Xuất khẩu lao động ở vùng biên viễn xứ Nghệ: Vững kinh tế, đẩy lùi tệ nạn, lạc hậu

Xuất khẩu lao động không những giúp các đồng bào dân tộc ở miền núi cao thoát nghèo, thoát lạc hậu mà còn đẩy lùi nhiều tệ nạn giúp bản làng ngày càng văn minh hơn.

Bản Khơ Mú thay da đổi thịt

Nhắc đến bản người Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) mọi người đã dần quên đi ký ức buồn về bản "bán bào thai" mà thay vào đó là bản làng có nhiều ngôi nhà mới, khang trang khác hẳn những ngôi nhà lụp xụp, ẩm thấp.

Huyện Kỳ Sơn tăng cường liên kết và phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An tổ chức các Hội chợ giới thiệu việc làm có quy mô lớn.

Huyện Kỳ Sơn tăng cường liên kết và phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An tổ chức các Hội chợ giới thiệu việc làm có quy mô lớn.

Ông La Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn vui khi nhắc đến việc người Khơ Mú đi ra bên ngoài làm ăn. "Giờ các bản người Khơ Mú khác lắm. Các ngôi nhà giờ được sửa sang, xây dựng mới. Cuộc sống người dân ngày một nâng cao. Đặc biệt, ở bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 đã không còn việc mua bán bào thai xôn xao dư luận cách đây 6 năm" – ông Hà phấn khởi nói.

Ông cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã có khoảng 700 người đi ra bên ngoài làm ăn. Riêng 2 bản Đỉnh Sơn 1, 2 có khoảng 200 người. Hầu hết các lao động trên địa bàn đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam nên kinh tế vẫn chưa cao như các lao động làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi đang tìm hướng để xuất khẩu lao động ra nước ngoài như ở xã Tà cạ.

Xã biên giới Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn hiện có hơn 100 người đi xuất khẩu lao động, có những gia đình cả hai vợ chồng đều đi xuất khẩu lao động. Bình quân tiền gửi về cho gia đình qua ngân hàng từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng. Việc này không những giúp bản làng thoát nghèo mà trở thành bản làng người Khơ Mú giàu có nhất xứ Nghệ.

Anh Cụt Văn Phách, người đồng bào Khơ Mú ở bản Bình Sơn 2 (xã Tà Cạ) vừa trở về sau 2 năm làm việc Đài Loan chia sẻ: "Đi ra thế giới bên ngoài mới mở mang được tầm mắt. Chứ cứ quanh quẩn ở bản làng thì không thể thay đổi được, không thể làm giàu được".

Bà con dân bản đến chúc mừng anh Phách đã hết hạn hợp đồng lao động từ Đài Loan trở về.

Bà con dân bản đến chúc mừng anh Phách đã hết hạn hợp đồng lao động từ Đài Loan trở về.

Trước đây, cả gia đình chỉ trông chờ vào một mùa nương rẫy nên cuộc sống của gia đình anh cứ mãi quẩn quanh với nghèo khó. Năm 2022, anh Phách đã mạnh dạn đăng ký vay vốn Ngân hàng chính sách đi xuất khẩu lao động. Sau hơn 2 năm làm việc tại Đài Loan, ngoài số tiền gửi về cho gia đình hằng tháng hơn 10 triệu đồng thì anh Phách còn tiết kiệm được thêm hơn 300 triệu đồng. "Số tiền này là đồng vốn để gia đình tôi đâu tư, kinh doanh và tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình" – anh Phách nói.

Cũng giống như anh Phách, gia đình ông Lữ Văn Kèo (cùng bản Bình Sơn 2) cũng đăng ký cho người con trai đầu của gia đình đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Trong vòng 2 năm rưỡi người con đã gửi về cho gia đình hơn 200 triệu đồng. Nhờ số tiền này ông Kèo đã dựng được ngôi nhà sàn kiên cố và vươn lên thoát nghèo.

Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Lữ Văn Kèo, bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ.

Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Lữ Văn Kèo, bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ.

Ông Kèo vui nói: "Ngày trước nhà ta nghèo lắm, nhưng từ ngày con trai đi xuất khẩu lao động gửi tiền về ta đã làm được nhà sàn to ở rồi, giờ không còn nghèo khó như trước nữa".

Bà La Thị Hồng Văn, Phó chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho biết, thấy được hiệu quả kinh tế từ những người đi xuất khẩu lao động sau khi về nước thì người thân và bà con trong bản cũng đi theo. Vì thế số lượng người dân trên địa bàn xã Tà Cạ đi xuất khẩu lao động ngày một tăng, chủ yếu người dân đi xuất khẩu lao động ở các nước, như: Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc... Nhờ thế bản làng ngày càng đổi sắc.

Được biết, trên địa bàn xã có 11 bản, trong đó có bản Bình Sơn 2 là bản làng có số lao động đi xuất khẩu lao động nhiều nhất và tạo thu nhập ổn định nhất. "Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ và giới thiệu các đơn hàng có thu nhập cao và ổn định cho người lao động có việc làm, mang lại thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Để người dân nhiều bản làng có thể thoát nghèo bền vững, nhà cửa khang trang kiên cố như bản Bình Sơn 2" – bà Văn nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng lao động

Những năm gần đây, xuất khẩu lao động được huyện vùng cao huyện Kỳ Sơn quan tâm và xem đây là một trong những hướng đi hiệu quả trong bài toán giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, mang lại thu nhập cao cho người dân miền núi cao.

Tuy nhiên, người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn Kỳ Sơn hiện nay chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu kỹ năng tay nghề, chưa được đào tạo nghề và phổ cập ngoại ngữ cơ bản. Do đó chủ yếu người dân đi các đơn hàng có thu nhập thấp.

Tại các hộ chợ việc làm người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp trong và ngoài nước.

Tại các hộ chợ việc làm người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp trong và ngoài nước.

Để đạt chỉ tiêu đưa 160 lao động đi xuất khẩu lao động trong năm 2024, huyện Kỳ Sơn đã ký kết hợp tác đào tạo với Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc, để phân luồng, hướng nghiệp, nâng cao kiến thức, tay nghề, tích lũy kinh nghiệm, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các thị trường tiềm năng về xuất khẩu lao động.

"Khi được đào tạo, học tập con em các đồng bào dân tộc huyện Kỳ Sơn sẽ có tay nghề và có kỹ thuật tốt hơn, qua đó sẽ có cơ hội kiếm được việc làm có thu nhập cao hơn. Không nhưng thế người lao động đã thay đổi được tư duy cũ, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mạnh dạn vươn xa để tìm kiếm việc làm, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển của quê hương" - ông Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc, chia sẻ.

Cận cảnh hàng ngàn chiếc Iphone, máy tính bảng có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được phát hiện trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

V. Đồng - L. Phú

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/xuat-khau-lao-dong-o-vung-bien-vien-xu-nghe-vung-kinh-te-day-lui-te-nan-lac-hau-172240608225529498.htm