Xuất khẩu tôm ở ĐBSCL đứng trước nhiều cơ hội
Cùng với cá tra, tôm là một trong hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực ở ĐBSCL.
Ngày 7.9, Diễn đàn giao thương phát triển thủy sản bền vững doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam 2022 đã diễn ra tại TP.Cần Thơ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Tại diễn đàn, ông Daniel Stork - Tổng lãnh sự Hà Lan tại Việt Nam bày tỏ mong muốn hợp tác để đưa ra những giải pháp bền vững nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Qua đó, quan tâm tới người dân và bảo vệ thiên nhiên của ĐBSCL.
“Hà Lan và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực. Các chuyên gia của Hà Lan đã thực hiện tư vấn kỹ thuật cho Việt Nam xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL năm 2022. Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong EU và lớn thứ 6 trên toàn cầu. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 8,373 tỉ USD, tăng 9,4% so với năm 2020”, ông Dainel Stork nói.
Theo ông Vũ Thanh Liêm - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) thì những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đang được nổi lên như là một ngành kinh tế đặc biệt quan trọng với 2 sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo chiều sâu như nuôi thâm canh, nuôi công nghệ cao đã phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội. Đặc biệt, ngành hàng cá tra của vùng đã phát triển thành ngành công nghiệp với chuỗi cung ứng dịch vụ, sản xuất, chế biến, thương mại khép kín, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Liêm cũng cho rằng ĐBSCL đang đối mặt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Hơn nữa, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn khá phổ biến làm hiệu quả kinh tế thấp và thiếu bền vững. Từ những lợi thế và thách thức này, ĐBSCL đã có những chiến lược và định hướng để phát triển.
Đánh giá về thực trạng, cơ hội và thách thức của ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam, ông Lê Đình Huynh - Tổng thư ký VSSA cho rằng Việt Nam đang vận hành nhiều tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng thị trường quốc tế về bền vững, sinh thái. Đồng thời, đa dạng hóa ngành nuôi để phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và đẩy mạnh các vùng nuôi an toàn, đạt chứng nhận cao hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, tôm của Việt Nam đã xuất đi hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường trọng điểm chiếm tới 97% lượng xuất khẩu của ngành tôm.
Ông Huynh cho rằng ngành tôm đang đứng trước nhiều cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. ĐBSCL cũng đang có nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái góp phần quan trọng để nâng tầm thương hiệu tôm Việt.
Trong những năm gần đây, Hà Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU. Năm 2021, khối lượng xuất khẩu của tất cả các mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam sang các nước EU đều tăng trưởng khả quan. Ước tính các quốc gia EU có nhu cầu nhập khẩu thủy sản hàng năm lên tới 50 tỉ USD và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang đến cho Việt Nam những cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào khu vực này.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/xuat-khau-tom-o-dbscl-dung-truoc-nhieu-co-hoi-186727.html