5 nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em năm 2025
Năm 2025, ngành y tế sẽ cập nhật và xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản; đẩy mạnh các chương trình sàng lọc ung thư đường sinh sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ...
Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã vượt mức chỉ tiêu được giao
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế vừa tổ chức tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/Sức khỏe sinh sản năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, năm 2024, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản tiếp tục duy trì ổn định và phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19, sự tiếp cận của người dân tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở tất cả các vùng, miền, các nhóm đối tượng tiếp tục được cải thiện, chất lượng dịch vụ đã không ngừng được nâng cao.
Các số liệu thống kê cho thấy tử vong mẹ, tử vong trẻ em tiếp tục giảm; các chỉ tiêu cơ bản phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản đều được cải thiện đáng kể.
Tỷ suất tử vong trẻ em Việt Nam giảm khá ổn định. Trong vòng hơn 20 năm (từ 2001 đến 2023), tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,2‰) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm gần 2,5 lần (từ 29,5‰ xuống còn 11,6‰)1. Các số liệu thống kê sức khỏe sinh sản hàng năm cũng như kết quả một số nghiên cứu cho thấy tử vong sơ sinh vẫn chiếm tới khoảng 80% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 60% tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.
Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ suất tủ vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi ở nông thôn còn cao hơn gấp đôi so với thành thị; các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp gần 3 lần so với vùng Đông Nam bộ và gấp đôi so với vùng Đồng bằng sông Hồng.
Suy dinh dưỡng trẻ em vẫn tiếp tục giảm đều và bền vững. Đến năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 9,7% (thể nhẹ cân) và 18,2% (thể thấp còi)3. Tuy nhiên SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, cá biệt có tỉnh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi vẫn cao trên 30%. Đây tiếp tục là thách thức không nhỏ cho các tỉnh miền núi, khó khăn trong thời gian tới.
Bên cạnh các thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vẫn còn có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng về các chỉ số sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em; Đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực chưa đồng đều giữa các địa phương, khu vực dẫn đến chất lượng dịch vụ, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được cải thiện như mong muốn; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số để phục vụ công tác quản lý sức khỏe của người dân còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, năm 2024, mạng lưới Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/sức khỏe sinh sản trên toàn quốc đã nỗ lực không ngừng, phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế chung để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ và Bộ Y tế giao phó. Những kết quả này không chỉ góp phần ổn định và phát triển ngành y tế mà còn đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của đất nước.
Mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản tiếp tục được củng cố và phát triển, công tác quản lý, điều hành ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính toàn diện.
GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, bên cạnh những thành tựu như đã nêu trên, trong tình hình mới, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản đặt ra các vấn đề mới, các thách thức lớn như trong 5 năm qua, tỷ suất tử vong mẹ giảm chậm, dao động 44-45/100.000 trẻ đẻ sống, với sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, đặc biệt ở dân tộc thiểu số cao gấp 6-8 lần người Kinh.
Suy dinh dưỡng trẻ em cải thiện nhưng tỷ lệ thấp còi vẫn cao ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong khi thừa cân, béo phì gia tăng ở đô thị. Mục tiêu giảm thấp còi dưới 15% vào năm 2030 theo Nghị quyết 42 là thách thức lớn. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh không lây nhiễm như ung thư vú, cổ tử cung, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ đang gia tăng.
Nguồn nhân lực sản, nhi thiếu hụt, hạn chế chuyên môn, nhất là ở y tế cơ sở vùng sâu, xa; ngân sách đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Chuyển đổi số và hoàn thiện hệ thống thông tin trong lĩnh vực này đòi hỏi nỗ lực lớn và sự phối hợp từ trung ương đến địa phương.
5 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em
GS.TS Trần Văn Thuấn nhận định, năm 2025 dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do biến động kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, nguy cơ dịch bệnh mới nổi, cùng nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản. Thứ trưởng yêu cầu toàn mạng lưới y tế thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, rà soát, cập nhật và xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản, đảm bảo tuân thủ quy định mới của pháp luật như là Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược; Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các chương trình quốc gia như dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, giảm tử vong mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng ở vùng khó khăn và dân tộc thiểu số.
Hai là, tăng cường đào tạo cán bộ sản, nhi các cấp; cải thiện chất lượng dịch vụ kỹ thuật y tế; duy trì và hỗ trợ vai trò cô đỡ thôn bản tại vùng khó khăn; Nâng cao trách nhiệm của các bệnh viện chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát các cơ sở y tế địa phương; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo tuân thủ các quy trình chuyên môn, giảm sai sót, hạn chế khiếu nại và duy trì giám sát nội bộ nghiêm túc.
Ba là, đẩy mạnh các chương trình sàng lọc ung thư đường sinh sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, công nhân lao động theo các đề án đã duyệt; Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông hiệu quả, thu hút sự tham gia của cộng đồng và Kết hợp hiệu quả các nguồn lực quốc tế và trong nước, tối ưu hóa kinh phí, lồng ghép các chương trình mục tiêu và dự án.
Bốn là, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối hệ thống y tế và chia sẻ dữ liệu, phục vụ quản lý, điều hành và hoạch định chính sách; mở rộng trong toàn quốc đối với Hệ thống thông tin lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em đã thực hiện thí điểm thành công tại 7 tỉnh.
Đặc biệt, đối với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, ngoài các nhiệm vụ chung đã nêu, cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, chủ động xây dựng, hoàn thiện và triển khai các văn bản pháp luật, trước mặt tập trung vào Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và các Thông tư hướng dẫn, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em để triển khai đồng bộ; đồng thời tích cực tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học, phối hợp với bệnh viện đầu ngành và hội nghề nghiệp để ban hành hướng dẫn chuyên môn, chiến lược can thiệp, nhằm giảm bệnh tật, suy dinh dưỡng và tử vong, thu hẹp khoảng cách sức khỏe giữa các vùng miền và nhóm dân tộc.