50 năm một bầu trời thống nhất (Kỳ 2)

Tháng 7/1975, Lê Toàn Thắng chào đời. Tên anh được ông nội đặt trong niềm vui chiến thắng kéo dài suốt năm 1975, 'Bác Hồ ơi toàn thắng đã về ta'.

 Phi công máy bay SU-30MK2 tập luyện tại sân bay Biên Hòa.

Phi công máy bay SU-30MK2 tập luyện tại sân bay Biên Hòa.

Đúng 50 năm sau, Đại tá Lê Toàn Thắng, hiện là Chủ nhiệm An toàn bay Trung đoàn Không quân 917 (Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không - Không quân), có mặt trong đội hình phi công tham gia bay diễu hành trong nhiệm vụ đặc biệt A50 - Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Cánh bay tiếp nối

Đại tá Lê Toàn Thắng, Chủ nhiệm An toàn Bay Trung đoàn Không quân 917, là một minh chứng sống động cho truyền thống bảo vệ bầu trời, bảo vệ ngày toàn thắng - một sợi dây nối dài qua ba thế hệ. Ông nội anh là một người lính đi qua hai cuộc kháng chiến. Thời điểm anh còn nằm trong bụng mẹ, năm 1975, bố anh là lính phòng không đang làm nhiệm vụ ở Thanh Hóa. Mãi tới khi anh hơn một tháng, cũng là ba tháng sau ngày giải phóng miền nam, bố anh mới được nghỉ phép về gặp vợ con. Cũng bởi tinh thần ấy mà khi học lớp 12, anh Thắng đã quyết sẽ theo đuổi bầu trời. “Lúc mà biết tin là mình được tham gia nhiệm vụ A50 này mình cảm thấy rất tự hào, bởi vì đó sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên trong đời quân ngũ”.

Truyền thống gia đình cũng hiện diện rõ nét trong câu chuyện của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh, phi công Trung đoàn Không quân 935 (Sư đoàn 370), một người con của Hải Dương, lớn lên ở Nha Trang (Khánh Hòa), với ước mơ dang dở của bố. Sinh năm 1992, Khánh mang trong mình khát vọng mà bố anh từng ấp ủ nhưng không thể thực hiện. “Bố tôi từng học khóa bay ở Gia Lâm nhưng không bay chính thức được, sau đó ông ra quân vào nam lập nghiệp”, anh kể. Từ nhỏ anh đã mê mẩn những chiếc máy bay khi ngước nhìn chúng bay qua bầu trời Nha Trang - nơi gia đình anh định cư từ năm 1995. “Nhà tôi ở Nha Trang, ngay dưới khu vực bay của Trường Sĩ quan Không quân. Hằng ngày tôi ngước nhìn máy bay biểu diễn, thấy thích thú và dần hình thành đam mê”, Khánh nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ bên tiếng động cơ gầm rú trên cao. Hiện Khánh đã có hơn 670 giờ bay, đang là phi công cấp 2. Cậu con trai của Khánh sinh năm 2019, mỗi lần thăm bố cũng tỏ ra mê bầu trời: “Tôi không chắc đó là đam mê thật hay chỉ là thích nhất thời nhưng thấy con hào hứng tôi cũng vui”. Bầu trời vừa là nơi Khánh thực hiện ước mơ của chính mình, vừa là nơi anh gửi gắm mong ước vào thế hệ sau như cách bố anh từng truyền cảm hứng cho anh. Ngày nhận giấy báo nhập học Trường Sĩ quan Không quân, Khánh vui đến mức không ngủ được, cảm giác như ước mơ của bố giờ đã nằm trong tay mình. Những ngày này, Khánh vẫn đang miệt mài trên sân tập, chuẩn bị cho cuộc diễu binh lịch sử của nhiệm vụ A50. Vợ Khánh, Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Bùi Thị Lan Chăm (nhân viên tuyên huấn, Ban Chính trị, Trung đoàn 935) cũng đang tham gia tập luyện trong đội Nữ Quân nhạc chuẩn bị tham gia lễ diễu binh ngày 30/4 tới. “Từ sau Tết đến giờ vợ chồng không gặp nhau, phải nhờ bà ngoại trông cu con. Nhưng cả hai động viên nhau cố gắng. Đây là vinh dự 50 năm mới có một lần”, Khánh nói.

Thượng úy Hoàng Quốc Đạt, phi công Trung đoàn 940 (Trường Sĩ quan Không quân), lại là một câu chuyện khác - câu chuyện của sự tiếp nối từ trong mất mát. Bố anh, Thượng tá, phi công Hoàng Quốc Việt, là thầy giáo dạy bay của Trường Sĩ quan Không quân. Từ nhỏ anh đã theo bố vào đơn vị chơi, ngắm nhìn những chiếc máy bay lên xuống. Năm 2004, khi Đạt mới 7 tuổi, Thượng tá Hoàng Quốc Việt hy sinh trong một tai nạn khi làm nhiệm vụ. “Mất bố, tôi càng quyết tâm muốn tiếp nối con đường của ông”, Đạt nói. Ngày anh bay chuyến đầu tiên trên chiếc máy bay huấn luyện, anh nghĩ đến bố: “Lúc cất cánh, nhìn cả thành phố phía dưới, tôi nghĩ đến bố, cảm giác này chắc giống những gì bố từng trải qua”. Với Đạt, bầu trời không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi anh cảm nhận sự hiện diện của bố qua từng độ cao, từng vòng lượn. Vợ của Đạt cũng là con một liệt sĩ phi công.

