Yêu mình, xin chớ cực đoan
Yêu bản thân là bản tính cố hữu của con người, là điều tốt đẹp, chính đáng, ai cũng nên có. Không yêu mình thì khó có thể yêu được đồng loại để dẫn tới việc khi cần thì xả thân vì nghĩa lớn như những anh hùng dân tộc, những bậc hào kiệt, vĩ nhân? Có yêu mình thì mới có lòng tự trọng cần thiết trong ứng xử hàng ngày khiến người khác tôn trọng, vị nể. Nhưng yêu mình một cách quá đáng, không tỉnh táo sẽ dẫn tới cực đoan, có khi lố bịch, làm trò cười cho thiên hạ.
Bất cứ ai cũng dễ mắc chứng tật trên nếu không luôn tự kiểm soát và thiếu đức khiêm tốn. Nhưng có lẽ dễ mắc và nặng hơn cả là giới văn nghệ sĩ. Đối tượng này có lao động đặc thù. Sản phẩm họ làm ra mang giá trị tinh thần, đậm yếu tố tâm hồn, tình cảm, tức là in rất rõ dấu ấn cá nhân mang bản sắc riêng của chủ thể sáng tạo.
Họ yêu công việc, yêu những giá trị mình tạo nên cũng là lẽ đương nhiên. Không như vậy, chắc chắn không thể tạo nên những giá trị của tác phẩm nếu là người sáng tác và chuyển tải thành công những tác phẩm đó đến công chúng nếu là người biểu diễn. Nhưng không có nghĩa là từ đặc thù này của công việc mà biến các chủ thể sáng tạo thành những người luôn huyễn hoặc mình, không biết tự đánh giá bản thân, không biết mình đang ở nấc thang nào của thành công và hiện ra trước mắt công chúng ra sao.
Biểu hiện đầu tiên và có lẽ trầm trọng nhất là các chủ thể luôn muốn quảng bá mình, chỉ lo không ai biết đến mình nên luôn tìm mọi cách, mọi thời cơ để xuất hiện ở bất cứ đâu, trên bất cứ phương tiện truyền thông nào mà không bao giờ nghĩ rằng thứ mình làm ra có khiến người ta muốn thưởng thức không. Bất cứ người sáng tác nào cũng rất hạnh phúc, sung sướng khi tác phẩm của mình được sử dụng, quảng bá, đến được với rộng rãi công chúng và được họ tán thưởng. Đó là một niềm vui thật lớn lao, chân chính.
Thực sự có tài, tác phẩm có sức hấp dẫn tự nhiên, cứ chịu khó miệt mài lao động, thành công nối tiếp thành công thì tự nhiên đến một lúc nào đó sẽ trở nên nổi tiếng, sẽ được thiên hạ biết đến. Ở mọi lĩnh vực lao động nghệ thuật đều như vậy (sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, nghiên cứu, giảng dạy...). Sự nổi tiếng này là thực chất, chắc chắn, bền vững khiến người ta tâm phục, khẩu phục. Nếu đi tắt, đón đường, dùng tiền bạc, thế lực, các mối quan hệ để tạo nên sự nổi tiếng thì đó chỉ là ép buộc, trái tự nhiên, sẽ khiến thiên hạ cười chê, giễu cợt. Bản thân tôi không ít lần đã chứng kiến hoặc nghe kể những chuyện dở khóc dở cười liên quan đến điều này.
Một "nhà thơ" nọ nguyên là một chuyên viên có "cỡ", hàm thứ trưởng, công tác ở một bộ xa với văn hóa, văn nghệ, đã về hưu. Do nhàn rỗi chẳng biết làm gì, bèn nghĩ tới việc làm thơ. Ngày nào anh ta cũng làm ít nhất một bài. Nhiều ngày 2-3 bài. Vậy nên về hưu mới hơn 1 năm mà đã làm được tới mấy trăm bài. Tôi chứng kiến anh ta đặt thẳng vấn đề với một nhà lý luận văn nghệ có tên tuổi, quảng giao với giới báo chí:
- Mong anh giúp tôi: Chọn thơ để in một tập tại NXB Hội Nhà văn. Trước mắt, anh gửi đăng một chùm ở Báo Văn nghệ, một chùm nữa ở Văn nghệ Công an. Thêm chùm ở Văn nghệ Quân đội càng tốt. Tùy anh chọn. Ngoài ra anh bình một vài bài, đăng ở đâu cũng được. Nhưng những tờ trên thì hay nhất.
Anh ta nói luôn không chút ngần ngại:
- Thời buổi bây giờ phải chi tiền mới được việc. Tôi nhờ anh trọn gói. Tất cả hết bao nhiêu anh cứ nói. Tôi không thiếu tiền. Chắc mọi khoản đều phải chi: Cho người biên tập, cho các tổng biên tập. In tập thơ là khoản khác, tính riêng.
Nhà lý luận chỉ cười, chưa nói gì, anh ta nói tiếp:
- Anh đừng ngại. Tuy anh nhận tiền nhưng tôi vẫn coi là giúp một việc đáng kể nên sẽ rất biết ơn. Anh cứ nói rõ số tiền, tôi lo được ngay.
Rồi anh ta phán một câu rất có vẻ nhà dân tộc học:
- Người Việt mình có đặc điểm tưởng như hay, tế nhị nhưng lại là rất khách sáo, không được việc. Đó là cứ né tránh chuyện tiền bạc. Bọn tôi vốn là dân kinh doanh, rồi nhiều năm làm quản lý, không tư duy như vậy.
