Xung đột Sudan không hạ nhiệt, tương lai hòa bình đang mất dần

Sudan vừa đánh dấu mốc tròn 4 tháng giao tranh, cướp đi sinh mạng của hơn 3 nghìn người, làm bị thương 6 nghìn người cùng hàng triệu người phải lánh nạn. Bất chấp mọi nỗ lực của quốc tế, các bên xung đột vẫn đang hành động khiến tình hình diễn biến tiêu cực.

Người Sudan tị nạn tại Chad có điều kiện sống vô cùng tồi tệ. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế liên tục tăng cường các nỗ lực giải quyết khủng hoảng tại Sudan, bạo lực giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tiếp tục tái diễn vào cuối tuần trước, cho thấy thực trạng căng thẳng dường như chưa thể “hạ nhiệt”.

Cuộc giao tranh cuối tuần trước xảy ra tại thành phố Nyala, bang South Darfur, miền Tây Sudan. Hàng trăm dân thường đã phải trốn chạy khỏi thành phố lớn thứ hai và cũng là thủ phủ của bang này. Chưa có số liệu chính thức về thương vong và thiệt hại của cuộc giao tranh, song truyền thông địa phương dẫn các nguồn thống kê sơ bộ cho biết, có ít nhất 47 người thương vong.

Theo giới quan sát, kể từ ngày 15/4/2023 khi quân đội Sudan và RSF “chĩa súng” vào nhau, Thủ đô Khartoum và khu vực Darfur trở thành một trong những “chảo lửa” xung đột dữ dội nhất giữa hai lực lượng từng chung hàng ngũ. Cả hai bên đều cho thấy thái độ và hành động kiên quyết giành chiến thắng quân sự, song chưa có bên nào đạt được bất kỳ lợi ích đáng kể. Trong khi đó, mọi động thái đàm phán, hay các lệnh ngừng bắn đều không có giá trị thực tế.

Bình luận từ giới quan sát cũng như dư luận quốc tế bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với triển vọng an ninh ở Sudan. Bởi cuộc xung đột nội bộ này đã kéo dài 4 tháng và nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ quốc tế, nhưng mọi đàm phán đều dường như không thể làm giảm thiểu căng thẳng.

Dễ thấy nhất là lần tái diễn xung đột vừa qua diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Liên hợp quốc kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Sudan. Theo đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách châu Phi Martha Ama Akyaa Pobee nhấn mạnh rằng, không thể có một giải pháp nào khác ngoài giải pháp đàm phán để chấm dứt xung đột quân sự ở Sudan càng sớm càng tốt. Bà Pobee cũng khẳng định rằng, những lời hô hào tiếp tục chiến tranh để giành chiến thắng quân sự của một số người chỉ làm hủy hoại đất nước này nghiêm trọng hơn.

Bà Pobee nói rõ, chiến tranh kéo dài làm trầm trọng hơn nguy cơ chia cắt, can thiệp từ nước ngoài... cũng dẫn tới sự xói mòn chủ quyền và hơn hết là đánh mất tương lai của đất nước và con người Sudan.

Thống kê từ Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho hay, khủng hoảng leo thang ở Sudan đang khiến 20 triệu người (42% dân số) ở cảnh thiếu đói trầm trọng. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), 4 triệu người Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và có điều kiện sống vô cùng tồi tệ, nguy cơ dịch bệnh và tử vong ngày càng cao, bao gồm cả trẻ nhỏ.

Điểm tạo nên tính nghiêm trọng của cuộc chiến đang diễn ra tại Sudan thể hiện ở các bên xung đột vốn cùng nằm trong giới cầm quyền đất nước. Cụ thể, chính quyền Sudan được lãnh đạo bởi Hội đồng Chuyển tiếp với Chủ tịch Hội đồng là Tổng tư lệnh Abdel Fattah Al-Burhan, Phó Chủ tịch Hội đồng là tướng Mohamed Hamdan Dagalo - chỉ huy của nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF). Sau khoảng thời gian dài ngấm ngầm mâu thuẫn, mối quan hệ của hai lực lượng này ngày càng trầm kha, đặc biệt là đề xuất sáp nhập RSF vào quân đội Sudan. Đây cũng là “giọt nước tràn ly” làm bùng phát cuộc chiến.

Các phân tích từ giới quan sát an ninh cho hay, Thủ đô Khartoum sau 4 tháng qua vẫn là trung tâm của các cuộc xung đột, nơi diễn ra các cuộc giao tranh lớn xung quanh các cơ sở quan trọng của quân đội Sudan, bao gồm cả bộ tổng chỉ huy. Tại vùng Darfur, giao tranh đã khơi lại những vết thương cũ về căng thẳng sắc tộc từ khoảng thời gian dài xung đột trước đây. Nhiều dự báo cho thấy, nếu cuộc chiến này tiếp tục kéo dài, rất có thể thực trạng Sudan sẽ đi theo kịch bản xung đột lan rộng, hỗn loạn và khó tìm được biện pháp chấm dứt hiệu quả.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xung-dot-sudan-khong-ha-nhiet-tuong-lai-hoa-binh-dang-mat-dan-post464913.html