 Phi công sau giờ tập luyện chuẩn bị bay diễu hành ngày 30/4/2025.

Phi công sau giờ tập luyện chuẩn bị bay diễu hành ngày 30/4/2025.

Những cảm xúc nối dài

Đất nước đã hòa bình nửa thế kỷ. Nhưng trên bầu trời Việt Nam hôm nay, những chiếc máy bay vẫn gầm vang, mang theo cả tinh thần bất khuất của các thế hệ mở đường trong khói lửa chiến tranh và ý chí tiếp bước của những thế hệ thời bình.

Thượng tá Hoàng Hải, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 940, nói anh đánh giá cao khả năng của các phi công trẻ ở đơn vị mình khi họ làm chủ Yak-130 - một loại máy bay hiện đại với thiết bị điện tử tiên tiến. Với anh, sự tiếp nối vừa nằm ở kỹ năng bay, vừa ở tinh thần trách nhiệm và ý chí vươn lên: “Đến nay những phi công được giao nhiệm vụ bay diễu hành ngày 30/4 tới đều đang rất nỗ lực, thể hiện năng lực và quyết tâm cao”.

Thượng tá Nguyễn Trường Toán, Chính ủy Trung đoàn không quân 917, đơn vị có phi đội trực thăng diễu hành ngày 30/4 tới, cũng chia sẻ về sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Anh đã nghiên cứu kỹ các hành trình bay của thế hệ cha anh năm 1975, như chuyến bay diễu hành ngày 15/5/1975 của Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa từ Sân bay Biên Hòa ra Dinh Độc Lập, đồng thời cũng đã tham gia các chuyến bay khảo sát cho nhiệm vụ A50. Từ những kinh nghiệm của các phi công đi trước, các đơn vị đã xây dựng phương án bay tối ưu cho đội hình gồm cả máy bay Su-30MK2, Yak-130 và trực thăng, bảo đảm an toàn và chính xác khi bay biểu diễn trong không gian hẹp của trung tâm thành phố. Với Thượng tá Toán, mỗi chuyến bay hôm nay là cách để thế hệ trẻ tri ân và tiếp bước những người đã hy sinh và cống hiến cho bầu trời thống nhất: “So với các nhiệm vụ trước, lần bay này mang nhiều cảm xúc đặc biệt hơn hẳn”.

Đại tá Nguyễn Thế Dũng, phi công cấp 1, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Không quân 371, người dự kiến dẫn đầu đội bay biểu diễn Su-30MK2 trong lễ kỷ niệm 30/4/2025, chia sẻ với niềm tự hào lớn lao: “Bản thân tôi cảm thấy rất vui, rất vinh dự khi tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Đây cũng là dịp để nhân dân cả nước nói chung cũng như bà con nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hiểu thêm rằng, quân đội Việt Nam luôn sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho”. Với anh, ngoài nhiệm vụ quân đội giao phó, đây cũng là cách để thế hệ hôm nay khẳng định rằng, bầu trời thống nhất vẫn luôn được gìn giữ bởi những đôi cánh thép đầy tự hào và trách nhiệm.

Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa nói rằng, nhiều năm sau này, cả khi không còn trực tiếp bay, mà bay ở máy bay dân dụng, nhưng ông vẫn không quên được địa tiêu những nơi từng bay qua. Từ trên cao, người phi công trải qua bao khói lửa chiến tranh, cảm thấy rõ rệt những thay đổi: “Khi bay qua bầu trời Việt Nam ngày nay tôi thấy đất nước phát triển vượt bậc”. Những ngày này, bầu trời từ Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) đến TP Hồ Chí Minh vẫn vang vọng tiếng gầm của những con én bạc. Đó không chỉ là âm thanh của sức mạnh quân sự, mà còn là nhịp đập của truyền thống, của những câu chuyện gia đình và cá nhân đan xen qua bao thế hệ. Đại tá Lê Toàn Thắng, Đại tá Nguyễn Thế Dũng, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh, Thượng úy Hoàng Quốc Đạt - mỗi người một hành trình, nhưng đều chung một khát vọng: Tiếp nối cha ông, bảo vệ bầu trời hòa bình.

Những chuyến bay diễu binh trong nhiệm vụ A50 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cũng là lời khẳng định rằng, tinh thần “toàn thắng” năm nào vẫn sống mãi trong từng chuyến bay hôm nay. Bầu trời là nơi những người lính thực hiện nhiệm vụ, cũng là sợi dây kết nối quá khứ với tương lai, nơi những ước mơ của cha ông được gửi gắm và những hy vọng của thế hệ sau được chắp cánh.

(Còn nữa)

Theo HỒNG VIỆT (NDO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/50-nam-mot-bau-troi-thong-nhat-ky-2-post319565.html