3Đ-3 giải pháp tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp sáng tạo
'Hạt giống đổi mới cần đất nảy mầm' – Nữ Chủ tịch ngành công nghệ đề xuất 3 giải pháp tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp khoa học & công nghệ.
Ngày 12/5/2025, trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã trực tiếp đến thăm và làm việc tại Công ty Hanel PT – một trong những doanh nghiệp công nghệ tư nhân tiêu biểu của Việt Nam. Tại đây, ông đã dành tặng bốn từ sâu sắc: “Khâm phục, ngưỡng mộ, ấn tượng, tự hào” không chỉ là lời động viên mà là sự ghi nhận mạnh mẽ với những nỗ lực bền bỉ và đột phá thầm lặng trong hành trình công nghiệp hóa quốc gia.

Phó Thủ Tướng Nguyễn Chí Dũng cùng đoạn đại biểu trong chuyến thăm công ty Hanel PT
Tâm điểm buổi làm việc là phần phát biểu đầy xúc động và hào khí của bà Trần Thị Thu Trang Chủ tịch Hanel PT và thương hiệu máy sấy lạnh thăng hoa thông minh SASAKI. Với 25 năm dấn thân trong ngành điện tử và công nghệ bà Trang đã thể hiện rõ hình ảnh một chiến binh thời bình dũng cảm, chính trực và không ngừng sáng tạo vì đất nước.

Phó Thủ Tướng Nguyễn Chí Dũng thăm hỏi động viên cán bộ nhân viên công ty Hanel PT
Mô hình 3Đ – ba giải pháp cấp thiết để “cởi nút thắt” cho doanh nghiệp sáng tạo
Tại phiên tọa đàm sau đó diễn ra tại trung tâm văn hóa Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh. Bà Trang thẳng thắn chỉ ra ba nút thắt lớn đang cản trở bước tiến của doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt doanh nghiệp khoa học công nghệ. Bà đề xuất mô hình 3Đ – ba giải pháp cấp thiết để “cởi nút thắt” cho doanh nghiệp sáng tạo:
1. Được trao quyền: cho phép địa phương chủ động xét duyệt, công nhận và hỗ trợ doanh nghiệp khoa học & công nghệ; đánh giá linh hoạt theo tiêu chí sáng chế, sở hữu trí tuệ, giải pháp xanh.
2. Đủ nguồn lực: thiết lập quỹ đổi mới công nghệ với mức tài trợ 30–50% chi phí đầu tư; ưu đãi thuế 5–10 năm; khấu trừ tới 200% chi phí R&D, kể cả chi phí marketing công nghệ tại các hội chợ quốc tế.
3. Đơn giản hóa: cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển sang một cửa số hóa minh bạch; doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, chính sách phải đồng hành với tốc độ đổi mới sáng tạo.
Bài phát biểu của bà Trang không chỉ dừng lại ở chính sách mà chạm tới trái tim người nghe bằng triết lý làm nghề thấm đẫm nhân văn: “Chúng tôi không làm công nghệ để thay thế con người mà để giải phóng con người khỏi những công việc nặng nhọc, lặp lại để người Việt làm những việc sáng tạo hơn, hiệu quả hơn và một đời cùng sống có ý nghĩa hơn”.
Bà cũng khẳng định: doanh nghiệp tư nhân không chỉ là lực lượng tạo ra giá trị kinh tế mà còn là trụ cột kiến tạo nền công nghiệp xanh, công nghệ sạch và bền vững. Một nền công nghiệp mang hồn Việt Nam, trí Việt Nam và đạo đức Việt Nam.

Bà Trần Thị Thu Trang – Chủ tịch Hanel PT và thương hiệu SASAKI chính giữa tại phiên tọa đàm
Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 – hai chính sách chiến lược
Với tinh thần đó, bà Trang đã vô cùng cảm động và từ góc nhìn doanh nghiệp tư nhân công nghệ bà đánh giá cao Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 – hai chính sách chiến lược mở đường cho đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực phát triển quốc gia: “Nếu nghị quyết là mạch nguồn thì tốc độ triển khai, sự cải cách quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương chính là dòng nước mát lành nuôi dưỡng. Và những hạt giống đổi mới ấy chắc chắn sẽ nở hoa giữa mùa xuân”.
Bà Trang cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, những người đã không ngừng lắng nghe, hành động, cải cách và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nhân nước Việt. “Tôi tin tưởng tuyệt đối vào tinh thần hành động vì quốc gia và tôi tin rằng chúng ta đang đứng trước một vận hội lớn của dân tộc”.
Bà đặc biệt ghi nhận gửi lời biết ơn tới lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, một điểm sáng trong bản đồ công nghiệp công nghệ Việt Nam, nơi đang cho thấy tốc độ hành động, tinh thần đồng hành và quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp: “Tôi tin Bắc Ninh sẽ trở thành hình mẫu về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nơi hạt giống đổi mới được ươm trồng bằng niềm tin, bằng cơ chế và bằng lòng yêu nước sâu sắc”.
Bà Trang khẳng định: “Tôi tin doanh nghiệp Việt có thể chạm tới chuẩn mực toàn cầu bằng trí tuệ, đạo đức, lòng yêu nước và tình người. Chúng tôi không mong được ưu ái chỉ mong được tin tưởng, được đồng hành và được trao cơ chế để dám đi xa”.
Nữ Chủ tịch ngành công nghệ khẳng định: “Làm doanh nghiệp lúc này không chỉ là làm kinh tế mà còn là tham gia vào hành trình tái định nghĩa tương lai đất nước”. Bằng tâm thế của một người phụng sự, bằng tinh thần không ngừng kiến tạo bà Trần Thị Thu Trang – nữ doanh nhân bông hồng vàng của ngành công nghệ Việt đã không chỉ đại diện cho một doanh nghiệp mà cho một thế hệ doanh nhân mới: Dám nghĩ – Dám làm – Dám chịu trách nhiệm vì tương lai Việt Nam hùng cường.