Mới đây, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Scott Ritter cho biết trong cuộc phỏng vấn trên kênh Youtube của Judging Freedom rằng, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra quyết liệt, Moscow đã giành được thắng lợi trên cả 3 mặt trận: Chính trị, kinh tế và quân sự, trước Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Trên mặt trận chính trị, có thể thấy điều này qua sự sụp đổ của trật tự chính trị ở châu Âu và những điều đang diễn ra ở Mỹ. Washington và các đồng minh châu Âu đang ngày càng chia rẽ về cuộc chiến Nga-Ukraine.
Ngay từ trước khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ và các đối tác NATO tập trung vào việc thống nhất phương Tây. Trong khi đó, Nga nêu rõ quan điểm là, ước vọng của Mỹ là lối suy nghĩ lỗi thời từ thời Chiến tranh Lạnh và giờ đây đã không còn phù hợp.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Đông và Tây đang xấu đi do cuộc xung đột Nga-Ukraine, Moscow đang xây dựng một mạng lưới mới trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh dọc theo trục Bắc-Nam, nhằm phá bỏ cái “vòng kim cô” mà phương Tây đang thít chặt quanh nước Nga.
Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có những thành công trên mặt trận ngoại giao, khi có tới 35 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi…, đã từ chối lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào đầu tháng 3.
Nga cũng củng cố vị thế và vai trò của mình trong BRICS (một khối quy tụ “các nền kinh tế lớn mới nổi” gồm: Brasil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China), Nam Phi (South Africa) và SCO (“Tổ chức Hợp tác Thượng Hải”).
Những quốc gia này không phải là những người chơi lớn về kinh tế hoặc ngoại giao, nhưng nhiều quốc gia là thị trường mới nổi nằm trên các tuyến thương mại chiến lược và một số nắm giữ các khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Thành viên của các khối này đa số là đồng minh chủ chốt của Nga và đối thủ của Mỹ như: Trung Quốc, Iran, cùng một số cường quốc có đường lối độc lập là Ấn Độ, Nam Phi, Brasil; nhưng cũng có những đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhăm nhe gia nhập các liên minh do Moscow đứng đầu.
Vị cựu sĩ quan tình báo Mỹ chỉ ra, về mặt kinh tế, Nga mới chính là người đã thay đổi luật chơi, các biện pháp trừng phạt gây hại rất ít cho Moscow, trong khi nó lại đánh mạnh vào chính các nước phương Tây.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine vào hôm 24/2/2022, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moscow. Gần đây nhất, Nhà Trắng đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga.
Điện Kremlin gọi các hạn chế này là một cuộc chiến tranh kinh tế với quy mô chưa từng có trước nay, đồng thời thực hiện các biện pháp trả đũa bằng cách cấm các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi hệ thống tài chính Nga và chuyển thanh toán khí đốt thành đồng rúp.
Kế hoạch của Mỹ nhằm hạn chế giá của nguồn tài nguyên này có thể dẫn đến thực tế là khối lượng dầu mà Nga bán ra sẽ giảm, nhưng chỉ ở mức không đáng kể và sự giảm cung nhỏ này sẽ làm tăng giá dầu nhiều đến mức Moscow sẽ nhận được nhiều doanh thu hơn nữa.
Nga đã bù đắp thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách chuyển hướng cung cấp khí đốt sang thị trường châu Á, với khối lượng dầu khổng lồ cho Ấn Độ và những hợp đồng khí đốt mới với Trung Quốc và Pakistan.
Hơn nữa, các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh mặc dù có gây tổn thất cho Nga nhưng đã giáng một đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu đã chạm đỉnh từ đầu năm 2022 đã gây ra ảnh hưởng thảm khốc đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là châu Âu.
Trong bối cảnh Nga tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm giải phóng Donbass, ông Scott Ritter cũng chỉ ra sự kém hiệu quả trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev, trong khi chính quân đội Mỹ sẽ sớm cạn kiệt toàn bộ kho dự trữ của họ, bởi nền công nghiệp quốc phòng hoạt động thiếu hiệu quả.
Ngoài ra, cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vẫn đang tái sử dụng cách tiếp cận xưa cũ và không phù hợp trong cuộc chiến Nga-Ukraine, đó là duy trì tư duy quân sự kiểu “tấn công chớp nhoáng” với tên lửa và không quân là chủ đạo, trong khi xung đột Nga-Ukraine là kiểu “chiến tranh tiêu hao”, chủ yếu trên đất liền.
Nhà phân tích Scott Ritter nhấn mạnh, Moscow đã quay trở lại việc hình thành các cơ cấu đơn vị “theo mô hình của Chiến tranh Lạnh” để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn và đột phá vào các vị trí được củng cố tốt của đối phương, mà cuộc chiến ở Ukraine là minh chứng rõ ràng nhất.
Trong khi đó, giới tướng lĩnh Mỹ coi cách tiếp cận này là lỗi thời. Việc Nhà Trắng và Lầu Năm Góc duy trì kiểu tư duy này trong suốt mấy thập kỷ qua, đã khiến quân đội Mỹ đã quên cách chiến đấu trong cuộc chiến quy mô lớn kéo dài, khiến quân đội Mỹ lép vế so với các đối thủ Nga và Trung Quốc.
Nguyễn Ngọc