình thành các không gian đi bộ, sinh hoạt văn hóa kết hợp thương mại, dịch vụ.
Tổ chức, cải tạo các dòng sông, trả lại giá trị lịch sử và văn hóa của các sông Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Kim Ngưu…; khai thác các dòng sông đa mục đích như bảo tồn lịch sử, văn hóa; điều hòa khí hậu; phát triển dịch vụ; thoát nước...
Theo Đề án, Sở GTVT chủ trì, phối hợp Công an thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030", trong giai đoạn 2023 – 2025.
Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" cũng được giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 – 2025.
Kèm theo Đề án, TP Hà Nội cũng đưa ra danh mục các chương trình/dự án/đề án/nhiệm vụ và giao đến các Sở, ngành thực hiện đến năm 2025.
Đơn cử như giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan từ nay đến hết 2025 xây dựng Đề án "Phát triển thị trường bất động sản Hà Nội đến năm 2030".
Từ 2023 -2025, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án "Phát triển logistic điện tử phục vụ hoạt động thương mại điện tử"; "triển khai các mô hình chợ phiên, chợ chuyên đề, chợ ngoài trời, chợ đêm, chợ cuối tuần kết hợp dã ngoại, du lịch, mô hình outlet và các tuyến phố không gian..."; "triển khai chuỗi cửa hàng tự động - không người bán tại khu vực đô thị"...