Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Vì sao vẫn đối diện với bài toán thiếu bền vững?
10 tháng năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14,05 tỷ USD, tăng 19,9%, tuy nhiên, ngành hàng tỷ USD này vẫn đối diện với 'bài toán' thiếu bền vững.
Xuất khẩu thu về hàng chục tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 5,91 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 10 tháng đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng mặt hàng gỗ và lâm sản, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu đạt 14,05 tỷ USD, tăng 19,9%; thặng dư xuất khẩu 11,75 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo các chuyên gia, xuất khẩu gỗ và lâm sản cũng đang đối diện với bài toán thiếu bền vững. Ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phòng Chế biến và thương mại lâm sản - Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, ảnh hưởng từ biến động toàn cầu, các biến động như dịch bệnh (Covid-19), thiên tai, đặc biệt là xung đột chính trị trên thế giới đã gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí nhiên liệu, vận chuyển leo thang khiến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh, thúc đẩy ngành chế biến gỗ chuyển sang sử dụng gỗ nguyên liệu trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hiện tại, Việt Nam khai thác hơn 20 triệu m³ gỗ từ rừng trồng sản xuất mỗi năm, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu gỗ nguyên liệu của ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, khoảng 70% lượng gỗ này là gỗ nhỏ, chỉ phù hợp cho sản xuất dăm gỗ và viên nén gỗ, chưa phù hợp về chất lượng và quy cách sản phẩm để chế biến sâu, chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu cao cấp.
Những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc (chiếm hơn 90% giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam) ngày càng áp dụng chặt chẽ các quy định về gỗ hợp pháp, và yêu cầu chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Do đó, để duy trì và mở rộng các thị trường xuất khẩu này, việc phát triển nguồn gỗ nguyên liệu từ các diện tích rừng được cấp chứng chỉ là điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, chi phí xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng là khá cao, đặc biệt đối với các hộ nông dân có diện tích manh mún, ở vùng sâu, vùng xa. Hiện, cả nước có hơn 1 triệu chủ rừng, quản lý trên 45,5% diện tích rừng trồng sản xuất (tương đương 1,82 triệu ha), là những hộ có nguồn lực tài chính hạn chế, khó có thể tự mình huy động được nguồn vốn trong việc thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Cần đầy mạnh liên kết, phát triển vùng nguyên liệu bền vững
Về phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn, đến nay, cả nước đã trồng và chuyển hóa được 445.480 ha rừng trồng gỗ lớn. Trong đó, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ đạt 234.847 ha, cao nhất trên toàn quốc, chiếm 52,7 %. Khu vực này cũng có gần 105 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chiếm gần 20,4% diện tích rừng được cấp chứng chỉ trong cả nước.
Vùng Bắc Trung bộ cũng đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút doanh nghiệp hợp tác, liên kết với chủ rừng đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chỉ sau vùng Đông Bắc, nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.
Cụ thể, diện tích rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững do sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và chủ rừng chỉ chiếm trên 3,5% diện tích rừng trồng của cả vùng, 44% diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững của cả vùng.
Việc phát triển hợp tác, liên kết, đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại vùng Bắc Trung bộ vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Theo đó, chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm hợp tác, liên kết với chủ rừng đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững và bao tiêu sản phẩm. Có thời điểm, giá bán gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững chênh không nhiều so với gỗ không có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, không tương xứng với chi phí bỏ ra để làm chứng chỉ quản lý rừng bền vững;...
Bên cạnh đó là những khó khăn về đất đai và hạ tầng. Theo đó, diện tích đất đã giao cho các hộ gia đình nhỏ lẻ, khó tạo được vùng nguyên liệu lớn, gây khó cho việc thu mua và vận chuyển đến nơi chế biến.
Việc tích tụ đất đai để có quy mô đủ lớn cho sản xuất hàng hóa khó thực hiện do các quy định về hạn điền; người dân vẫn còn tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết lâu dài bền vững. Công tác quy hoạch lâm nghiệp còn hạn chế, việc giao đất vẫn còn tình trạng tranh chấp, chồng chéo gây khó khăn cho phát triển vùng quy hoạch phát triển trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu.
Việc vay vốn từ các ngân hàng thủ tục còn khó khăn, thời gian cho vay ngắn, đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên các doanh nghiệp và hộ gia đình khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo các chính sách hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Chính sách liên kết phát triển vùng nguyên liệu, thu mua lâm sản hiện nay chưa khuyến khích được doanh nghiệp và người dân tham gia.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc hợp tác và liên kết đầu tư phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là xu hướng tất yếu và rất cần thiết đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ. "Phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là cách để Việt Nam không chỉ chủ động nguồn nguyên liệu mà còn đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu", ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp – nhận định.
Để thu hút hợp tác liên kết trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, các chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần rà soát, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các chính hỗ trợ tạo điều kiện, thu hút doanh nghiệp, chủ rừng tham gia vào hợp tác, liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Bên cạnh đó, kịp thời đánh giá, tổng kết các mô hình hợp tác, liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoạt động có hiệu quả, làm cơ sở để nhân rộng. Đẩy mạnh các hoạt động tổ chức hội nghị, hội chợ triển lãm... nhằm quảng bá sản phẩm và xúc tiến các thành phần kinh tế tham gia hợp tác, liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững gắn với chế biến và thị trường xuất khẩu.