20 năm điều tra vô vọng vụ án Kirsty Jones
Kirsty Jones bị hãm hiếp và giết hại trong phòng nhà nghỉ, nơi chỉ cách đám du khách đang uống bia và trò chuyện vài bước chân. 20 năm sau, vụ án bị đình chỉ điều tra.
Chiang Mai, Thái Lan, tháng 8/2000. Một thành phố cổ kính rợp bóng cây xanh, nơi du khách từ khắp thế giới tìm đến để dạo bộ, uống bia lạnh và nghe nhạc acoustic bên dòng sông Ping. Nhưng trong một đêm oi ả, giữa lòng khu phố du lịch, một cô gái trẻ người xứ Wales bị cưỡng hiếp và siết cổ đến chết tại phòng nghỉ. Và trong suốt hai thập kỷ sau đó, dù có ADN, có nghi phạm, có cả quốc tế vào cuộc, công lý vẫn đứng ngoài cửa.
Ngày 9/8/2020, 20 năm sau ngày xảy ra vụ án, thời hiệu truy tố ở Thái Lan chính thức hết hạn. Không ai còn có thể bị truy tố vì tội giết Kirsty. Mẹ cô, bà Sue Jones, nói với BBC: “Kirsty đã rời bỏ chúng tôi, trong khi kẻ giết người vẫn còn ngoài vòng pháp luật. Chúng tôi hy vọng con bé tự hào khi biết chúng tôi đã làm tất cả để tìm công lý cho nó”.

Kirsty Jones.
Kirsty Sarah Jones, 23 tuổi, sinh ra tại Brecon, xứ Wales. Cô tốt nghiệp Đại học Liverpool và bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh thế giới như bao du khách trẻ khác thời ấy: với ba lô, niềm hứng khởi và đôi chút lãng mạn. Sau khi ghé thăm Singapore và Malaysia, Kirsty đến Chiang Mai, thành phố miền bắc Thái Lan, đầu tháng 8/2000. Cô thuê phòng tại nhà nghỉ Aree Guest House và bắt đầu những ngày rong chơi, thăm đền chùa, kết bạn với du khách khắp nơi.
Vào đêm 9 rạng sáng 10/8, sau một buổi tối gặp gỡ bạn bè, cô trở về phòng và không bao giờ bước ra nữa.
Thi thể và hiện trường hỗn loạn
Kirsty được phát hiện đã chết trong phòng vào hôm sau. Cô bị siết cổ bằng một chiếc sarong (váy dạng tấm vải quấn quanh người). Có dấu hiệu cưỡng hiếp. Phòng khóa ngoài.
Cảnh sát Thái Lan nhanh chóng chịu áp lực từ truyền thông quốc tế. Một chỉ huy cảnh sát, tướng Aram Chanpen tuyên bố: “Hung thủ chắc chắn là nhân viên hoặc khách trong nhà nghỉ. Chúng tôi có ADN. Sẽ bắt được hung thủ trong 1 tuần”.
Một tuần trôi qua. Rồi một tháng. Rồi một năm. Không ai bị truy tố. Trong số các nghi phạm có Andy Gill, chủ nhà nghỉ người Anh, có quá khứ bạo lực, biến mất sau 2 ngày xảy ra vụ án; Surin Chanpranet, quản lý người Thái, bị bắt vì ma túy; Nathan Foley, người ăn tối với Kirsty, biến mất vài giờ sau khi xác cô được phát hiện; Stephen Trigg, người nghe thấy Kirsty la hét “buông tôi ra”, nhưng bảo người khác “đừng quan tâm, chuyện thường tình”; Glen Liester, tự nhận là cựu nhân viên CIA, kể toàn chuyện hoang đường. Một sĩ quan cảnh sát thậm chí còn tuyên bố trước khi có kết quả pháp y rằng Kirsty “đã quan hệ đồng thuận, nhưng bị đối tác lỡ tay giết”, gây phẫn nộ. Ông ta bị điều chuyển công tác trong vòng 24 giờ.

Nhà nghỉ Aree Guest House.
