Yên Bái mở đường 'xuất ngoại' cho nông sản chủ lực
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường xuất khẩu (TTXK), mở rộng đầu ra cho nông sản đặc sản địa phương, thời gian qua, Yên Bái đã và đang tập trung xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng, có mã vùng trồng để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Các chuỗi liên kết và thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực cũng được xây dựng để đảm bảo tiêu chuẩn 'xuất ngoại'.
Nỗ lực để có được "visa” ra thế giới
Với mục tiêu tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn, chất lượng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Yên Bái đã, đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, hiệu quả. Nhờ không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng công nghệ, đến nay, với tấm thẻ thông hành mang đầy đủ tiêu chuẩn của: Rainforest Alliance, ISO 22000: 2018, FDA, HACCP… sản phẩm chè của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đã có mặt và chinh phục được nhiều thị trường như: Mỹ, Ả rập Xê út, Uzbekistan, Unilever, Nga, Ukraine, Indonesia, Belarus, Pakistan…
Ông Đỗ Tuấn Lương - Phó Giám đốc HTX chia sẻ: "Để đạt chất lượng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài như Unilever Việt Nam, yêu cầu chất lượng sản phẩm vô cùng khắt khe. Cụ thể, vùng nguyên liệu phải cách ly với các yếu tố gây ô nhiễm, quy trình chăm sóc phải đạt chuẩn GlobalGAP. Do đó, HTX đã xây dựng bản đồ địa giới, đánh dấu vị trí cụ thể từng hộ thành viên để quản lý. Cùng với những yêu cầu nghiêm ngặt ghi nhật ký chăm sóc chè, HTX còn thành lập Tổ cơ động kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các hộ thành viên”.
Với trình độ Thạc sĩ Kinh tế quốc tế, ông Đỗ Tuấn Lương chỉ đạo sản xuất, tiếp cận khách hàng và lo xuất khẩu các sản phẩm trà không qua trung gian. HTX đã có trang web bán hàng riêng với giao diện đẹp mắt, giới thiệu đầy đủ về các sản phẩm như trà xanh hữu cơ vị truyền thống, hồng trà thượng hạng, set trà tự pha trà sữa. Đến nay, các sản phẩm trà đen, trà xanh của HTX vươn thẳng ra thế giới mà không qua trung gian tới nhiều thị trường "khó tính” như: Mỹ, Canada, Nga, các nước trong cộng đồng CIS, các nước Trung Đông…
Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản xuất khẩu, Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực. Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như quế, chè, tinh bột sắn, măng, các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 30 - 40 triệu USD/năm, chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Cùng với hình thành những vùng sản xuất chuyên canh bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP), việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) được coi là điều kiện tiên quyết, là "tấm vé” thông hành để mở rộng TTXK nông sản qua con đường chính ngạch.
Ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Các đơn hàng xuất khẩu nông sản tăng dần qua các năm là minh chứng rõ nét về chất lượng sản phẩm, kiểm soát ATTP, kiểm dịch thực vật và kỹ thuật sơ chế, đóng gói, bảo quản của nông sản tỉnh”. Năm 2023, tỉnh đã quản lý, giám sát đối với 37 MSVT xuất khẩu sản phẩm chè tại huyện Văn Chấn với diện tích 294 ha, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nga, EU, Đài Loan, Uzberkistan, Belarus, Indonexia, Ấn Độ; cấp mới 3 MSVT gồm: 1 MSVT bưởi, diện tích 19,7 ha tại huyện Yên Bình, TTXK là Hoa Kỳ; 2 MSVT cây dó bầu, diện tích 60 ha tại huyện Văn Yên, TTXK Trung Quốc, Hàn Quốc.
Khuyến khích việc đăng ký cấp MSVT, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định nội dung, mức hỗ trợ một số nội dung chi sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết có nội dung hỗ trợ chi phí tư vấn, giám sát và gắn MSVT cho các cá nhân, tổ chức; cụ thể, hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng cho vùng trồng phục vụ xuất khẩu; 20 triệu đồng cho vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chủ lực, tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm.
