2 trẻ mắc sốt xuất huyết biến chứng cực nặng thoát chết

Cả 2 bệnh nhi đều đến Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue, mạch nhanh, sốt cao liên tục, suy đa tạng, là trường hợp rất nặng.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi nam N.T.L.M (15 tuổi) sốt cao liên tục 5 ngày, đã điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không đỡ, phải chuyển lên tuyến trên. Trẻ nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, sốt cao liên tục, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue.

ThS.BS Phạm Văn Hưng - bác sĩ trực tiếp điều trị chia sẻ: “Trẻ được điều trị chống sốc theo phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue, bao gồm cả truyền dịch cao phân tử. Tuy nhiên tình trạng của bệnh nhi M. vẫn diễn biến xấu, sốc không cải thiện kèm theo suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, dịch màng bụng số lượng nhiều.

Các bác sĩ phải xử trí đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ, sử dụng vận mạch Adrenalin, Noradrenalin... Vận dụng mọi biện pháp tối ưu nhất nhưng sau đó 2-3 giờ, tình trạng bệnh nhi đột ngột xấu đi, trẻ tím tái, huyết áp tụt, thở máy yêu cầu thông số rất cao nhưng trẻ vẫn tím, SpO2 chỉ 60-70%, hút nội khí quản có ít máu tươi”.

Trước diễn biến nguy kịch của trẻ, trực tiếp TS.BS. Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai đã chủ trì hội chẩn. Ngay lập tức, bệnh nhi được chụp X-quang tim, phổi tại giường thì thấy bóng tim nhỏ, siêu âm tim thấy chức năng tim giảm nặng, chỉ số đánh giá chức năng bơm máu của tim EF chỉ còn 28-30%.

Xác định đây là trường hợp bị biến chứng nặng của sốt xuất huyết Dengue, sốc, viêm cơ tim cấp, vấn đề đặt ra cho bác sĩ điều trị là phải cân nhắc giữa bù dịch nhanh trong sốc do huyết tương bị thoát mạch nhưng phải hạn chế dịch do viêm cơ tim cấp, chức năng tim giảm rất nặng.

Bác sĩ đã chỉ định các thuốc trợ tim Milrinon và Dobutamin cho bệnh nhân đồng thời vẫn truyền các thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ chống sốc nhưng tốc độ dịch truyền bằng 1/2-2/3 so với khuyến cáo, ưu tiên dịch truyền là Albumin 5% và dịch cao phân tử, tốc độ dịch được điều chỉnh liên tục tùy theo đáp ứng của bệnh nhân...

Sau hơn 7 ngày điều trị, bệnh nhi bắt đầu giảm được vận mạch và thuốc trợ tim, trẻ ổn định dần, rút được nội khí quản, cắt được hết vận mạch trợ tim. Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhi M. đã hồi phục hoàn toàn được xuất viện.

Bệnh nhân T. và M. ngày ra viện.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi T.T. (13 tuổi), cũng nhập viện trong tình trạng suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ điều trị vừa phải cho bệnh nhân dùng thuốc trợ tim, vận mạch vừa phải truyền dịch chống sốc nhưng tốc độ dịch truyền chỉ còn 2/3 so với phác đồ và phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu quá tải dịch, các thuốc hỗ trợ gan truyền tĩnh mạch, truyền các yếu tố đông máu: Tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh. Đồng thời hội chẩn đa chuyên khoa Răng Hàm Mặt và Tai Mũi Họng đến lần thứ 3 mới tìm ra điểm chảy máu ở lỗ mũi sau và nhét Merocel cầm máu.

Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi T. rút được nội khí quản, chức năng đông máu và các tạng cải thiện dần. Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhi cũng được xuất viện với tình trạng khỏe mạnh bình thường.

Theo các nghiên cứu, biến chứng suy đa tạng bao gồm cả suy gan, suy thận, suy thần kinh trung ương và suy tim chiếm tỷ lệ khá nhỏ (chỉ chiếm 0,67%) trong các ca sốt xuất huyết, tuy nhiên tỷ lệ tử vong rất cao 60-70%. Tỷ lệ suy hai tạng: suy gan và suy thận chiếm 0,33%, suy gan và suy thần kinh trung ương chiếm 2,66%, suy gan và suy tim chiếm 2%. Như vậy đối với 2 bệnh nhân ở trên đều suy đa tạng là trường hợp rất nặng.

TS. BS. Nguyễn Thành Nam cho biết: "Những ca bệnh sốt xuất huyết tại Miền Bắc bắt đầu xuất hiện tăng lên nhưng ca bệnh nặng đã có ngay từ giai đoạn sớm. Hai ca bệnh có địa dư khác nhau, thời gian diễn biến bệnh khác nhau nhưng đều có các dấu hiệu tổn thương gan, tổn thương tim, rối loạn đông máu nặng, tràn dịch đa màng .... khiến quá trình điều trị khó khăn".

"Có những thời điểm chúng tôi tưởng chừng không còn hy vọng nhưng với sự đồng lòng, nhất tâm tập trung trí tuệ, công sức và kết quả đạt được là cả hai cháu đều đã hồi phục hoàn toàn và được ra viện. Đó là món quà lớn nhất đối với những thầy thuốc như chúng tôi" - BS. Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh tránh mắc bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Minh Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//2-tre-mac-sot-xuat-huyet-bien-chung-cuc-nang-thoat-chet-169220810120856663.htm