6 năm tới sẽ là thời đại của khí đốt tự nhiên
Trong 6 năm tới, khí đốt tự nhiên dự kiến tăng 6% nhờ chính sách năng lượng mới, đánh dấu bước ngoặt lớn trong bối cảnh nhu cầu điện toàn cầu bùng nổ.
Hồi đầu năm, công ty phân tích năng lượng Wood Mackenzie dự báo rằng nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể gặp rủi ro lớn. Đồng thời, lượng phát thải carbon toàn cầu có thể tăng thêm 1 tỷ tấn vào năm 2050, và nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch có thể chậm đạt đỉnh thêm 10 năm so với các dự báo hiện tại.
Dự báo này không gây bất ngờ, bởi Wood Mackenzie cho rằng ngành năng lượng hóa thạch sẽ được hưởng lợi từ chính sách của ông Trump. Các nhà phân tích nhận định việc giảm đầu tư vào năng lượng carbon thấp có thể thúc đẩy nhu cầu khí tự nhiên tăng thêm 6%, tương đương 6 tỷ feet khối/ngày vào năm 2030.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia hàng hóa tại Standard Chartered. Ngân hàng này cho rằng việc ông Scott Bessent gần đây được đề cử làm Bộ trưởng Tài chính có thể là tín hiệu cho những chính sách ưu tiên năng lượng.
Trong một hội thảo hồi tháng 6, ông Bessent từng đề xuất ba mục tiêu quan trọng cho nền kinh tế Hoa Kỳ: tăng trưởng kinh tế 3%, giảm thâm hụt ngân sách tương đương 3% GDP trong nhiệm kỳ, và tăng sản lượng năng lượng thêm 3 triệu thùng dầu quy đổi/ngày.
Dẫu vậy, Standard Chartered nhấn mạnh rằng mục tiêu này không chỉ tập trung vào dầu thô mà bao gồm cả khí tự nhiên và các dạng năng lượng khác. Các nhà phân tích ước tính rằng, với mức sản lượng hiện tại khoảng 40,7 triệu thùng dầu quy đổi/ngày, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này trong vòng 25 tháng nếu duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng như hiện nay.
Một phần lớn trong tăng trưởng năng lượng kể từ năm 2015 đến nay đến từ khí tự nhiên (41%) và khí hóa lỏng (28%), trong khi dầu thô chỉ chiếm 28%. Điều này càng khẳng định rằng khí tự nhiên sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các mục tiêu năng lượng mới, khi việc tăng sản lượng dầu thô ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Chu kỳ tăng trưởng mới của khí tự nhiên Hoa Kỳ
Tuần trước, Morgan Stanley cũng dự báo rằng thị trường khí tự nhiên Hoa Kỳ sắp bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới nhờ sự bùng nổ của xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nhu cầu điện tăng mạnh. Trong vài năm gần đây, nhiều chuyên gia nhận định rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư sẽ thúc đẩy nhu cầu điện toàn cầu tăng vượt bậc.
Một báo cáo từ công ty tư vấn Grid Strategies năm ngoái cho thấy các nhà hoạch định lưới điện Hoa Kỳ đã tăng gần gấp đôi dự báo tăng trưởng nhu cầu điện trong 5 năm tới. Theo đó, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, nhu cầu điện tại Hoa Kỳ dự kiến tăng tới 15% trong thập kỷ tới, nhờ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất năng lượng sạch và tiền điện tử.
OPEC+ và tác động đến thị trường dầu mỏ
Trong khi đó, Standard Chartered nhận định rằng các quyết định của OPEC+ sẽ là yếu tố then chốt định hình giá dầu trong ngắn và trung hạn. Ngân hàng này cho biết nhiều lo ngại trên thị trường dầu mỏ gần đây xuất phát từ hiểu lầm về cơ chế giảm dần cắt giảm sản lượng tự nguyện của 8 quốc gia thành viên OPEC+.
Các chuyên gia giải thích rằng việc tăng sản lượng trở lại sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thị trường chứ không diễn ra một cách tự động. Trong thông cáo báo chí ngày 3/11, OPEC tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng thêm một tháng, đến đầu năm 2025.
Standard Chartered đánh giá rằng quyết định này không hẳn là do thị trường không thể hấp thụ lượng dầu bổ sung, mà thể hiện sự thận trọng trước các dự báo cân đối dầu mỏ năm 2025 vốn rất bi quan.
Điều này củng cố quan điểm rằng tốc độ tăng sản lượng của OPEC+ sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường thay vì diễn ra theo lịch trình cố định, giúp giảm bớt những lo ngại của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh này, khí tự nhiên được xem là nhân tố trọng tâm cho sự tăng trưởng năng lượng của Hoa Kỳ và thế giới trong những năm tới.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/6-nam-toi-se-la-thoi-dai-cua-khi-dot-tu-nhien-post323957.html