Xuôi dòng Vĩnh Tế

200 năm trước, với tầm nhìn chiến lược, triều Nguyễn đã mở đường cho phương cách giữ nước, an dân đặc biệt trên vùng biên viễn, đó là đào tuyến kênh để có thể vừa phát triển sản xuất, giao thương, cũng vừa bảo vệ tuyến biên giới, xác lập chủ quyền bờ cõi. Dưới sự chỉ huy của Trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu, kênh được hoàn thành vào năm 1824 với chiều dài 97km, rộng 25m, sâu 3m.

200 năm sau, kênh Vĩnh Tế được ghi nhận là công trình thủy lợi quan trọng trong việc khẩn hoang cả vùng Tứ giác Long Xuyên làm nên vựa lúa lớn nhất vùng ĐBSCL. Kênh Vĩnh Tế không chỉ là công trình mang tính chiến lược, bảo vệ quốc phòng - an ninh, khẳng định chủ quyền quốc gia mà còn có giá trị về giao thông, thương mại và thủy lợi.

Nơi giao thoa giữa sông Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế, bắt đầu từ đây kênh Vĩnh Tế chạy dài qua 3 địa phương của An Giang và kết nối với sông Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) đổ ra Biển Tây.

Đình thần Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc), nơi chứng kiến dòng Vĩnh Tế đóng góp những giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng.

Ngày nay, đôi bờ Vĩnh Tế đã khoác lên màu áo xanh của những cánh đồng được tưới mát, đâm chồi nảy lộc của hoa trái và sự sống. Đó còn là sự trù phú của vùng đất nhiều cá tôm; thuyền ghe dọc ngang xuôi dòng, xóm làng đông đúc nối nhau mọc lên báo hiệu sức sống trường tồn.

Kênh Vĩnh Tế được xem là tuyến đường thủy huyết mạch, đem lại những lợi ích không nhỏ cho miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là trong việc trồng trọt, giao thương của vùng Tứ giác Long Xuyên.

Đường tỉnh 955A (cặp kênh Vĩnh Tế) trở thành con đường có view khá đẹp về mùa lũ tại An Giang, một điểm đến khá thú vị.

Vào mùa nước nổi, những cánh đồng cặp kênh Vĩnh Tế như chiếc gương khổng lồ soi bóng mây trời, không còn có khoảng cách giữa bờ kênh với đồng ruộng như những tháng mùa khô.

Nghỉ giải lao bên bờ kênh sau những giờ lao động mệt nhọc.

Người ta ví kênh Vĩnh Tế như cái túi cá, nước tới đâu cá tới đó, tha hồ đánh bắt. Các hoạt động mưu sinh của bà con bên bờ Vĩnh Tế vô cùng đa dạng, từ buôn bán hàng hóa, làm nông cho đến đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi.

Trải qua bao năm tháng, dòng kênh Vĩnh Tế đã mang đến cho các thế hệ lưu dân một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Dù có khó khăn, vất vả nhưng người dân nơi đây xem dòng kênh Vĩnh Tế là mạch nguồn của sự sống.

Ông Đinh Văn Dễ (69 tuổi, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) dựa vào dòng Vĩnh Tế để mưu sinh.

Cống đập tràn Trà Sư.

Từ kênh “mẹ” Vĩnh Tế, dòng nước chảy vào đồng ruộng, góp một phần trong việc đưa nước ngọt tháo chua, rửa phèn cho ruộng đồng ngày một thêm tươi tốt, nâng cao năng suất nông sản.

Sự ấm no của cư dân cặp theo dòng kênh càng thêm khẳng định những giá trị to lớn mà kênh Vĩnh Tế mang lại.

Dòng kênh mãi mãi là chứng nhân lịch sử của vùng biên viễn Tây Nam của Tổ quốc. Người dân hậu thế mãi tạc dạ ghi công bậc tiền nhân.

NGUYÊN ANH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xuoi-dong-vinh-te-a407379.html