28.279 tỷ đồng nâng cấp đường Mỹ Phước - Tân Vạn; 20.000 tỷ đồng làm tuyến tàu điện tại TP.HCM
Cần 28.279 tỷ đồng nâng cấp hơn 15 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn; Đề xuất đầu tư 20.000 tỷ đồng xây dựng tuyến tàu điện dài gần 30 km tại TP.HCM.
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Cần 28.279 tỷ đồng nâng cấp hơn 15 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn
Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM vừa có Văn bản số 8280/SGTVT-XD báo cáo UBND TP.HCM về phương án đầu tư đoạn 15,3 đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện đi trùng với đường Vành đai 3, TP.HCM đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương.
Tuyến đường này được UBND tỉnh Bình Dương đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015.
Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, đoạn 15,3 km đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu đi trùng đường Vành đai 3 TP.HCM đang khai thác với 6 làn xe, các nút giao trên tuyến dạng giao bằng, không đảm bảo năng lực thông hành khi đường Vành đai 3 đưa vào khai thác năm 2026.
Trước đây, khi lập chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3, tỉnh Bình Dương đề xuất xây dựng các nút giao trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn bằng nguồn vốn ODA.
Tuy nhiên, việc đầu tư các nút giao dự kiến hoàn thành vào năm 2027-2028 (chậm hơn so với đường Vành đai 3) sẽ tạo áp lực giao thông lớn lên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, nguy cơ gây ùn tắc giao thông trên toàn tuyến Vành đai 3.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương để đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn 15,3 km đảm bảo năng lực thông hành trên toàn tuyến khi đường Vành đai 3 đưa vào khai thác năm 2026 cần 28.279 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu các phương án đầu tư đoạn tuyến này và đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ và chấp thuận chủ trương giao tỉnh Bình Dương đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 22/4/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã thống nhất giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương đề xuất cụ thể phương án thực hiện đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Kiến nghị Thủ tướng gia hạn thời gian hoàn thành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.
Theo đó, để có cơ sở tiếp tục giải ngân cho Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên, cụ thể: điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công từ cuối quý IV/2023 thành cuối quý IV/2024.
Các nội dung khác không thay đổi so với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp Dự án được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao UBND TP.HCM căn cứ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.
UBND TP.HCM phải tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả; làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, có cam kết ràng buộc trách nhiệm các bên, chế tài xử lý; cam kết thực hiện Dự án theo đúng tiến độ; đồng thời có giải pháp hòa giải đối với 3 nhà thầu đang có khiếu nại, không để các vướng mắc liên quan đến khiếu nại của nhà thầu kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án.
UBND TP.HCM chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc; số liệu tính toán; bố trí đầy đủ kế hoạch các nguồn vốn cho Dự án.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên có chiều dài toàn tuyến là 19,7 km, trong đó đoạn tuyến đi ngầm dài 2,6 km, đoạn tuyến trên cao dài 17,1 km với 14 nhà ga (11 ga trên cao, 3 ga ngầm) và 1 depot; thời điểm hoàn thành thi công là cuối quý IV/2023; thời điểm kết thúc Dự án là từ năm 2024 đến năm 2028.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, khối lượng thực hiện của Dự án đến nay đạt khoảng 98%. Tuy nhiên, để đưa Dự án vào vận hành khai thác thương mại, trong năm 2024 chủ đầu tư Dự án cần phải thực hiện các công việc như: Hoàn thành thi công một số gói thầu của Dự án; nghiệm thu hoàn thành; đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống; bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng, thực hiện các thủ tục kết thúc Dự án....
Do vậy, UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công và đưa Dự án vào khai thác thương mại vào quý IV/2024 và vẫn giữ nguyên thời gian kết thúc Dự án là đến năm 2028.
Foxconn tiếp tục rót hơn 550 triệu USD vào Quảng Ninh
Chiều ngày 3/7, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án của Công ty Foxconn Singapore PTE Ltd, thuộc Tập đoàn Foxconn để triển khai tại KCN Sông Khoai AMATA và KCN DEEP C Quảng Ninh 2 (đều thuộc thị xã Quảng Yên).
Hai Dự án này gồm dự án sản phẩm giải trí thông minh tại khu công nghiệp Sông Khoai AMATA và dự án hệ thống thông minh tại DEEP C Quảng Ninh II. Trong đó, dự án sản phẩm giải trí thông minh tại khu công nghiệp Sông Khoai AMATA có diện tích sử dụng đất là 21,5 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.629 tỷ đồng, tương đương 263,7 triệu USD. Công suất thiết kế 4,180 triệu sản phẩm/năm.
Đối với dự án hệ thống thông minh tại khu công nghiệp DEEP C Quảng Ninh II có diện tích sử dụng 12,4 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.116 tỷ đồng, tương đương 287,2 triệu USD. Công suất thiết kế 8,78 triệu sản phẩm/năm.
Đây đều là những dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư, phát triển của Quảng Ninh. Được biết trước khi tiếp tục triển khai, Tập đoàn đã tiến hành khảo sát 2 dự án này từ tháng 1/2024.
