Yên Bái thực hiện hiệu quả Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Yên Bái đã bám sát thực tiễn của từng địa phương, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, giúp đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, quyết tâm vượt khó, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no. Tỉnh Yên Bái đã đặc biệt quan tâm triển khai Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Trên cơ sở những nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỉnh Yên Bái cũng đã có những giải pháp cơ bản, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn, để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư.
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên là 6.899,49 km2, toàn tỉnh có 7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố và 180 xã, phường, thị trấn, với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Mông, còn lại là các dân tộc khác… Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa độc đáo riêng, phương thức canh tác, sản xuất, lối sống, tập quán, tín ngưỡng, luật tục thể hiện thế giới vật chất và tinh thần của người dân vùng cao.
Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực quyết tâm vươn lên của địa phương. Tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh… Nhiều chương trình, chính sách, đề án, dự án của Đảng và Nhà nước đã được ban hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và vùng đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Yên Bái nói riêng.
Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã được thể chế vào Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Quan điểm về dân tộc của Đảng đã được khẳng định cụ thể là: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tôn trọng lợi ích, truyền thống văn hóa, ngôn ngữ, tập quán và tín ngưỡng của các dân tộc. Chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù từng vùng và các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số”.
Chính vì vậy, để thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Yên Bái xác định thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho tỉnh, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt các chính sách dân tộc vào thực tiễn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong đó là việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) theo Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 14/10/2021) trên địa bàn tỉnh là bước đột phá quan trọng, nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của Nhân dân, góp phần từng bước hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trên cơ sở đó, tỉnh Yên Bái đã bám sát các văn bản của Trung ương để chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện, thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành; phân công nhiệm vụ rõ ràng trong triển khai thực các nội dung của 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngày 12/4/2023, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Tỉnh cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã để rà soát và xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, các hộ làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có đất ở hoặc đất sản xuất.
Theo báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Yên Bái, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 5.085,98 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 3.036,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 2.049,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến huy động các nguồn vốn khác để lồng ghép, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là 18.744,9 tỷ đồng. Theo đó, kế hoạch vốn hàng năm đã giao (2021 - 2024) là 3.612,2 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, vốn đầu tư phát triển: 2.236,5 tỷ đồng (đã phân bổ chi tiết 100% cho các dự án đầu tư), bằng 73,7% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (vốn ngân sách Trung ương 1.909,3 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 327,2 tỷ đồng); vốn sự nghiệp là 1.375,763 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương). Đến nay, đã phân bổ 914,37 tỷ đồng, bằng 66,4% kế hoạch. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 461,39 tỷ đồng. Về kết quả thực hiện kế hoạch vốn năm 2024 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang), vốn đầu tư phát triển, giải ngân đạt 468,6 tỷ đồng/kế hoạch 788,4 tỷ đồng, bằng 59,4% kế hoạch; vốn sự nghiệp giải ngân đạt 32,9 tỷ đồng/kế hoạch vốn tỉnh đã phân bổ 560,1 tỷ đồng (bao gồm cả số kéo dài năm 2022, năm 2023 sang năm 2024), bằng 5,9%.
Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Yên Bái đã bám sát thực tiễn của từng địa phương. Từ những cố gắng, nỗ lực đó đã giúp cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân vùng cao, góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã đặc biệt quan tâm triển khai Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Mục tiêu của Dự án hướng tới là: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.954 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó, từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã hỗ trợ làm mới 1.172 nhà ở cho hộ nghèo (năm 2023 là 653 nhà, 7 tháng đầu năm 2024 hỗ trợ 519 nhà) và đầu tư 220 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm: 72 công trình đường giao thông (khoảng 130 km); 36 công trình cầu, ngầm, kè; 22 công trình thủy lợi; 37 công trình trường học; 21 công trình nước sạch; 2 công trình điện nông thôn (khoảng 18.500m), 10 công trình chợ và 20 công trình văn hóa, thể thao.
Trên cơ sở những nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỉnh Yên Bái cũng đã có những giải pháp cơ bản, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn, để nâng cao tính hiệu quả của nguồn lực đầu tư không bị manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều địa phương trong tỉnh như huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên,… đã có cách làm sáng tạo, chủ động, hiệu quả và đạt được yêu cầu về tiến độ giải ngân, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhà ở; lồng ghép các nguồn lực đầu tư, phát triển giáo dục.
Trong đó, cụ thể: năm 2023, huyện Trạm Tấu đã hoàn thành xây dựng 369 nhà (296 nhà mới và 73 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 19.950 triệu đồng. Năm 2024, huyện dự kiến tiếp tục xây dựng 386 nhà (285 nhà mới và 101 nhà sửa chữa) với kinh phí 20.130 triệu đồng. Còn tại huyện Mù Cang Chải, trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ làm nhà ở cho 367 hộ nghèo, cận nghèo (234 nhà làm mới và 133 nhà sửa chữa) và 36 nhà theo nguồn xã hội hóa… Tại huyện Lục Yên, Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức rà soát những hộ thuộc đối tượng của Đề án, ban hành kế hoạch thực hiện, huy động mọi nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Do đó, huyện đã duyệt hỗ trợ 183 nhà gồm (làm mới 167 nhà, sửa chữa 16 nhà), với tổng kinh phí hỗ trợ là 8.750 triệu đồng, thuộc các nguồn từ Chương trình; nguồn ngân sách tỉnh và nguồn huy động hợp pháp khác.
