Xứng tầm xã nông thôn mới nâng cao

Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đưa đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân lên mức cao hơn là đích đến của xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu triển khai, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chọn những công trình, tiêu chí tiêu biểu, nổi trội để thực hiện, đầu tư xây dựng, qua đó đã làm thay đổi, khởi sắc diện mạo nhiều vùng quê.

Thời điểm này, đảng bộ, chính quyền và nhân dân 6 xã trên địa bàn tỉnh đang trong niềm vui chung khi đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Đây là nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân, bởi các địa phương thực hiện trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng đều đã cán đích đúng thời gian.

ĐIỂM NHẤN VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập có 5 trường học thì hiện nay đều được đầu tư xây dựng đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Đặc biệt, Đa Kia A là trường tiểu học đầu tiên của huyện được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hiện trường có 4 dãy lầu với đầy đủ phòng học lý thuyết, bộ môn, chức năng đạt chuẩn theo quy định. Đặc biệt hơn, Đa Kia A là một trong số rất ít trường tiểu học trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng với diện tích hơn 400m2, tạo điều kiện cho học sinh học môn thể dục và tham gia vui chơi, trải nghiệm. Trường cũng được đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Ông Lương Hữu Hải ở thôn 4, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập giới thiệu về quy trình tưới nước nhỏ giọt

Từ chỗ phải sinh hoạt, hội họp ở nhà văn hóa chật hẹp, nóng bức, thậm chí là sinh hoạt nhờ nhà dân thì hiện nay người dân thôn 2 đã có nhà văn hóa cộng đồng rộng rãi, khang trang bậc nhất xã Đa Kia. Để có cơ ngơi đó, thôn 2 thực hiện hoán đổi đất, từ khu đất ẩm thấp, chật hẹp sang khu đất rộng rãi, cao ráo và ở trung tâm khu dân cư với diện tích 1.600m2. Ngoài được ngân sách đầu tư 1 tỷ đồng xây hội trường, cổng nhà văn hóa, thôn còn vận động người dân đóng góp 135 triệu đồng làm các công trình phụ trợ khác, tạo không gian thoáng đãng để hội họp, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Để có thành quả như hôm nay, kinh nghiệm của chúng tôi là thực hiện việc gì cũng phải lấy dân làm gốc, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”. Nếu không công khai, minh bạch, dân sẽ mất lòng tin.

Ông KIỀU ĐÌNH NỀN, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập

Hiện nay, hầu hết tuyến đường trục xã, thôn tại các xã đạt chuẩn NTM nâng cao đều được bê tông, nhựa hóa kết hợp đèn đường, camera giám sát an ninh và trồng hoa 2 bên lề. Đặc biệt hơn, có xã còn nâng cao tiêu chí bằng cách mở rộng tuyến đường lên gấp đôi so với trước. Tiêu biểu trong phong trào này là ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú và được ví như “cuộc cách mạng mở rộng đường quê” đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập Hồ Hùng Phi cho biết: Trước đây, khi xây dựng NTM tiêu chuẩn, các tuyến đường chỉ bê tông rộng 3m khiến phương tiện rất khó lưu thông, nhất là khi có 2 xe ôtô đi ngược chiều. Rút kinh nghiệm, khi xây dựng NTM nâng cao, xã chủ trương vận động nhân dân hiến đất, cây trồng giải phóng mặt bằng làm đường rộng gấp đôi so với trước. Lúc đầu thực hiện gặp rất nhiều khó khăn nhưng qua tuyên truyền, vận động và thấy lợi ích thiết thực từ việc mở rộng đường nên người dân đồng loạt hưởng ứng.

NƠI ĐÁNG SỐNG

Buổi sáng tinh mơ, hàng chục người dân ở xã Tân Lập tập trung tại nhà thi đấu đa năng của xã để chơi cầu lông rèn luyện sức khỏe. Để có sân chơi lành mạnh, hơn 10 năm trước, khi đầu tư xây dựng NTM, Tân Lập đã quy hoạch Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã rộng gần 9.000m2, trong đó nhà thi đấu đa năng rộng hơn 700m2. Năm 2021, khi xây dựng NTM nâng cao, xã tiếp tục đầu tư hơn 400 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện thêm các hạng mục nhà thi đấu để người dân có điều kiện tập luyện tốt hơn. Ngoài ra, tại khu dân cư, các ấp, chính quyền xã cũng quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế như mua sắm dụng cụ thể dục thể thao, xây dựng sân bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá… tạo điều kiện cho mọi người dân đều được vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe.

