30 triệu dân Việt Nam cần phục hồi chức năng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam năm 2022, có khoảng 30% người dân, tương đương với 30 triệu người cần được phục hồi chức năng, chủ yếu mắc bệnh rối loạn cơ xương khớp, đau lưng, thoái hóa cơ xương khớp...
Đây là những thông tin được đưa ra tại Tọa đàm: “Phục hồi chức năng Liên Bang Nga - xu hướng phát triển mới và các thành tựu”, diễn ra chiều ngày 20/6, tại Hà Nội do Tập đoàn Y tế Việt - Nga tổ chức.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Trần Trọng Hải – Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng cho biết, trên thế giới phục hồi chức năng đã có từ rất lâu nhưng tại Việt Nam mới xuất hiện khoảng 30 năm. Vị trí của phục hồi chức năng ngày càng tăng trong hệ thống y tế, đây là giai đoạn thứ 3 của y học gồm: phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
"Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam năm 2022, có khoảng 30% người dân, tương đương với 30 triệu người cần được phục hồi chức năng, chủ yếu mắc bệnh rối loạn cơ xương khớp, đau lưng, thoái hóa cơ xương khớp… Nếu không được phục hồi chức năng thì người đó sẽ mất đi sức lao động vĩnh viễn, không thể tham gia phát triển đất nước. Chính vì thế phục hồi chức năng sớm là tiêu chí của Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, tập trung vào 2 nhiệm vụ chính: 63 tỉnh/thành phố đều có chuyên khoa phục hồi chức năng và nhân rộng mô hình này xuống y tế cấp xã, hộ gia đình. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến bệnh viện thì vẫn có thể tiếp cận các phương pháp phục hồi chức năng khi ở nhà", PGS.TS Hải nêu.
Nhấn mạnh phục hồi chức năng đóng một vai trò quan trọng, là một trong các trụ cột của hệ thống y tế, TS.Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, đây là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, góp phần phát triển xã hội bền vững.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, trong những năm qua Việt Nam đã có nhiều tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực phục hồi chức năng. Hệ thống chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh, phục hồi chức năng được hoàn thiện; các quy định về chuyên môn kỹ thuật được ban hành và áp dụng hiệu quả; tổ chức hệ thống, mạng lưới phục hồi chức năng ngày càng được củng cố và ngày càng phát triển, làm chủ những kỹ thuật cao.
Đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao hơn; công tác chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh ở các địa phương giúp cho người bệnh, người khuyết tật được chăm sóc ngày một tốt hơn, hòa nhập với cộng đồng và nâng cao sức khỏe toàn dân.
"Chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng ngày càng nâng cao, ngày càng khẳng định hiệu quả rõ rệt trong phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp phục hồi chức năng sớm cho người bệnh, người khuyết tật và nâng cao sức khỏe người dân", TS.Vương Ánh Dương nhận định.
Thông tin về thực trạng nguồn nhân lực ngành phục hồi chức năng, TS.Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, phục hồi chức năng hiện nay so với thế giới thì nguồn nhân lực có tỉ lệ 0,25 nhân viên/người dân. Trong đề án 569 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023 về tăng cường công tác phục hồi chức năng đang đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt 0,5 nhân viên/người dân.
"Tại thời điểm này, nếu nói đến các nhân viên y tế chuyên về phục hồi chức năng như bác sĩ hay kỹ thuật viên phục hồi chức năng thì vẫn còn thiếu hụt. Tuy nhiên các dịch vụ phục hồi chức năng vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho người bệnh. Lý do vì chúng ta có thể bổ sung thêm lực lượng nhân viên y tế khác tham gia vào công tác phục hồi chức năng như điều dưỡng, y sỹ, bác sĩ y học cổ truyền, do vậy chúng ta có thể bù đắp các thiếu hụt về nhân lực", Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nêu.
Nêu giải pháp để chuyên ngành phục hồi chức năng phát triển, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt nam cho rằng, cần tập trung vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nước ta có nhiều trường đại học có bộ môn phục hồi chức năng. Trong 5 - 10 năm tới, lực lượng này sẽ ra đóng góp cho sự phát triển của ngành phục hồi chức năng.
Tọa đàm: “Phục hồi chức năng Liên Bang Nga - xu hướng phát triển mới và các thành tựu” là cơ hội để các chuyên gia cùng trao đổi, tìm hiểu về những thành tựu, xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực phục hồi chức năng tại Liên bang Nga và Việt Nam. Tại tọa đàm, Giáo sư Panteleev Sergey - Chủ tịch hội Phục hồi chức năng Liên ban Nga chia sẻ nhiều về thành tựu phục hồi chức năng của đất nước mình và bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều cơ hội tới Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm, những kỹ thuật mới đến các y, bác sĩ Việt Nam.
Chia sẻ tại tọa đàm, bác sĩ Vasilev Valery Leonidovich, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Nga, Đa khoa Quốc tế Việt – Nga, cho biết nhu cầu phục hồi chức năng đang tại Việt Nam ngày càng gia tăng, bởi số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động và số ca bị thương nặng tăng từ 1,2 đến 2,4 lần. Tỷ lệ người cao tuổi chiếm 12% trong tổng dân số. Bên cạnh đó, khí hậu thời tiết nồm ẩm cũng là yếu tố gây ra bệnh đau nhức xương khớp, thoái hóa cơ xương khớp.
Chuyên gia nhấn mạnh, vận động trị liệu là một trong những phương pháp chủ yếu của phục hồi chức năng, dựa trên nguyên lý rằng cơ thể vận động giúp tái tạo, cải thiện và duy trì trạng thái chức năng của cơ - xương - khớp, hệ tim mạch và các hệ thống khác trong cơ thể. Nếu làm tốt phương pháp vận động trị liệu, 95% người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể phục hồi mà không cần phẫu thuật.