Xuất khẩu thanh long Bình Thuận gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh nCoV

Ngày 2-2, Sở Công thương Bình Thuận tổ chức cuộc họp bàn các giải pháp xuất khẩu tiêu thụ thanh long trong tình hình dịch bệnh do nCoV gây ra. Tham dự cuộc họp có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bình Thuận, Hiệp Hội thanh long Bình Thuận, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc.

Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn xuất khẩu thanh long do ảnh hưởng dịch bệnh nCoV.

Theo Công điện từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đang diễn biến phức tạp, chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tăng cường các biện pháp ứng phó, đặc biệt về thương mại, cụ thể: tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới trên toàn tuyến biên giới tỉnh Quảng Tây từ ngày 31-1 (mùng 7 tháng Giêng) đến hết ngày 8-2 (15 tháng Giêng). Ngoài ra, các cửa khẩu phụ/cặp chợ biên giới thuộc địa bàn Bằng Tường, Quảng Tây cũng đóng cửa.

Cũng theo thông tin từ Sở Công thương các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh có chung đường biên giới với các tỉnh: Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), về phía Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), từ ngày 29-1 đã kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua lại cặp cửa khẩu Bắc Sơn (Hà Khẩu) - Kim Thành (Lào Cai). Phía Hà Khẩu tạm dừng hoạt động chợ biên mậu Bắc Sơn đến hết ngày 8-2 để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV. Theo đó, các loại hàng hóa nông sản, trong đó có thanh long xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai không thể thông quan để nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc theo hình thức trao đổi hàng hóa biên mậu. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện chỉ đạo việc cấm người qua lại và tạm thời đóng cửa tất cả các đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, cửa khẩu Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh vẫn mở cửa nhưng kiểm soát, giám sát chặt chẽ người qua lại. Tuy nhiên, trong thời gian tới tình hình xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, Việt Nam đã dừng hoạt động của 63/65 cửa khẩu phụ và đường mòn, lối mở biên giới; đã triển khai lực lượng xuống các đồn biên phòng tăng cường kiểm tra, canh gác, ngăn chặn triệt để các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép của cư dân biên giới tại các địa phương.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Bình Thuận hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng hàng bị dồn ứ tại các cửa khẩu ở biên giới phía bắc vì hàng không được thông quan qua Trung Quốc.

Ông Trần Văn Tân, chủ cơ sở thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trước Tết ông thu mua thanh long với giá từ 15 đến 16 đồng/kg và đã xuất được sáu container thanh long qua Trung Quốc trong dịp trước và trong Tết. Tuy nhiên, đến ngày 29-1, ngày đầu tiên khi phía Hà Khẩu (Trung Quốc) thông báo tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa thì ông có bốn container với 72 tấn thanh long bị kẹt tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Nếu đến ngày 8-2 (15 tháng Giêng) mà vẫn chưa được thông quan, chất lượng thanh long sẽ giảm có khả năng không thể bán được và phải bỏ.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Thuận, tổng diện tích thanh long của tỉnh gần 30 nghìn ha, trong đó diện tích xử lý đèn cho thanh long ra trái vụ trong giai đoạn này khoảng 10 nghìn ha, ước sản lượng khoảng từ 85 nghìn – 100 nghìn tấn, thời gian thu hoạch từ nay đến ngày 29-2-2020. Hiện nay, trong các kho chứa lạnh tại các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long ở trong tỉnh còn khoảng 4.000 tấn chưa xuất được. Sức mua tại nhà vườn hiện nay đang có xu hướng giảm mạnh, một số doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long đã ngừng mua hoặc có thu mua thì với giá rất rẻ, từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg.

Nhiều nhà vườn vẫn đang thu hoạch thanh long, nhưng giá thu mua hiện xuống rất thấp, từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg.

Ông Trần Đình Trung, đại diện Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, Hàm Thuận Nam cho biết, 80% sản lượng thanh long của các thành viên trong HTX xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, châu Âu, Australia… với sản lượng khoảng 600 tấn. Đến thời điểm này, một số thị trường đã tạm ngừng nhập và họ chỉ thông báo rằng sản phẩm thanh long vẫn chưa được tiêu thụ hết, cho nên không thể nhập thêm. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các thị trường này e ngại khi Việt Nam là quốc gia chung biên giới với Trung Quốc hiện đang là tâm điểm của dịch nCoV.

Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 120 kho lạnh của các doanh nghiệp và cơ sở thu mua thanh long với sức chứa khoảng 7.000 tấn thanh long. Nếu có huy động hết các kho lạnh này, cùng với việc nhiều doanh nghiệp tận dụng các container lạnh làm kho chứa thì với sản lượng hơn 85 nghìn tấn thanh long thu hoạch từ nay đến hết tháng 2-2020 cũng không đủ sức chứa, nếu thanh long vẫn không được thông quan.

Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết, việc lưu kho thanh long cũng sẽ phát sinh chi phí cho doanh nghiệp; cùng với đó hết thời gian bảo quản thì chất lượng thanh long cũng giảm và khi đó giá tiêu thụ thanh long cũng sẽ giảm.

Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, với sản lượng thanh long còn rất lớn ở các nhà vườn, cho nên những vườn đang nuôi trái cần tập trung chăm sóc, tỉa bớt tối đa nhằm tập chung dinh dưỡng nuôi quả và hạn chế tối đa chi phí đầu tư phân bón. Những vườn chưa có trái thì hạn chế chong điện, và chăm sóc tốt lứa chồi đang chuẩn bị ngã trên đầu trụ. Giai đoan này là thời điểm phù hợp tạo điều kiện để cây có thời gian phục hồi sau thời gian dài khai thác và thường xuyên cập nhật thông tin liên quan tình hình tiêu thụ đối với thị trường Trung Quốc để có phương án kế hoạch sản xuất hợp lý trong thời gian tới.

Kết luận tại cuộc họp, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, giải pháp trước mắt là phải đẩy mạnh tiêu thụ thanh long ở thị trường trong nước. Sở sẽ kiến nghị với UBND tỉnh làm việc với các tỉnh để có giải pháp tiêu thụ nội địa, đưa vào các chợ đầu mối ở các tỉnh, đưa vào các khu công nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn; kiến nghị Bộ Công thương có các chỉ đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có chế biến các sản phẩm từ thanh long tạo điều kiện, hỗ trợ thu mua thanh long cho người dân trong giai đoạn này. Đối với các HTX sản xuất thanh long cần tập trung tuyên truyền cho xã viên tiếp tục liên kết sản xuất chặt chẽ hơn, đồng thời sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GloBalGAP nhằm đáp ứng nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc. Sở Công thương phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh tham mưu UBND tỉnh có Chỉ thị hướng dẫn việc dừng sản xuất thanh long ra trái dưỡng cây; đối với những vườn thanh long đang cho ra trái nằm trong sản lượng 85 đến 100 nghìn tấn thì cố gắng hỗ trợ để tiêu thụ; hỗ trợ các HTX có chế biến sản phẩm từ thanh long nhằm phát triển hết công suất nhà xưởng như bồn chứa, công nghệ, mở rộng nhà xưởng.

ĐÌNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43114102-xuat-khau-thanh-long-binh-thuan-gap-kho-do-anh-huong-dich-benh-ncov.html