Ý nghĩa biểu tượng của mèo trong các nền văn hóa
Ở nhiều quốc gia, mèo được xem là biểu tượng của may mắn, tốt đẹp.
Ở Nhật Bản, mèo cộc đuôi được xem là biểu tượng của triển vọng tốt đẹp và tương lai hứa hẹn, xuất hiện nhiều trong hội họa truyền thống của nước này.
Ở Ấn Độ, người ta tìm thấy tượng những con mèo khổ hạnh biểu thị cho phúc lạc của thế giới động vật.
Tranh dân gian Việt Nam biến con mèo thành biểu tượng của ông quan tham lam, giống hệt như hình tượng con mèo được đút lót của phương Tây.
Ở Trung Quốc cổ đại, mèo được thay bằng con thỏ, xem như một con vật báo điềm lành và người ta bắt chước điệu bộ của nó trong các điệu múa và trong võ thuật.
Ngày nay, ở Campuchia, người ta vẫn nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa.
Ở châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri.
Trong đạo Phật, mèo bị chê trách là con vật đã cùng với con rắn không xúc động mảy may trước sự từ trần của Đức Phật.
Trong thế giới Hồi giáo, con mèo rất được ưa chuộng. Theo truyền thuyết, vì lũ chuột quấy rầy các hành khách trong con thuyền cứu sinh của Nóe, ông đã lấy tay vuốt trán con sư tử, sư tử hắt hơi làm nhảy từ trong miệng ra một cặp mèo, chính vì thế mà con vật này giống sư tử.
LAN TÍM (sưu tầm)