Một góc khu dân cư kiểu mẫu ấp Thủ Chánh, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành

Từ tuyến đường bê tông chỉ rộng 3m thì nay 100% đều được nhân dân đổ bê tông nới rộng sát vách tường rào. 100% hộ dân đầu tư xây dựng hàng rào bao quanh, có điện thắp sáng, camera đảm bảo an ninh trật tự. Tôi khẳng định ấp Thủ Chánh là nơi đáng sống, đáng tự hào, vì có đường rộng nhất, hệ thống thoát nước tốt nhất, an ninh đảm bảo nhất.

Ông PHẠM NGUYÊN KHANG, Trưởng ấp Thủ Chánh, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành

Điều mà ai cũng dễ nhận thấy ở khu dân cư xã NTM nâng cao là bên những con đường mới, các ngôi nhà đua nhau mọc lên tạo điểm nhấn cho khu đô thị trong tương lai. Việc nâng cấp đường vừa phục vụ tốt lưu thông và giao thương hàng hóa vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khu dân cư kiểu mẫu ấp Thủ Chánh, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành là điển hình. Trưởng ấp Phạm Nguyên Khang phấn khởi cho biết, sự thay đổi của ấp Thủ Chánh hôm nay xuất phát từ chính ý thức của người dân. Họ biết mình phải làm gì để góp sức đưa khu dân cư trở thành kiểu mẫu.

THAY ĐỔI TƯ DUY LÀM KINH TẾ

Nhờ luồng gió NTM nâng cao nên tư duy của người dân đã đổi thay trong cách làm kinh tế. Đó là ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, chế biến. Trước đây, các công đoạn, quy trình chế biến yến sào của Công ty TNHH MTV yến sào Cao Quý, xã Đa Kia thực hiện thủ công thì nay hoàn toàn bằng tự động hóa.

Quy trình sản xuất yến sào của Công ty TNHH MTV Cao Quý xã Đa Kia đem lại hiệu quả cao

Anh Nguyễn Cao Quý, Giám đốc công ty cho biết, với đơn hàng ngày một gia tăng, trong khi mọi công đoạn như rửa hũ, chiết rót nước yến, đóng nắp, viền nắp, thanh trùng đều thực hiện thủ công nên tốn nhiều nhân công, thời gian. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, công ty đã dành 5 tỷ đồng đầu tư hệ thống dây chuyền tự động hóa của Nhật về vận hành. Trung bình mỗi ngày, công ty sản xuất hơn 3.000 hũ, tăng gấp 5 lần so với trước, mà sản phẩm lại đảm bảo sạch, an toàn hơn.

Mô hình bưởi da xanh Đa Kia

Sau 30 năm trồng tiêu và từng thử nghiệm rất nhiều mô hình tưới nước, nhưng đây là lần đầu tiên ông Lương Hữu Hải ở thôn 4, xã Đa Kia hài lòng với mô hình tưới tiết kiệm nước bởi thực sự đem lại hiệu quả cao. Khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, ông Hải đã nghiên cứu chế tạo ra mô hình phù hợp, tiện lợi và hiệu quả hơn, đó là hệ thống béc phun trên đọt. Ông Hải cho biết, nếu tưới nhỏ giọt chỉ làm ướt phần gốc thì hệ thống béc phun trên đọt làm ướt và mát đều vườn cây. Ông còn nghiên cứu lắp hệ thống điều khiển từ xa, chỉ cần bấm nút là máy tự động tưới. Với 0,8 ha tiêu, ông Hải lắp 14 béc phun với bán kính phun rộng đến 25m. Cách làm mới này vừa giúp giảm nhân công lao động vừa nâng cao giá trị sản phẩm thời kỳ giá tiêu không ổn định như hiện nay.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/81/136281/xung-tam-xa-nong-thon-moi-nang-cao