Foxconn đã đầu tư vào Quảng Ninh từ năm 2019 với Dự án S-Việt Nam tại khu công nghiệp Đông Mai, vốn đầu tư là 137 triệu USD. Đến năm 2023, Tập đoàn này tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án với tổng vốn đầu tư là 246 triệu USD vào khu công nghiệp Sông Khoai AMATA. Và với 2 dự án đầu tư trên 550 triệu USD lần này, Tập đoàn Foxconn đã đầu tư tổng số 5 dự án tại tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn gần 1 tỷ USD.
Theo giấy chứng nhận đầu tư thì dự án sẽ được hoàn thành xây dựng các hạng mục trong tháng 7/2026. Sau thời gian lắp đặt máy móc và vận hành thử nghiệm sẽ đi vào sản xuất kinh doanh chính thức từ tháng 5/2027.
Ông Roy Shen (Thầm Văn Khải), Tổng Giám đốc cấp cao đơn vị sự nghiệp E, Tập đoàn Foxconn cho biết, trong quá trình nghiên cứu dự án, được sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Foxconn sẽ rút ngắn 10 tháng thi công cả 2 dự án so với kế hoạch đầu tư trước đây và sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025.
Đại diện phía Tập đoàn Foxconn mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh trong quá trình triển khai các dự án và cam kết sẽ thực hiện đúng quy định pháp luật của nhà nước Việt Nam, triển khai các dự án đúng tiến độ đã đăng ký.
Phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ vui mừng khi tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư đến từ Tập đoàn Foxconn: “Việc Tập đoàn tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh để đầu tư cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư với môi trường đầu tư của tỉnh. Quảng Ninh mong muốn Tập đoàn Foxconn sẽ tiếp tục gắn bó, thực hiện tốt các dự án đã có tại Quảng Ninh cũng như tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án tiếp theo trên địa bàn Tỉnh”.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh đến nay, Quảng Ninh có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư, hoạt động kinh doanh tại tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD. Với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, năng lực cạnh tranh tích cực, chất lượng điều hành đứng trong top đầu cả nước. Quảng Ninh đang được các nhà đầu tư đánh giá đây là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất.
Để hỗ trợ tích cực Tập đoàn Foxconn triển khai dự án, sớm đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh và TX Quảng Yên cần tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
“Đối với chủ đầu tư các khu công nghiệp Sông Khoai, khu công nghiệp DEEP C Quảng Ninh II, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng đảm bảo nhu cầu sử dụng hạ tầng cho các dự án thứ cấp nói chung và trong đó có các dự án do Tập đoàn Foxconn triển khai nói riêng”, ông Cao Tường Huy nhấn mạnh.
Cũng ngay tại buổi cấp giấy chứng nhận đầu tư, ông Huy cho biết, Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ thành lập tổ công tác do trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm trưởng ban chỉ đạo. Tổ công công tác sẽ triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai dự án, …
Long An thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 14.000 tỷ đồng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An đạt được một số kết quả khả quan trên các lĩnh vực.
Kinh tế tỉnh có mức tăng trưởng tương đối khá; tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 5,26%, đây là mức tăng trưởng tích cực và cao nhất từ năm 2022 đến nay.
Sản xuất nông nghiệp, duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tăng trưởng toàn ngành đạt 2,93%.
Công nghiệp, xây dựng phục hồi tích cực với mức tăng trưởng của cả khu vực tăng 5,54% (cùng kỳ tăng 3,54%); sản lượng 45/68 nhóm sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ, tăng cao nhất là nhóm sản phẩm dịch vụ lắp đặt cho máy thông dụng khác 124%, nhóm thiết bị bán dẫn tăng 88,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,67% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, công tác thu hút, hỗ trợ đầu tư đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 912 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 7.930 tỷ đồng; so với cùng kỳ tăng 34% về số doanh nghiệp và số vốn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18.053 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 379.711 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp mới 16 Dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2.818 tỷ đồng; đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.215 dự án với số vốn đăng ký 300.786 tỷ đồng.
Về đầu tư nước ngoài, cấp mới 44 dự án, tăng 12 dự án so với cùng kỳ, với tổng vốn cấp mới 226,4 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.301 dự án, vốn đăng ký 11.252,5 triệu USD; trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động, vốn 4.213 triệu USD.
Hoạt động xây dựng có xu hướng phục hồi, tăng trưởng khoảng 4,47%; đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng, kế hoạch vốn đầu tư công được phân bổ đúng thời gian; tỷ lệ giải ngân đạt 35% kế hoạch, đứng thứ 10 cả nước.
Về thương mại - dịch vụ, tiếp tục phục hồi, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,98% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc, một số ngành có mức đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm như: thương mại ước tăng 7,54%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,98%; vận tải kho bãi tăng 15,18%; kinh doanh bất động sản tăng 2,39%... nhờ đó cả khu vực ước tăng 6,46%.
