'4 tại chỗ' và '3 sẵn sàng' ứng phó với bão số 3
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (Yagi), các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và người dân trong tỉnh đã khẩn trương triển khai phương án, sẵn sàng ứng phó với bão số 3 với phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng": Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và sẵn sàng phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Các bản tin về cơn bão số 3, cảnh báo lũ trên các sông, dự báo mưa lớn trên địa bàn tỉnh liên tục được Đài Khí tượng thủy văn cập nhật liên tục đến các ngành, địa phương và người dân để kịp thời nắm bắt thông tin, diễn biến của bão và chủ động ứng phó. Các cơ quan truyền thông, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho nhà ở, công trình xây dựng, vận động các hộ dân tại vùng nguy cơ bị sạt lở di dời đến nơi an toàn. Sở Công thương tổ chức đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra quy trình vận hành hồ đập, xây dựng phương án, chuẩn bị phương tiện, vật tư phòng chống bão lũ tại các Thủy điện sông Lô 2, sông Lô 4 và sông Lô 6. Qua kiểm tra, về cơ bản các nhà máy thủy điện chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, ngành Công thương về quy trình vận hành hồ chứa; các thiết bị vận hành nhà máy, hệ thống cảnh báo xả lũ, nhất là các thiết bị cửa van điều tiết xả lũ hoạt động tốt, các nhà máy thủy điện chủ động thông báo đến chính quyền địa phương và người dân về thời gian điều tiết cửa van xả lũ, hạ mực nước hồ chứa; thực hiện nghiêm túc theo phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa và phương án ứng phó thiên tai.
Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng tỉnh chủ động, khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện, thuốc men, ứng trực 100% quân số, trực 24/24 giờ, sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; vận động nhân dân chủ động di dời tới những vị trí an toàn; chủ động giúp dân khắc phục hậu quả sau bão, ổn định cuộc sống. Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường bộ, hướng dẫn, phân luồng, cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện.
Tại huyện Vị Xuyên, công tác ứng phó với bão số 3 được triển khai khẩn trương. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thanh Tịnh cho biết: "Huyện tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chủ động sửa chữa, chằng néo, gia cố nhà ở, chuẩn bị tốt phương châm "4 tại chỗ" từ cấp xã đến người dân, có phương án và đảm bảo các điều kiện để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 và mưa lũ có thể gây ra; rà soát tất cả các điểm sạt lở tại đợt mưa lũ vừa qua, các điểm nguy cơ bị ngập úng, đặt biển báo khuyến cáo và thông báo cho người dân biết để dảm bảo an toàn; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh, mương, rãnh thoát nước; kiểm tra tất cả các hồ chứa thủy điện trên địa bàn, đề nghị các Công ty thủy điện thực hiện nghiêm quy trình xả lũ đã được phê duyệt; Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện và các xã, thị trấn bố trí lực lượng, phương tiện trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Hiện nay, một số hộ dân vùng nguy cơ bị sạt lở đã chủ động sơ tán đến nới an toàn".
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Nhị Sơn cho biết: "Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thông tin chính xác, kịp thời đường đi của cơn bão đến các cấp, ngành và người dân để chủ động ứng phó; chỉ đạo các địa phương có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có thiên tai xảy ra; rà soát vị trí nguy cơ sạt lở, đặt biển cảnh báo người dân; kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ đập. Đối với sản xuất nông nghiệp, các huyện chỉ đạo bà con nhanh chóng thu hoạch lúa Mùa sớm và các diện tích cây trồng có thể thu hoạch, di chuyển đàn gia súc, gia cầm, các trang trại khu vực có nguy cơ ngập lụt đến nới an toàn khi mưa lớn xảy ra".
Vào hồi 19 giờ ngày 7.9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h. Sức gió vùng gần tâm bão tại Hà Nội mạnh cấp 10, giật cấp 12, tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên ghi nhận gió mạnh từ cấp 7 đến cấp 10, giật cấp 12. Khu vực tỉnh Hà Giang đã có mưa rào và dông rải rác, tại Trạm Khí tượng Hà Giang quan trắc được gió cấp 5. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ tối ngày 7 - 9.9, trên khu vực tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 70 -150mm, cục bộ có nơi trên 200mm; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, lũ, lũ ống, lũ quét trên các sông, suối, sạt lở đất trên sườn dốc, taluy, ven các công trình đang xây dựng. Các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra.