150 học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt phải học 'ké' trường khác bao lâu nữa?

Không chỉ phải mượn phòng của trường khác để bố trí dạy - học cho 5 lớp với 150 học sinh, nhà trường còn phải 'dẹp' các phòng bộ môn để sắp xếp tạm cho 4 lớp khác sau khi dãy nhà học 2 tầng gồm 10 phòng bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho thầy cô và các em. Tình cảnh chật chội này đẩy ngôi trường vốn đang thiếu cơ sở vật chất lại thêm áp lực, khó khăn. Đó là những gì đang xảy ra tại Trường tiểu học (TH) thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) với nỗi lo lắng nặng trĩu tâm tư thầy cô và phụ huynh ở vùng cửa biển này, nhất là khi đã vào mùa mưa, bão.

Biển cảnh báo tại nhà học 2 tầng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Biển cảnh báo tại nhà học 2 tầng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Bước vào cổng trường, ngay trước mắt là dãy nhà 2 tầng 10 phòng học ở vị trí trung tâm đã được gắn 2 bảng cảnh báo lớn “Nguy hiểm cấm vào”, các phòng được khóa chặt cửa. Quan sát bên ngoài lẫn trong phòng, có thể thấy rõ đã nhiều nơi hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nứt tường, trần nhiều nơi bong tróc, dầm lộ cả sắt. Đây là công trình được xây dựng từ năm 2006, ngay từ khi thành lập thị trấn Cửa Việt. Hơn 15 năm qua, dãy nhà là nơi dạy - học của 9 lớp với hơn 250 học sinh và nơi làm việc của giáo viên. Theo thời gian và vì công trình ở gần biển nên chịu sự ăn mòn của môi trường biển rất mạnh. Năm 2023, tình trạng dãy nhà xuống cấp nghiêm trọng, Ban Giám hiệu nhà trường đã liên tục báo cáo lên chính quyền thị trấn, Phòng GD-ĐT huyện Gio Linh. Ngay sau khi đơn vị chức năng kiểm tra hiện trường, tháng 4-2023, UBND huyện Gio Linh đã có văn bản giao nhiệm vụ xử lý tình trạng hư hỏng, xuống cấp của công trình nhà học 2 tầng của trường. Đồng thời, yêu cầu nhà trường phối hợp với UBND thị trấn Cửa Việt và các phòng ban liên quan để khảo sát địa điểm và xây dựng phương án di chuyển học sinh sang địa điểm khác nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Đến tháng 7-2023, cơ quan chức năng thực hiện kiểm nghiệm chất lượng công trình, kết luận khả năng chịu lực của một số bộ phận ở nhiều khung trục không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ. Đánh giá tổng thể kết cấu công trình có mức độ nguy hiểm là D, cần có phương án xử lý kịp thời. Tuy nhiên, việc thay thế dầm, cột, sàn, hệ tường xây bao che phức tạp về giải pháp kết cấu và biện pháp thi công lớn. Sử dụng phương án gia cường khả năng chịu lực của hệ kết cấu không phải là phương án tối ưu mà cần xây mới.

Cô thầy ngậm ngùi nhìn công trình xuống cấp, mong nhanh chóng được xây dựng mới để ổn định việc dạy và học.

Cô thầy ngậm ngùi nhìn công trình xuống cấp, mong nhanh chóng được xây dựng mới để ổn định việc dạy và học.

150 học sinh phải sang học ké tại trường kế bên.

150 học sinh phải sang học ké tại trường kế bên.

Chất chứa nỗi niềm, cô Lê Thị Tuyên - Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt cho biết, hiện trường có 18 lớp với hơn 565 học sinh. Trong đó, dãy nhà 2 tầng trên từng bố trí 9 lớp học, chiếm gần 1 nửa tổng số học sinh. Nên khi công trình xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho việc dạy và học, nhà trường phải di dời số lớp kịp thời. Nhưng sau khi lấy các phòng bộ môn như tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, giáo dục thể chất cũng chỉ bố trí đủ cho 4 lớp. Còn lại 5 lớp thuộc khối 3 và 4, buộc phải mượn phòng của Trường THCS Cửa Việt kế bên. Việc các em nhỏ phải di chuyển qua về 2 điểm trường để tham gia các nội dung, hoạt động chung hay học môn phải có phòng đặc thù khiến thầy cô lo lắng, nhất là về đảm bảo an toàn giao thông. Khó khăn của cô trò ở nơi học “ké” là điều thấy rõ. Nhưng tại trường cũng chật vật không kém. Năm 2017, Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Đến năm 2020, áp dụng theo quy định mới, trường rớt chuẩn do không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất. Đang trong tình trạng thiếu thốn, trường càng gặp áp lực, khó khăn hơn, không tránh khỏi ảnh hưởng đến việc dạy - học.

Dự kiến những năm học tới, số lượng học sinh của trường sẽ còn tăng. Nếu tiếp tục hiện trạng này trong thời gian dài thì càng gian nan, quá tải. Được biết, phương án xây mới đã được đặt ra nhưng còn khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Thiết nghĩ, việc đầu tư công trình mới cần nhanh chóng được triển khai, nếu không muốn nói là khẩn cấp. Bởi tác động ảnh hưởng đã phủ lên toàn bộ học sinh, thầy cô, nhà trường trong điều kiện chật vật như hiện nay. Chưa kể mùa mưa bão, công trình càng nguy hiểm rình rập, khôn lường.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/150-hoc-sinh-truong-tieu-hoc-thi-tran-cua-viet-phai-hoc-ke-truong-khac-bao-lau-nua-post302941.html