6 câu hỏi thường gặp về hội chứng sau bại liệt

Hội chứng sau bại liệt là một bệnh lý của hệ thần kinh có khả năng gây teo yếu cơ và dây thần kinh đối với những bệnh nhân sau khi mắc bại liệt từ 15 đến 50 năm.

NỘI DUNG

1. Hội chứng sau bại liệt có nguy hiểm không?

2. Hội chứng sau bại liệt có chữa khỏi được không?

3. Cách chăm sóc bệnh nhân mắc hội chứng sau bại liệt

4. Đông y có điều trị được hội chứng sau bại liệt không?

5. Các dấu hiệu nguy hiểm cần gặp bác sĩ ngay

6. Nơi khám chữa hội chứng sau bại liệt

Hội chứng sau bại liệt (PPS) được đặc trưng bởi sự tái phát hoặc nặng hơn của các triệu chứng bệnh thần kinh vận động hàng thập kỷ sau khi phục hồi sau nhiễm virus bại liệt cấp tính, tức là bệnh viêm tủy sống.

PPS ảnh hưởng đến 25-40% số người sống sót sau bệnh viêm tủy sống và bắt chước các bệnh thần kinh vận động (MND), chẳng hạn như bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), do suy giảm chọn lọc, thoái hóa hoặc chết các tế bào thần kinh vận động ở thân não và tủy sống.

1. Hội chứng sau bại liệt có nguy hiểm không?

Hội chứng sau bại liệt là bệnh lý của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến cơ bắp và dây thần kinh khiến cho người bệnh yếu cơ, mệt mỏi và đau cơ hoặc đau khớp.

Hội chứng sau bại liệt hiếm khi đe dọa đến tính mạng nhưng các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh và dẫn đến nguy cơ, biến chứng như:

Tai nạn: Vì cơ và khớp sẽ bị yếu dần đi nên người bệnh rất dễ mắc các tai nạn như bị ngã hay thậm chí ngã đến mức gãy xương.
Dễ mệt mỏi, mất sức.
Đau cơ, khớp thường xuyên.
Suy dinh dưỡng, mất nước
Viêm phổi, suy hô hấp.
Loãng xương.
Rối loạn giấc ngủ.

Hội chứng sau bại liệt là một tình trạng mà một số người bị bại liệt khi còn trẻ có thể gặp nhiều năm sau đó.

Hội chứng sau bại liệt là một tình trạng mà một số người bị bại liệt khi còn trẻ có thể gặp nhiều năm sau đó.

2. Hội chứng sau bại liệt có chữa khỏi được không?

Không có cách chữa khỏi hội chứng sau bại liệt. Các phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng như:

Bài tập không gây mệt mỏi (bài tập không gây đau hoặc mệt mỏi kéo dài hơn 10 phút). Các bài tập này có thể cải thiện sức mạnh cơ bắp và giảm mệt mỏi.
Thiết bị hỗ trợ di chuyển.
Thay đổi lối sống, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và không hút thuốc.

3. Cách chăm sóc bệnh nhân mắc hội chứng sau bại liệt

Các biện pháp giúp người bệnh tự chăm sóc bản thân khi mắc hội chứng sau bại liệt như:

Hạn chế vận động quá sức.
Giữ ấm cơ thể vì khi bị lạnh có thể làm cơ bắp bị yếu và đau.
Tránh té ngã bằng cách lắp đặt các dụng cụ hỗ trợ đi lại trong nhà, không để sàn nhà bị ướt gây trơn trượt, không để đồ vật bừa bộn choáng chỗ đi lại.
Thực hiện lối sống lành mạnh bằng cách xây dựng thực đơn dinh dưỡng, không hút thuốc lá, hạn chế dùng caffeine, tập thể dục nhẹ nhàng.
Bảo vệ phổi và đường hô hấp bằng cách ngưng hút thuốc lá, uống rượu bia, tiêm phòng vaccine cúm và viêm phổi.

4. Đông y có điều trị được hội chứng sau bại liệt không?

Với sự tiến bộ của y học ngày nay, nhiều phương pháp Tây y và Đông y có thể hỗ trợ điều trị và phục hồi tổn thương do bệnh lý này gây ra. Y học cổ truyền có thể đóng vai trò hỗ trợ và cải thiện triệu chứng cho người mắc hội chứng sau bại liệt nhưng không được coi là phương pháp điều trị triệt để cho tình trạng này.

Các phương pháp điều trị của y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt có thể giúp giảm đau nhức cơ xương khớp, một triệu chứng phổ biến của PPS. Một số bài thuốc Đông y từ thảo dược có thể giúp tăng cường lưu thông máu, giảm cảm giác tê bì, lạnh ở các chi.

Kết hợp các bài tập vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, giúp duy trì và cải thiện một phần sức mạnh cơ bắp còn lại. Các bài thuốc bổ khí, dưỡng huyết có thể giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi, suy nhược thường gặp ở người mắc PPS.

Kết hợp các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt giúp giảm các triệu chứng của hội chứng sau bại liệt.

Kết hợp các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt giúp giảm các triệu chứng của hội chứng sau bại liệt.

5. Các dấu hiệu nguy hiểm cần gặp bác sĩ ngay

Trong hầu hết trường hợp, hội chứng sau bệnh bại liệt có xu hướng tiến triển từ từ, có dấu hiệu mới và các triệu chứng tiếp theo thời kỳ ổn định. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị kịp thời nếu có các dấu hiệu sau đây:

Tình trạng cơ và khớp bị yếu và đau xuất hiện và nặng dần lên.
Dễ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức dù hoạt động nhẹ.
Cơ bắp bị teo và mất dần đi.
Khó thở, khó nuốt thức ăn.

6. Nơi khám chữa hội chứng sau bại liệt

Người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám kịp thời. Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp:

- TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương...

- Hà Nội: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương...

BSCKI. Nguyễn Văn Hồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-cau-hoi-thuong-gap-ve-hoi-chung-sau-bai-liet-169250419174912078.htm