Y tế dự phòng tuy đã được quan tâm nhưng chưa hiệu quả
Theo tinh thần Nghị quyết 18/2008/QH12, phải dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Song trên thực tế, tỷ lệ này không được đảm bảo.
Trong khi 10 năm trở lại đây, các chương trình viện trợ không hoàn lại bị cắt giảm. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số kết thúc. Nguồn kinh phí cho y tế dự phòng chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên còn nhiều hạn chế. Đây là nhận định được chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp tài chính bền vững cho y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS được Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 31/8 tại Đà Nẵng
Tổng kinh phí ngân sách trung ương bố trí cho hoạt động y tế dự phòng giai đoạn 2016 – 2022 là gần 15.424 tỷ đồng. Việc đầu tư, phát triển y tế dự phòng tuy đã được quan tâm nhưng chưa hiệu quả và chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt”. Giai đoạn 2018 – 2022, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi Ngân sách nhà nước tăng dần qua các năm nhưng vẫn dưới 30% (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của Covid 19).
Nhìn ra khu vực và thế giới, các chuyên gia cho biết, đầu tư cho y tế dự phòng nói chung, cho các chương trình can thiệp hướng tới các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và đầu tư trong nước cho dự phòng HIV còn cách xa so với nhu cầu.
Mặc dù một số đơn vị đã được giao quyền tự chủ, tuy nhiên không được tự xác định mức thu giá dịch vụ và vẫn phải tuân thủ mức giá trần do Bộ Tài chính quy định nên chưa đảm bảo chi phí.
Nhiều ý kiến đề xuất nên tiếp tục duy trì Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế để đảm bảo nguồn lực cho y tế dự phòng. Tăng cường đầu tư nhân lực, trang thiết bị y tế cho y tế dự phòng. Đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể cho công tác mua sắm, đấu thầu; điều chỉnh chính sách về cơ chế tự chủ, giá dịch vụ y tế, đảm bảo tính đúng, tính đủ.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Mỹ Phượng -
Lê Quang