Pim Kemasingki, nhà báo địa phương, người đầu tiên có mặt tại hiện trường, viết: “Tôi từng nghĩ vụ này giống một truyện trinh thám kiểu Agatha Christie, chắc sẽ xong trong vài ngày. Không ngờ tôi theo vụ này suốt 3 tháng”. Các hãng tin BBC, ABC Úc, CNN, Reuters, AP, tất cả đổ về Chiang Mai. Cảnh sát địa phương chưa bao giờ phải chịu áp lực này. Từng ngày, từng nhân chứng bị điều tra, từng giả thuyết rò rỉ ra báo chí, từng phóng viên vật lộn giành từng mẩu tin, trong khi bằng chứng thì cứ mờ dần.
Bằng chứng quan trọng nhất là ADN nam giới thu được từ thi thể Kirsty. Nhưng trong suốt 20 năm, không ai trong số hàng chục nghi phạm bị bắt có ADN trùng khớp. Một số nhân chứng biến mất. Các lời khai mâu thuẫn nhau. Thám tử Phillips (cảnh sát Anh) nói: “Chúng tôi hợp tác với phía Thái, cố gắng hỗ trợ pháp y, phân tích ADN, nhưng vụ án cứ giậm chân tại chỗ”.
Ai đã gõ cửa phòng số 4?
“Leave me alone! Get off me!” (Để tôi yên, tránh xa tôi ra). Những tiếng la hét cuối cùng của Kirsty Jones được một nhân chứng nghe thấy nhưng anh ta làm ngơ.
Có thể dựng lại những giờ phút cuối cùng của nạn nhân như sau: 20h, Kirsty trở về phòng sau bữa tối với bạn mới quen là Nathan Foley, một thanh niên mang quốc tịch kép Anh - Úc, đang trên đường đến thăm họ hàng ở Anh. Cô ở phòng số 4, tầng trệt, sát khu vực quầy bar ngoài trời, nơi tối hôm đó các du khách và nhân viên vẫn uống bia, trò chuyện như thường lệ. Một số khách thấy Kirsty đi tắm, mặc sarong, và quay về phòng. Từ 21h đến 23h, mọi thứ bình thường cho tới khi có tiếng la hét. Stephen Trigg, một du khách Anh, khai rằng khoảng 11 giờ đêm, anh ta nghe thấy giọng nữ hét lên: “Buông tôi ra! Tránh xa tôi!”. Rồi tiếng loạt soạt, như vật lộn.
Thay vì báo cảnh sát hay chạy lại, Trigg bảo các du khách xung quanh: “Không có gì đâu, người ta hay cãi nhau ở nhà nghỉ lắm”. Không ai làm gì thêm. Không ai thấy có người nào rời khỏi phòng số 4. Phòng được khóa từ bên ngoài bằng chốt gài tay - kiểu khóa có thể thực hiện trong tích tắc mà không cần chìa. Hung thủ biến mất vào màn đêm, trong khi những người còn lại tiếp tục bữa nhậu mà không hề biết một vụ án mạng đã xảy ra vài bước chân bên cạnh.

Nathan Foley.
6h ngày 10/8/2000, một nhân viên dọn phòng phát hiện thi thể của Kirsty. Cô nằm nghiêng, quấn sarong, cổ có vết siết, có dấu hiệu bị cưỡng hiếp. Túi đồ cá nhân còn nguyên. Không có trộm cắp. Động cơ rõ ràng là tình dục. Từ đó, cuộc điều tra bắt đầu và đi chệch hướng từ phút đầu tiên. Cảnh sát không phong tỏa hiện trường. Hơn 20 người bước vào phòng trước khi có chuyên gia pháp y.
Ga trải giường, thứ có tinh dịch, bị đụng chạm bởi ít nhất ba người, trong đó có một phóng viên. Túi đồ cá nhân bị lục lọi, đồ đạc bị di chuyển. Máy ảnh của Kirsty - có thể chứa ảnh cuối cùng của cô - bị tháo pin và để sang chỗ khác. Thậm chí một nhân viên nhà nghỉ còn cọ rửa phòng tắm trước khi cảnh sát tới.