Trong thời gian qua, để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái đã chủ động phối hợp các sở, ngành tham mưu trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 4 nghị quyết, 8 quyết định và nhiều kế hoạch, các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đã được giải quyết như hỗ trợ 788/829 nhà cho hộ nghèo; hoàn thành và đưa vào sử dụng 15/23 công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất. Hỗ trợ xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 115/168 công trình; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú và xóa mù chữ, hỗ trợ xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 14/18 công trình và nhiều nội dung hỗ trợ khác.
Đánh giá tình hình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái cho thấy, từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự quyết tâm của địa phương, các chương trình, chính sách dân tộc đến được các xóm, bản đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đến nay, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có nhiều đổi thay, khởi sắc…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Yên Bái vẫn được xem là một tỉnh nghèo, miền núi, có địa hình đồi núi chia cắt mạnh, thường xuyên chịu tác động của thiên tai; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất; dân trí không đồng đều, chất lượng nhân lực thấp, ở một số nơi đồng bào dân tộc vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học, kỹ thuật; hệ thống thể chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, tỉnh Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách, đề án, dự án, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025).
Tập trung triển khai hiệu quả Dự án 1 thuộc Chương trình 1719, tỉnh Yên Bái cần có những giải pháp cơ bản để sớm tháo gỡ trong thời gian tới đó là:
Thứ nhất, việc triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái cần xác định đây là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ đó làm cơ sở quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng dân tộc.
Thứ hai, mặc dù Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã luôn sát sao, quyết liệt, chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, toàn diện; quan tâm chăm lo đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, tiểu dự án, các nội dung thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Dự án 1 (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì vậy địa phương cần có những cách làm hay, sáng tạo với nhiều mô hình hiệu quả, để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Thứ ba, cần tập trung, quan tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, dự án, tiểu dự án của các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chỉ số hạnh phúc cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tư, Yên Bái tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị, luôn là một trong những địa phương tiên phong với nhiều chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch với nhiều mô hình hay, hiệu quả, đáng học hỏi; công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cách tuyên truyền hiệu quả, khơi gợi được tinh thần tự lực, tự cường của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm, Yên Bái cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội và các bộ, ban ngành để triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số; tăng cường công tác kết nối giữa chính quyền với người dân, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó quan tâm, chú trọng đội ngũ người có uy tín; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, tinh thần tự cường, tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ sáu, để triển khai hiệu quả và đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, cùng chung tay vào cuộc. Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phát huy vai trò tập hợp, xây dựng, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, qua đó vận động, huy động được nhiều nguồn lực để xóa nhà tạm, dột nát cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc còn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và đảm bảo quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ của chương trình đúng đối tượng, minh bạch, công khai; góp phần tăng cường hiệu quả của Chương trình và củng cố niềm tin của Nhân dân, đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển, tạo sinh kế, thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Thứ bảy, Yên Bái là tỉnh còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó cụ thể là vấn đề quỹ đất sạch để giao đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, quỹ đất này còn thiếu, chưa tập trung, manh mún và cách xa nơi sinh sống của người dân, gây khó khăn trong việc bố trí đất phù hợp với phong tục, tập quán sinh sống của đồng bào nơi đây. Trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi, chuyển nhượng đất giữa các hộ dân cũng gặp trở ngại do diện tích đất nhỏ lẻ, dưới hạn mức cho phép tách thửa, khiến quá trình thực hiện dự án bị kéo dài thời gian, không đảm bảo tiến độ đặt ra.
Thứ tám, là tỉnh vùng cao, miền núi, với đặc thù là có đông đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cấp, các ngành tỉnh Yên Bái cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về các biện pháp đề phòng, ứng phó với mưa lũ và kỹ năng nhận biết nguy cơ xảy ra thiên tai; tuyên truyền, trang bị kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra thiên tai… Từ đó, tạo sự đồng thuận, chung sức của Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác ứng phó kịp thời khi có mưa lũ xảy ra, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ chín, tiếp tục triển khai, cụ thể hóa kịp thời những chủ trương, chính sách hiện có trên cơ sở đánh giá, tổng kết, bổ sung, điều chỉnh những điểm không còn phù hợp. Tăng cường nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, dự án đang được triển khai có hiệu quả, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
Thứ mười, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, trước hết là xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối của vùng, liên vùng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng mức hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật đối với vùng dân tộc thiểu số gắn với việc giải quyết vấn đề nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Đặc biệt là quy hoạch bố trí lại dân cư những vùng đặc biệt khó khăn.