3 không khi ăn mướp

Bạn tuyệt đối không ăn mướp có vị đắng, nấu chưa chín hoặc đã quá già.

Vào mùa hè, các món ăn từ mướp được nhiều người ưa thích vì ngọt mát, thơm dịu. Loại quả này có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng có một số điểm bạn cần lưu ý khi ăn để đảm bảo sức khỏe:

1. Không ăn mướp có vị đắng

Mướp có vị đắng khả năng chứa nhiều cucurbitacin. Đây là một nhóm hợp chất hóa học tự nhiên có vị rất đắng, xuất hiện ở nhiều loài thực vật thuộc họ bầu bí bao gồm mướp, bầu, bí đao, bí đỏ, dưa chuột. Những hợp chất này đóng vai trò bảo vệ cây chống lại côn trùng và động vật ăn lá.

Mướp là thực phẩm phổ biến vào mùa hè. Ảnh: Ban Mai

Mướp là thực phẩm phổ biến vào mùa hè. Ảnh: Ban Mai

Thông thường, các giống mướp tại các trang trại, gia đình đã được chọn lọc để loại bỏ hoặc giảm lượng cucurbitacin. Tuy nhiên, cucurbitacin vẫn có thể xuất hiện trở lại do một số nguyên nhân như thụ phấn chéo với loại mướp dại, hạt giống không đạt chuẩn, môi trường bất lợi (hạn hán, đất nhiễm mặn…).

Theo tạp chí Nghiên cứu Lâm sàng và Chẩn đoán, người ăn phải mướp nhiễm nhiều cucurbitacin có thể xuất hiện triệu chứng như buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng dữ dội, choáng váng, mệt lả. Trường hợp nặng mất nước nghiêm trọng, tụt huyết áp, thậm chí phải nhập viện.

Năm 2018, một vụ ngộ độc tại Ấn Độ do uống nước ép bầu có vị đắng khiến nhiều người phải nhập viện, trong đó có một người tử vong do suy đa tạng.

2. Không ăn mướp sống hoặc chưa chín hẳn

Mướp chưa được nấu chín kỹ có thể chứa các hợp chất gây kích ứng đường tiêu hóa, như saponin hoặc chất ức chế enzyme tiêu hóa. Các chất này thường bị phân hủy khi mướp được nấu chín đúng cách.

Theo Healthline, người ăn phải mướp chưa nấu chín kỹ có thể đau bụng, co thắt dạ dày, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nguy cơ nhiễm khuẩn.

3. Không ăn mướp đã già, xơ

Mướp khi già đi sẽ trở nên xơ, cứng và nhiều hạt. Ăn nhầm loại mướp già có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa mà không mang lại dinh dưỡng gì. Các nguy cơ bao gồm khó tiêu hoặc tắc ruột, nhất là ở trẻ em hoặc người có vấn đề đường ruột; đau bụng, khó chịu; nghẹn nếu nuốt phải hạt cứng; sợi xơ có thể làm tổn thương cổ họng hoặc ruột.

Bởi vậy, người tiêu dùng nên chọn quả mướp nhỏ đến vừa, mềm tay. Khi bổ ra, nếu thấy hạt đã cứng, chuyển màu, ruột khô xơ thì nên bỏ.

Lợi ích của mướp

Mướp không chỉ dễ chế biến mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ vào hàm lượng chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa dồi dào.

Một trong những lợi ích nổi bật của mướp là hỗ trợ tiêu hóa. Mướp chứa nhiều nước và chất xơ hòa tan, giúp cải thiện nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Ngoài ra, mướp còn có tác dụng làm mát cơ thể, rất thích hợp sử dụng trong mùa hè hoặc khí hậu nóng.

Mướp cũng rất phù hợp cho người đang giảm cân vì có lượng calo và chất béo thấp. Bên cạnh đó, loại quả này chứa vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sức khỏe làn da và bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do.

Trong y học cổ truyền, mướp còn được sử dụng như một loại thực phẩm giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, hỗ trợ đào thải độc tố và tốt cho gan. Một số nghiên cứu còn cho rằng mướp có thể giúp ổn định đường huyết, tuy nhiên vẫn cần thêm bằng chứng khoa học để khẳng định điều này.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/3-khong-khi-an-muop-2401699.html