Công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 là 14.077 tỷ đồng, đạt 66,1% dự toán tỉnh giao, tăng 40,3% so với cùng kỳ.
Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân hơn 25.500 tỷ đồng, tương đương 40,7% kế hoạch vốn năm 2024
Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 6/2024, Bộ GTVT đã giải ngân là 25.500 tỷ đồng (40,7%) cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (trung bình cả nước giải ngân đạt khoảng 28,2%). Thông tin này được ông Nguyễn Quyết Tiến đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 vừa được Bộ GTVT tổ chức.
Lãnh đạo Cục quản lý đầu tư xây dựng cho biết, khối lượng giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn chủ yếu đến từ các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025, trong đó một số dự án thành phần đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.
“Kết quả giải ngân vốn đầu tư công có thể còn tốt hơn nếu các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tháo gỡ sớm về nguồn vật liệu cát nền. Hiện nguồn vật liệu tại các dự án khu vực phía Nam còn khó khăn, thủ tục cấp mỏ kéo dài, công suất khai thác chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu”, ông Lê Quyết Tiến thông tin.
Một thông tin tích cực cho các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án đường cao tốc phía Nam là những vướng mắc về thủ tục khai thác cát biển đã được tháo gỡ và nhà thầu đã bắt đầu triển khai khai thác. Nếu việc thí điểm mở rộng tại Dự án thành phần cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cho kết quả tốt sẽ là chìa khóa để giải quyết căn cơ bài toán khan hiếm vật liệu tại khu vực này trong những năm tới đây.
Được biết, với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được giao trong năm 2024 trị giá 61.900 ngàn tỷ đồng, ngay từ đầu năm Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải thực chất đi đôi với sản lượng thực tế trên công trường, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ GTVT đã lựa chọn được nhà đầu tư 5/8 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam; đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Bộ GTVT hoàn thành đưa vào khai thác 4 dự án, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt vào ngày 30/6 vừa qua, đã kịp thời đưa vào khai thác 19km còn lại đoạn từ Quốc lộ 46B đến Bãi Vọt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 giúp nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ TP.HCM đến Nha Trang, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000km.
Để hoàn thành kế hoạch năm 2024, đặc biệt là công tác giải ngân, tổ chức thi công các dự án đường bộ cao tốc làm tiền đề để đạt mục tiêu hoàn thành 3.000 km vào năm 2025, Cục quản lý đầu tư xây dựng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo nhà thầu tập trung giải quyết để tổ chức thi công các hạng mục có khối lượng lớn là đường găng của dự án trước mùa mưa năm 2024.
Trong đó ưu tiên hàng đầu là phải triển khai ngay việc tập kết các vật liệu làm móng, mặt đường tránh tình trạng khan hiếm khi các dự án đồng loạt thi công lớp móng, mặt đường; chỉ đạo nhà thầu phát huy và duy trì nhịp độ thi công, tăng cường thi công “3 ca 4 kíp” để bảo đảm kế hoạch đề ra. Với các dự án có xử lý nền đất yếu cần hoàn thành công tác đắp nền, gia tải trước tháng 10 năm 2024, làm cơ sở hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.
“Với các dự án đã đăng ký rút ngắn tiến độ, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần chủ động kiểm soát chặt chẽ, không chủ quan; tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Các chủ đầu tư căn cứ kết quả thực hiện, điều kiện hợp đồng để kịp thời thay thế, điều chuyển khối lượng các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu”, ông Lê Quyết Tiến nhấn mạnh.
Ghi nhận các đề xuất nói trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Thanh tra Bộ tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra các dự án, bao gồm cả các dự án Bộ GTVT ủy quyền cho địa phương là chủ đầu tư để chấn chỉnh kịp thời tồn tại, hạn chế, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cản trở, cố tình gây khó khăn, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư theo dõi, kịp thời tham mưu Bộ điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường tập trung đẩy nhanh triển khai nghiên cứu thí điểm mở rộng sử dụng cát biển theo đúng kế hoạch để sớm có kết quả chính thức, toàn diện trong năm 2024 nhằm phục vụ cho các dự án triển khai trong thời gian tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
Cần huy động hơn 422.000 tỷ đồng thực hiện Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030
Ngày 3/7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 589/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch ban hành nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, Dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch TP. Cần Thơ đã đề ra. Xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch TP. Cần Thơ.
Nội dung chủ yếu của Kế hoạch gồm hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án.
Cụ thể, trước năm 2025, rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn TP. Cần Thơ theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch thành phố đã được phê duyệt.
Trong năm 2024, thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch TP. Cần Thơ hết hiệu lực theo quy định Điều 59 Luật Quy hoạch.
Chủ động nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để đảm bảo duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển của TP. Cần Thơ.
Về việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án: đối với dự án đầu tư công, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của thành phố, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế; hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thông tin - truyền thông, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại năm trục động lực kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch TP. Cần Thơ để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đô thị thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng: Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành (cả nước).
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, theo Kế hoạch, cần đầu tư hoàn thiện c