Bước đầu thu "quả ngọt”
Ông Jos Van Gulick - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Gia vị Nedspice Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất ấn tượng với các sản phẩm quế hồi của các bạn. Với các tiêu chuẩn khá khắt khe của thị trường chúng tôi, nhưng các doanh nghiệp Yên Bái vẫn nỗ lực đáp ứng. Khi đạt các tiêu chí đó, các doanh nghiệp này cũng sẽ có cơ hội để vào được các thị trường "khó tính” khác, mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa hơn”.
Năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Yên Bái đạt 355 triệu đô la Mỹ, vượt 1,4% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phối hợp với Công ty cổ phần RYB giới thiệu, chào hàng trên 30 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường Anh, Pháp, Đức... Đây là những thị trường có quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh ATTP, truy xuất nguồn gốc.
Đáng mừng là các nông sản của Yên Bái đã nhận được phản hồi tốt của khách hàng châu Âu, mở ra cơ hội xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn trong thời gian tới. Trong tháng 7/2023, Công ty cổ phần RYB đã lựa chọn được 10 sản phẩm nông sản chủ lực tiêu biểu, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh quốc.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên cho biết: "Vừa qua, HTX có 250 kg miến được đưa sang thị trường Anh quốc để chào hàng. Sản phẩm bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, lựa chọn hàng tiêu chuẩn chất lượng… HTX hy vọng sản phẩm miến đao Giới Phiên sẽ được người tiêu dùng Anh quốc đón nhận, mở ra cơ hội xuất khẩu nhiều sản phẩm sang thị trường châu Âu”.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Mới đây, 3 sản phẩm OCOP của huyện đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh quốc. Các sản phẩm xuất khẩu đợt này được đóng thùng theo quy cách đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm chè xanh chất lượng cao có trọng lượng 72 kg, miến đao xã Quy Mông 250 kg, quế điếu thuốc Hòa Cuông 900 kg. Các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu lần này sẽ là cơ hội đánh thức tiềm năng và đưa nhiều nông đặc sản địa phương tiến tới chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, "rộng cửa” tiến đến thị trường "khó tính” này trong thời gian tiếp theo”.
Gỡ "nút thắt”, tạo đà cho nông sản "xuất ngoại”
Nhiều năm nay, dù các địa phương đã rất nỗ lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, liên kết theo chuỗi giá trị… nhưng nhìn chung quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, khó áp dụng công nghệ cao và kiểm soát ATTP. Việc hình thành những vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản còn khiêm tốn; tính cạnh tranh của nông sản chưa cao; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; trình độ thâm canh ở các địa phương chưa đồng đều; việc xây dựng MSVT cũng mới được quan tâm vài năm trở lại đây; một số vùng nguyên liệu chưa được tổ chức bài bản; mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp...
Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nông sản. Để chinh phục được những thị trường "khó tính”, góp phần đa dạng hóa TTXK, tăng giá trị, hiệu quả sản xuất các nông sản, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Trọng tâm là thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học. Đồng thời, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh theo chuỗi; thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản...
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Thời gian tới, ngành tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; quan tâm xây dựng sản phẩm và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực; tăng cường kết nối, quảng bá sản phẩm; đầu tư khâu chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản…”.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ các nông sản có thế mạnh, xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh, Sở Công Thương đã triển khai nhiều nội dung xúc tiến thương mại: xây dựng các video clip, cẩm nang song ngữ Việt - Anh, Việt - Nhật, Việt - Trung, Việt - Hàn để tuyên truyền tại các hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng từ địa phương đến trung ương. Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội nghị, hội thảo kết nối giao thương trực tiếp, trực tuyến với các doanh nghiệp trong, ngoài nước; tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm trong, ngoài nước. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam thực hiện 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực và đối tác trên thế giới, đây là cơ hội lớn để các đơn vị tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận”.