Thấy "chối", nhà lý luận nói thẳng:
- Anh không hiểu gì giới văn nghệ sĩ rồi. Họ có thể cũng rất cần tiền nhưng lại khinh tiền ngay lập tức nếu bị xúc phạm. Anh nghĩ đăng thơ dễ dàng như thế tức là xúc phạm đến những người biên tập, những tổng biên tập đó. Có thể có người như anh nghĩ nhưng tôi chỉ quen những biên tập viên đồng thời là những nhà thơ, văn có tên tuổi. Họ tự trọng, có lòng kiêu hãnh lớn. Sao họ có thể cầm tiền của bạn để nhắm mắt in thơ dở được?
Như "chạm nọc" nên anh ta có vẻ tự ái:
- Anh thấy thơ tôi dở?
Nhà lý luận lại thẳng thắn:
- Tôi chưa kết luận thơ anh dở hay hay, nhưng chắc chắn gửi đến mấy chỗ anh muốn, họ sẽ không đăng đâu. Còn nếu anh hé lộ ý muốn biếu tiền, họ sẽ nói lời khiến anh buồn, tự ái đấy.
Tất nhiên, anh ta đành chưng hửng rút lui ý định. Sau đó, tôi nghe nói anh ta đã tìm đến một người "trung gian" khác để nhờ việc này. Nhưng tôi theo dõi thì không thấy thơ anh ta xuất hiện. Có lẽ người kia cũng từ chối hoặc nhận tiền rồi làm nhưng bị các báo khước từ.
Anh ta còn tìm đến một vài nhạc sĩ nhờ phổ nhạc thơ mình. Có người từ chối. Có người nhận lời. Sau đó, anh ta đưa một bài hát phổ thơ mình trên trang cá nhân. Nghe nhạt phèo với ca từ dông dài, rất khó "tiêu hóa". Chắc chắn để có được bản thu âm ca khúc này, anh ta sẽ tốn không ít tiền vì thuê một ca sĩ vào hàng tiếng tăm thể hiện. Nhưng vẫn không vì thế mà người nghe có cảm tình với một ca khúc phổ thơ quá dở về cả nhạc và lời.
Một chuyện khác. Một nhà thơ nổi tiếng kể với tôi: Có lần giữa mùa hè nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ, ông đang đi xe trên đường thì nghe tiếng gọi tên mình. Ông dừng xe, thấy một người không quen biết quay lại muốn gặp. Anh ta cất lời chào và ngỏ ý muốn tặng ông tờ báo mới đăng một bài thơ của mình. Chỗ ấy không gần một quán nước hoặc bóng cây nào nên ông cứ phải đứng dưới trời nắng rát để anh ta moi cặp rút báo ra rồi lấy bút ghi tặng. Ông phải chờ mấy phút. Nắng như vậy thì chỉ vài giây cũng khủng khiếp. Đó là một tờ báo của một ngành rất xa với văn nghệ nhưng có đăng một trang thơ. Kể xong chuyện, nhà thơ nói với tôi: "Đúng là một người có tình yêu bản thân quá... vĩ đại, thật hiếm có!".
Giờ đây đang lan truyền câu nói "người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ngày ngày làm thơ". Cũng vui, tốt, không sao vì đây là một thú chơi lành mạnh để di dưỡng tinh thần miễn không ảnh hưởng, làm phiền đến ai. Và ai làm thơ thì cũng yêu thơ mình, tức yêu mình. Cũng tốt, cần được trân trọng. Nhưng đừng làm phiền, quấy rầy người khác.
Không ít người dành thời gian cho việc làm thơ thì ít mà mất nhiều hơn cho việc săn đón những biên tập viên ở các báo rồi bỏ tiền chạy người giới thiệu tập thơ của mình, mua hàng trăm tờ báo có in thơ mình để phát tán khắp nơi. Những người quá say thơ - của mình thôi, chứ không phải là yêu loại hình thơ - lại rất thích đọc thơ mình ở mọi nơi, mọi lúc bất chấp người ta có sẵn sàng, có thích nghe không. Thời buổi này ai cũng bận bù đầu mà phải nghe các vị đọc thơ không ra thơ thì khác gì bị... tra tấn? Rồi các vị tặng người ta mấy tập thơ một lúc. Không nỡ không nhận. Nhận rồi không nỡ bán cho "đồng nát" theo cân.
Tại không ít các cuộc gặp mặt, người tới dự sợ nhất là phải nghe thơ của các vị đại biểu do người chủ trì nể mà không thể khước từ. Đọc xong một bài, họ lại cao hứng đọc thêm vài bài nữa khiến mọi người đành phải bất lịch sự mà vỗ tay rào rào như một cách đuổi khéo.
Chẳng những thơ mà cả ca khúc, văn xuôi cũng có nhiều tác giả quá yêu mình như thế. Viết lách chưa sạch nước cản cũng cứ bắt người ta phải nghe, đọc bằng cách chủ động tặng rồi sau vài ngày gọi điện hỏi đã đọc chưa, đẩy người ta vào chỗ khó trả lời. Sự thật là bị vứt xó nhưng đành phải trả lời "đang đọc". Bắt nhau nói dối là như thế.
Có một sự thật: Những người có tài thực sự thường kín đáo, không thích ồn ào, không tự khoe mình. Không lẽ họ không yêu bản thân?
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/yeu-minh-xin-cho-cuc-doan-i725362/