Theo nhà báo Pim Kemasingki và các tường thuật của BBC, cảnh sát Thái Lan bị cáo buộc làm hỏng cuộc điều tra ngay từ đầu. Họ không phong tỏa hiện trường, khiến bằng chứng quan trọng có thể đã bị nhiễm bẩn khi các phóng viên và điều tra viên đạp chân lên khắp phòng nhỏ nơi thi thể cô gái được tìm thấy.
Cảnh sát Thái sau đó bắt giữ Andrew Gill, 33 tuổi, chủ nhà nghỉ người Anh, buộc tội ông ta âm mưu cưỡng hiếp và giết người cùng một nhân vật chưa xác định. Gill không báo cảnh sát ngay vì visa đã hết hạn và lo sợ bị bắt. Tuy nhiên, ông ta luôn khẳng định vô tội trong suốt 10 tuần bị tạm giam và được thả sau khi công tố viên kết luận không đủ bằng chứng để đưa ra xét xử.
Nghi ngờ sau đó chuyển sang một hướng dẫn viên trekking (đi bộ dã ngoại) địa phương và chính cảnh sát Thái. Một sĩ quan bị cho là đã xuất hiện tại nhà nghỉ vào đêm Jones chết, những người khác bị tố thường xuyên bám theo du khách phương Tây ở Chiang Mai, một trong những điểm du lịch hàng đầu Thái Lan.
Mặc dù có nhiều đối tượng được đưa vào tầm ngắm, các manh mối cứ mờ dần sau khi cảnh sát điều tra kỹ hơn. Việc này tạo nên sức ép rất lớn đối với cảnh sát Thái Lan, nước luôn tự hào có ngành du lịch “đẻ trứng vàng”.
Nhà báo Pim Kemasingki kể về một sự việc “kỳ lạ” trên Chiang Mai City Life: 10 ngày sau vụ cưỡng hiếp và giết hại cô du khách người Wales, nhà báo điều tra người Anh Andrew Drummond nhận được một cuộc gọi từ Lek Chailert thuộc Hiệp hội Hướng dẫn viên Du lịch Chiang Mai. “Cô ta nói chúng tôi đến gặp vì có một câu chuyện “nóng hổi””, Pim thuật lại.
Lek giới thiệu Pim và Andrew với Narong “Abraham” Pojanathamrongpongse, 34 tuổi, hướng dẫn viên đã dẫn Kirsty đi bộ lên vùng Mae Chaem trước khi cô bị sát hại. Nhóm họ trở về Chiang Mai hai ngày trước ngày Kirsty chết, đã đi ăn uống như nhiều nhóm trekking khác rồi chia tay. Narong chỉ nhớ sơ sơ về Kirsty.
Theo lời kể của Narong, đêm trước hôm gặp Pim và Andrew, anh đang đi bộ ven đường thì bị một chiếc xe van chặn lại, vài người vận thường phục xông tới bắt giữ, bịt mắt, úp mặt xuống đất và ép phải uống nước. Chất lỏng đó rõ ràng bị pha tẩm thuốc mê, vì sau đó anh tỉnh dậy trong một căn phòng trọ rẻ tiền. Trong vài giờ kế tiếp, Narong bị tra tấn bởi những người mà anh chỉ dám đoán là cảnh sát. Anh bị đe dọa xử bắn nếu không khai nhận giết Kirsty Jones, bị đánh, ép phải nhận tội. Họ còn ép anh thủ dâm. Khi Narong từ chối, một tên còn cố làm thay anh nhưng nhanh chóng bỏ cuộc vì anh kháng cự quyết liệt. Cuối cùng anh ngất đi rồi tỉnh lại lúc nửa đêm trong một đồn cảnh sát xa trung tâm Chiang Mai, không ai giải thích vì sao anh ở đó, và anh tự xoay xở để trở về nhà.
