Yên Bái: Ghi nhận 290 ca mắc căn bệnh sốt mò, 1 ca đã tử vong
Thông tin từ Sở Y tế Yên Bái, từ đầu năm đến nay địa phương này ghi nhận 290 ca sốt mò, riêng trong tháng 8 ghi nhận 106 ca, tăng 57 ca so với cùng kỳ.
Thêm công trình nước sạch cho học sinh vùng cao Yên Bái
Yên Bái mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản
Bùng phát dịch viêm da nổi cục trâu bò ở 19/21 huyện, thành, thị ở Nghệ An
Theo đó, từ đầu năm đến nay địa phương này ghi nhận 290 ca sốt mò. Riêng trong tháng 8 tỉnh Yên Bái ghi nhận 106 ca, tăng 57 ca so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 12 ca so với tháng 7 vừa qua.
Cũng trong tháng 8, trên địa bàn tỉnh Yên Bái ghi nhận một ca tử vong, là cô gái 16 tuổi ở huyện Trạm Tấu. Nguyên nhân tử vong được xác định là bệnh nhân đến viện khám và điều trị muộn. Khi đến bệnh viện, các triệu chứng bệnh đã rất nặng nề, tình trạng bệnh lý diễn biến nhanh, kèm theo các biến chứng sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, chảy máu tiêu hóa.
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi trùng lây truyền từ chuột sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò (Trombicula). Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sốt mò sang người khác.
Sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa và nóng. Đây là loại sốt cấp tính gây đau đầu dữ dội, nổi hạch và có nhiều biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.
Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2 – 3 tuần, kèm theo có vết loét trên da do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng và có thể gây ra các biến chứng: Viêm phổi, viêm não màng não, viêm cơ tim… hoặc suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Đây là một bệnh phổ biến ở nông thôn và rừng núi của nhiều nước trên thế giới, bệnh có liên quan đến các hành vi tiếp xúc với đất, bụi rậm như làm ruộng, làm rẫy, làm vườn, săn bắn,… Sốt mò thường xuất hiện theo mùa phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện của mò do con người bị nhiễm qua vết đốt của ấu trùng mò. Ở vùng ôn đới, mùa xuất hiện bệnh sốt mò chủ yếu là vào mùa thu, đôi khi cũng xuất hiện vào mùa xuân.
Đối với Việt Nam, căn bệnh này thường xảy ra vào thời điểm thời tiết bước vào mùa mưa và nóng. Sốt mò thường diễn ra phổ biến ở miền Bắc vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 và xuất hiện quanh năm ở miền Nam, tuy nhiên đỉnh điểm vẫn là vào mùa mưa.
Triệu chứng nhận biết về bệnh sốt mò
Người bệnh có sốt, một, hai ngày đầu sốt nhẹ, sau đó sốt cao liên tục, cũng có nhiều trường hợp đột ngột sốt cao 39 - 40 độ C trong ngày đầu giống như sốt rét. Sau đó, sốt cao 40 độ C liên tục dai dẳng hoặc từng cơn, kéo dài từ 15 đến 20 ngày.
Vết loét đặc trưng của mò đốt: Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý, sau đó vết loét thường hình tròn hoặc bầu dục, đường kính từ 1mm đến 2cm, có vẩy đen, cứng, phủ trên một nốt sẩn có gờ cứng. Nếu vẩy đã bong thì để lại vết loét lõm, màu đỏ tươi, sạch không tiết dịch, không có mủ. Người bệnh không hề biết có vết loét vì hoàn toàn không đau, không ngứa hay rát.
Hạch: Hạch khu vực to, thường ở gần nơi có vết loét, hạch sưng to bằng hạt táo, quả xoan hoặc có thể to hơn. Hạch khu vực thường to hơn hạch ở nơi khác, có thể kèm theo viêm quanh hạch, hạch khu vực thường xuất hiện cùng với sốt hoặc sau sốt 2 - 3 ngày. Ở Việt Nam, 100% bệnh nhân sốt mò đều có hạch sưng to.
Ban: Xuất hiện ở cuối tuần đầu và đầu tuần thứ hai của bệnh. Thường là ban dát sẩn, kích thước từ hạt kê đến đường kính 1cm. Ban mọc khắp toàn thân (lưng, ngực, bụng, tứ chi) trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, ban tồn tại từ vài giờ tới một tuần.
Bệnh sốt mò vẫn còn hay gặp ở nước ta, tuy nhiên do không để ý đến yếu tố dịch tễ, không tìm và quan sát được vết loét, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh đặc hiệu, dễ dẫn đến suy đa tạng và tử vong.
Hiện nay chưa có vắc - xin phòng bệnh nên cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh sốt mò là:
Tích cực phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loại gặm nhấm. Khơi thông cống rãnh, định kỳ phun thuốc diệt côn trùng 6 tháng/lần.
Không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào.
Khi vào rừng tham quan hay làm việc chú ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn. Không nằm dưới đất mà nằm trên võng cao. Nên mặc quần áo kín đáo, đi giày cao cổ. Dùng thuốc xua đuổi côn trùng bôi vào vùng da trống. Đi về nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ, không nên mặc đi lại nhiều lần.
Loại bỏ mò bằng cách phun hydrocarbon clo hóa như lindane, dieldrin và chlordane lên mặt đất và thảm thực vật trong các trại và các khu vực đông dân cư khác nơi có bệnh.
Những người làm việc trong khu vực bị nhiễm khuẩn nên cần nhắc ngâm tẩm quần áo bằng permethrin. Khi ngồi xung quanh hoặc cắm trại, nên sử dụng phương tiện lều có sàn kín, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Khi sốt cao không rõ nguyên nhân cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt lạ, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh để lại các hậu quả đáng tiếc.