Dù ADN tìm thấy trong cơ thể Kirsty, nhưng chứng cứ được chú trọng là mẫu ADN trên chiếc sarong siết cổ cô. Pim nhận định người ta định cấy tinh dịch của Narong vào sarong, kết hợp với mẫu ADN của kẻ thủ ác thật sự, để dựng lên kịch bản “hai hung thủ”. “Nhưng không rõ họ giải thích sao về mẫu ADN trong cơ thể cô gái không phải của Narong”, nhà báo Pim Kemasingki viết.

Chủ nhà nghỉ Andrew Gill và bạn gái người địa phương.
Vụ án gây chấn động
Vụ Kirsty Jones không chỉ gây chấn động ở Chiang Mai mà còn lan rộng ra quốc tế, trở thành một trong những vụ án chưa được phá nổi tiếng nhất liên quan đến khách du lịch phương Tây ở châu Á. Năm 2005, cảnh sát xứ Wales sang Thái Lan phối hợp điều tra, nhưng nỗ lực hợp tác nhanh chóng rơi vào bế tắc do bất đồng về quy trình pháp lý và sự thiếu hợp tác từ phía Thái Lan. Phía Anh nhiều lần yêu cầu được thẩm vấn trực tiếp các nghi phạm quan trọng như Nathan Foley hay Andy Gill, nhưng không thành công.
Năm 2017, Cơ quan Pháp y Quốc gia Anh tái phân tích mẫu ADN bằng công nghệ hiện đại, xác định rằng dấu vết ADN tìm thấy trên thi thể Kirsty thuộc về một người đàn ông châu Á, không trùng khớp với bất kỳ nghi phạm phương Tây nào từng bị điều tra. Phát hiện này tưởng chừng mở ra hướng mới, nhưng lại khiến vụ án thêm phức tạp, bởi những nhân viên và du khách Thái Lan liên quan đã biến mất hoặc từ chối xét nghiệm. Bên cạnh đó, các sai sót nghiêm trọng trong bảo quản hiện trường càng khiến mọi hy vọng phá án trở nên mong manh.
Một số nguồn tin không chính thức cho rằng có áp lực nội bộ nhằm khép lại vụ việc để bảo vệ ngành du lịch vốn là nguồn sống chính của thành phố. Những cáo buộc che giấu, chậm trễ và làm sai quy trình điều tra đã bủa vây lực lượng chức năng, trong khi nghi phạm thực sự vẫn chưa lộ diện. Và khi thời hiệu truy tố hết hạn vào năm 2020, cánh cửa công lý khép lại vĩnh viễn với Kirsty.
Vụ án Kirsty Jones không phải cá biệt mà là một trong nhiều vụ án mạng liên quan đến du khách phương Tây tại châu Á và các nước đang phát triển, nơi hệ thống pháp luật tồn tại nhiều lỗ hổng. Trang tin chuyên về các vụ án mạng Bloody murder podcast nhận định, vụ Kirsty cho thấy những điểm yếu có tính hệ thống trong điều tra hình sự xuyên quốc gia: hiện trường không được bảo vệ đúng quy chuẩn, bằng chứng bị xáo trộn, nhân chứng bị phớt lờ và các nghi phạm chủ chốt thường biến mất hoặc không hợp tác mà không bị chế tài. Ngoài ra, yếu tố chính trị và kinh tế, đặc biệt là áp lực bảo vệ ngành du lịch, đã khiến các cơ quan điều tra địa phương có xu hướng trì hoãn, thậm chí bưng bít thông tin để tránh làm tổn hại hình ảnh quốc gia.
Trong vụ Kirsty, sự thiếu hợp tác giữa phía Thái Lan và cảnh sát Anh khiến các đầu mối điều tra dần nguội lạnh. Dù có bằng chứng ADN, dù công nghệ pháp y ngày càng hiện đại, sự thật vẫn chưa được hé lộ khi cơ chế vận hành của pháp luật bị điều khiển bởi những ưu tiên ngoài tư pháp. Và khi thời hiệu truy tố khép lại, công lý một lần nữa bị bỏ lại phía sau.